Phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thanh cấp huyện, thị ở các tỉnh miền Đông Nam bộ pot (Trang 95 - 98)

Quan hệ giữa vai trò cá nhân và tính tập thể trong sáng tạo báo chí mang tính biện chứng, làm tiền đề cho nhau. Tài năng được phát huy của mỗi cá nhân là điều kiện hàng đầu cho uy tín và hiệu quả lao động sáng tạo của tập thể cơ quan báo chí. Ngược lại tinh thần trách nhiệm, hợp tác phân công hợp lý trong tập thể, bảo đảm cho mỗi cá nhân phát huy được khả năng của mình thực hiện tốt nhiệm vụ, công tác được giao [51, tr. 188].

Thực hiện mục tiêu cải tiến, đổi mới các chương trình, đòi hỏi mỗi cá nhân phải phát huy hơn nữa năng lực lao động sáng tạo, nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm và kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn.

- Đối với vai trò, trách nhiệm của Trưởng đài

Báo chí nói chung, đài truyền thanh nói riêng, không phải chỉ phản ánh, tuyên truyền mà còn là kênh thông tin, dự báo, định hướng xã hội nữa. Vì vậy, vai trò của người lãnh đạo cơ quan luôn mang một ý nghĩa quan trọng. Văn kiện Hội nghị lần thứ 3, Ban chấp hành Trung ương khóa VIII chỉ rõ: “Trong xây dựng Đảng thì công tác cán bộ là quan trọng nhất, là khâu then chốt của vấn đề then chốt. Bác Hồ đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” [34, tr.22].

Đối với báo chí, lĩnh vực đòi hỏi người phụ trách phải có lập trường, quan điểm vững vàng, nắm vững pháp luật, giỏi chuyên môn và có uy tín, việc lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu lại càng đặc biệt quan trọng.

Trách nhiệm của trưởng đài thể hiện ở chỗ bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ - nhân viên đảm bảo “đúng người, đúng việc”, nhằm phát huy hết thế mạnh của từng người, nâng cao hiệu quả công việc; đồng thời tạo cho cả bộ máy phối hợp hoạt động nhịp nhàng. Chỉ đạo hoạt động tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, nội dung sát với tình hình thực tế của địa phương trong từng giai đoạn, thời điểm. Vạch ra kế hoạch hoạt động của cơ quan trong từng năm, từng giai đoạn với những mục tiêu trước mắt và lâu dài, đảm bảo cơ sở vật chất, chỉ đạo hoạt động của các phòng ban, tăng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ để đảm bảo hoạt động. Có chế độ đãi ngộ thích hợp đối với những cán bộ, nhân viên có năng lực; kịp thời khen thưởng, động viên theo định kỳ, hoặc khen thưởng đột xuất những tác phẩm có chất lượng trước toàn cơ quan…

Ở vị trí này, đòi hỏi người có năng lực về chuyên môn, năng lực quản lý tốt, có bản lĩnh bảo vệ cái đúng, không nể nang, né tránh sẽ khơi dậy tinh thần chủ động và phát huy được năng lực sáng tạo của PV. Qua đó, không chỉ có được những tin tức phóng sự có chất lượng, có tính chiến đấu cao mà còn giúp hoạt động của đài phát triển, đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng, nhiều chiều của công chúng.

- Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Ban biên tập, Biên tập viên

Do hạn chế về nhân lực và cũng do tình hình hoạt động thực tế, nên ở các đài huyện thường chỉ có một BTV chuyên trách (có khi là một thành viên trong ban lãnh đạo chịu trách nhiệm). Trình độ và bản lĩnh, chất lượng làm việc của Ban biên tập, BTV ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của tác phẩm.

Biên tập là một công đoạn bắt buộc, có ý nghĩa quan trọng trong toàn bộ quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí. Mục đích của việc biên tập là làm cho thông tin đến với công chúng thuận tiện, rõ ràng và hợp lý nhất” [52, tr.98]. Trách nhiệm của Ban Biên tập, BTV thể hiện ở việc sửa chữa những sai sót trong tác phẩm của PV, quyết định thời lượng tin, kết cấu chương trình. BTV phải biết được thông tin đó phát vào lúc nào là có hiệu quả nhất và hạn chế được những ảnh hưởng xấu có thể xảy ra. Sự tham gia của BTV trong quy trình sản xuất chương trình không chỉ góp phần nâng cao chất lượng của từng sản phẩm đơn lẻ mà còn đóng góp quan trọng vào việc tăng sức lôi cuốn của cả chương trình, hạn chế được những thông tin kém giá trị hoặc không có lợi cho sự phát triển của đất nước. Muốn vậy, đòi hỏi BTV

phải có bản lĩnh chính trị, tác phong làm việc khoa học và vững về nghiệp vụ nhằm lựa chọn, xử lý kịp thời những tác phẩm, số liệu tương đối phức tạp, quan trọng, liên quan đến những vấn đề nhạy cảm.

Yêu cầu đặt ra là BTV cần chủ động trong phát huy vai trò của mình, không để bị lệ thuộc vào nguồn cung cấp thông tin có sẵn từ PV và CTV. Nếu BTV chủ động cao trong vai trò điều hành, dẫn dắt, xây dựng được mối quan hệ tốt với các bộ phận nghiệp vụ sẽ tạo được bầu không khí làm việc tin tưởng, thoải mái, huy động cao sức mạnh tập thể nhằm sản xuất ra những tác phẩm, chương trình hay và chuyển tải đến người nghe đạt chất lượng tốt...

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên tham gia sản xuất chương trình

PV không chỉ phản ánh những sự kiện đã xảy ra mà phải biết khơi ngòi thông tin, làm lộ rõ những vấn đề còn tiềm ẩn cần được dư luận quan tâm, cần được cộng đồng hợp lực giải quyết. Đó chính là sự góp phần quan trọng của báo chí để đẩy nhanh các mục tiêu chiến lược phát triển mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã đề ra.

Do tính chất nghề nghiệp, đòi hỏi trong quy trình sản xuất chương trình phát thanh phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa lao động cá nhân và lao động tập thể. Nếu PV thể hiện tinh thần trách nhiệm, chủ động tạo ra bầu không khí làm việc năng động, khoa học thì sẽ tác động cho cả êkíp trong cả quá trình sáng tạo tác phẩm. Mặt khác, một chương trình đã chọn lựa được các tác phẩm hay, kết cấu logich nhưng nếu dẫn chương trình dở sẽ làm hỏng tất cả và ngược lại nếu chương trình không xuất sắc lắm thì lại cứu vãn được nếu người dẫn chương trình tỏ ra có duyên, có sức lôi cuốn. Chính vì vậy, PTV hay BTV khi thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt chương trình phát thanh được ví như linh hồn của chương trình, vì họ làm nhiệm vụ nối liền mạch cho các thành phần riêng biệt tin, bài, mẫu chuyện... Với người dẫn chương trình phát thanh, yêu cầu đặt ra là phải linh hoạt, nhạy cảm, có lối diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, dễ cuốn hút.

Thông thường ở một đài truyền thanh huyện, KTV thường chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc thu, hoàn chỉnh phần âm thanh dàn dựng và phát sóng chương trình. Nếu KTV phát huy cao khả năng tìm tòi, nghiên cứu, tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm sẽ rút ngắn nhiều thời gian thao tác, nâng cao chất lượng sử dụng âm thanh, tiếng động, âm nhạc và quy trình phát sóng chương trình hàng ngày.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thanh cấp huyện, thị ở các tỉnh miền Đông Nam bộ pot (Trang 95 - 98)