Các chương trình, tiết mục đã truyền đạt những kiến thức về đời sống xã hội, nhất là kiến thức về sản xuất và pháp luật; về khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi, trồng cho nông dân. Đặc biệt, những bài viết về các phong tục, tập quán, nét đẹp ở các vùng quê…góp phần làm dày thêm nền kiến thức về văn hoá của người dân, góp phần khơi gợi tình yêu quê hương và lòng tự hào dân tộc.
Thông qua các mẫu chuyện, gương người tốt, việc tốt…chương trình các đài huyện còn góp phần nhân rộng các điển hình tiên tiến, cổ vũ lối sống lành mạnh, có ý nghĩa. Các bài phóng sự về những cảnh đời cùng khổ, những tấm lòng nhân ái… đã khơi gợi, cổ động mạnh mẽ phong trào nhân đạo, từ thiện, đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn đạo đức, lối sống và giữ gìn nhân cách cho cán bộ, đảng viên và xã hội.
“Qua chương trình Nhịp cầu nhân ái của Đài, có 10 mạnh thường quân trực tiếp hỗ trợ các trường hợp ngặt nghèo, số tiền trên 45 triệu đồng và có 102 vấn đề phóng viên phản ánh được cơ quan chức năng giải quyết và giải đáp” [28, tr.7].
Đánh giá về tác động tích cực của Đài Truyền thanh Biên Hoà trong công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, ông Trương Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, nhận xét:
Đài Truyền thanh không chỉ tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn thể hiện rõ khả năng tác động xã hội qua các tin, bài, tiết mục gần gũi, sâu sát với đời sống, tình cảm, nguyện vọng của người dân…qua đó đã khơi gợi và tạo được sự tham gia hưởng ứng các phong trào, hoạt động của cộng đồng, góp phần vào thành tựu của thành phố trên các lĩnh vực, ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, tệ nạn xã hội…(Phụ lục 3, tr.132)