Thực tế, với đa số các đài huyện, nguồn kinh phí thường xuyên và đầu tư mua sắm được phân bổ từ ngân sách huyện chỉ mới đáp ứng các hoạt động cơ bản. Trong khi đó, nhiều hoạt động phát sinh do yêu cầu nhiệm vụ và phân công của lãnh đạo địa phương, nhưng kinh phí được cấp có hạn đã trở thành một trở lực lớn đối với các đài. Để vượt qua trở ngại này, đồng thời tiếp tục phát huy hơn khả năng hoàn thành nhiệm vụ, lãnh đạo các đài đã tập trung vào giải pháp tăng cường, mở rộng quan hệ, ký kết hợp đồng phối hợp tuyên truyền với các đơn vị, ban ngành nhằm tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí và nhân lực thường xuyên cho các hoạt động của đài. Nhờ đó, các đài huyện đã có thêm nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động mua sắm, đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ phát thanh hiện đại, phát triển số lượng và đa dạng hoá các tiết mục, chuyên đề.
Ở miền ĐNB hiện nay, thông qua các mối quan hệ đã mở ra cho các đài truyền thanh huyện một số nguồn thu khá ổn định, từ kinh phí tuyên truyền của Ban chỉ đạo An toàn giao thông, các chương trình phòng chống HIV/AIDS; đấu tranh phòng chống ma tuý… Nhiều nơi còn có thêm các nguồn hỗ trợ khác thông qua hợp đồng tuyên truyền cộng tác với ngành y tế, dân số - kế hoạch hoá gia đình, tài nguyên môi trường, Chi cục kiểm lâm.
Mặt khác, các ban ngành, đoàn thể ở một số huyện cũng đã trở thành những CTV đắc lực của đài qua việc phối hợp trách nhiệm thực hiện các chuyên đề, chương trình, truyên truyền về lĩnh vực hoạt động của ngành mình.
Với sự hỗ trợ tích cực và trách nhiệm cao của các đài PT - TH tỉnh trong việc triển khai các dự án, chương trình quốc gia về “Xoá đói thông tin” và dự án nâng cấp, đầu tư phương tiện kỹ thuật cho các đài huyện, đã có thêm nhiều cơ hội cho các đài tiếp cận công nghệ hiện đại.