Về đối tượng phục vụ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thanh cấp huyện, thị ở các tỉnh miền Đông Nam bộ pot (Trang 37 - 38)

Muốn hoạt động báo chí có hiệu quả thì người làm báo phải luôn gần gũi, sâu sát với công chúng của mình, coi họ là đối tượng phục vụ đặc biệt, đồng thời qua họ để biết những nhu cầu thông tin mà họ cần, từ đó có biện pháp thực sự đáp ứng mối quan tâm của công chúng.

Trong Luận văn Thạc sỹ Truyền thông đại chúng (năm 2008) của tác giả Phạm Thị Thanh Phương có tiêu đề: Hệ thống phát thanh - truyền hình các tỉnh miền Đông Nam bộ, qua khảo sát thực tế, đã khẳng định: “Công chúng ở địa phương theo dõi chương trình PT - TH trước hết vì họ luôn luôn muốn biết được những thông tin của địa phương mình, những thông tin đã và đang diễn ra xung quanh mình” [47, tr. 47]. “Họ muốn nắm bắt cái mới, đặc biệt là những vấn đề có liên quan thiết thực với cuộc sống lao động, sản xuất của bản thân, gia đình và cộng đồng, mà trước hết chương trình thời sự địa phương phải có trách nhiệm đáp ứng… Họ muốn nghe thấy những diễn biến trong đời sống hơn là nghe thấy những người diễn thuyết trên bục” [56, tr. 19].

Đó là nhu cầu cao nhất và cũng chính là lý do để tồn tại các đài truyền thanh huyện. Bởi thông tin địa phương hay thông tin cơ sở cũng nằm trong ý nghĩa này. Bên cạnh đó, không chỉ xác định vai trò là cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền huyện, thị, thời gian qua đặc biệt là trong công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới báo chí, các đài truyền thanh cấp huyện cũng đồng thời phát huy vai trò diễn đàn của nhân dân thông qua các chương trình, chuyên mục, tác phẩm báo chí của mình.

Ở khu vực ĐNB, đối tượng phục vụ của các đài truyền thanh huyện, thị được xác định rất rõ ràng: đó là cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân lao động ở địa bàn huyện, thị và phường, xã mình. Chính vì vậy, khi xây dựng chương trình, xác định thời lượng, bố trí thời điểm phát sóng các chương trình… đài truyền thanh các tỉnh ĐNB nhìn chung, đều xuất phát từ chính nhu cầu của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân lao động.

Qua khảo sát 221 chương trình thời sự và chuyên mục của 11 đài huyện, thị (mỗi đài chọn ngẫu nhiên 7 chương trình trong tuần của tháng 6/2008; 7 chương trình của tháng 12/2008 và 7 chương trình của tháng 5/2009), chúng tôi nhận thấy: có khá nhiều chuyên mục, tiết mục hướng đến phục vụ các đối tượng công chúng khác nhau. Hầu hết các đài đều xây dựng chương trình, chuyên mục, tiết mục dành riêng cho đối tượng là thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ, công nhân lao động, nông dân… dưới nhiều tên gọi khác nhau như: Đài Thuận An, tỉnh Bình Dương là Chương trình Phát thanh Thanh Niên; Đài Truyền thanh thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là tiết mục Giáo dục hướng nghiệp; Đài Bình Long, tỉnh Bình Phước là tiết mục Vườn hoa tuổi thơ; Đài truyền thanh huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương là tiết mục

Phát thanh Công đoàn; Đài Truyền thanh huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh là Nông nghiệp - Nông thôn….

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thanh cấp huyện, thị ở các tỉnh miền Đông Nam bộ pot (Trang 37 - 38)