Cải tiến quy trình sản xuất chương trình

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thanh cấp huyện, thị ở các tỉnh miền Đông Nam bộ pot (Trang 101 - 105)

Trong cuốn sách Truyền thông đại chúng, tác giả Tạ Ngọc Tấn cho rằng: “Đưa tin nhanh, các chương trình âm nhạc sinh động, tác động đồng loạt trong diện rất rộng một cách tức thời - đó là xu hướng chính trong sự phát triển của phát thanh hiện nay. Đó là con đường để phát thanh giữ lại thính giả của mình, để tiếp tục tồn tại và khẳng định mình” [52, tr.108]

Đặc trưng bao trùm của phát thanh là tờ báo âm thanh tổng hợp nên để tăng cường hơn tác động tuyên truyền của truyền thanh cấp huyện, các đài cần đặc biệt chú ý tăng cường sử dụng âm nhạc, tiếng động và âm thanh gốc vào chương trình phát sóng hàng ngày. Đây là yếu tố cơ bản quyết định việc khai thác thế mạnh của báo phát thanh, đồng thời nó cũng là khâu khó nhất và yếu nhất của các đài truyền thanh. “Khai thác tiếng động thực chất là sử dụng một phần các tài liệu nguyên gốc, nó chẳng những tạo độ tin cậy cao mà còn góp phần đa dạng hoá âm thanh trên sóng truyền thanh, tạo hiệu quả cao trong quá trình tác động”[15, tr.224]

Để tác phẩm phát thanh thực sự bổ ích, hấp dẫn người nghe, các đài cần tăng cường hình thức phỏng vấn, phát biểu, góp phần tạo cho chương trình gần gũi, thiết thực hơn. Để làm tốt, lực lượng viết tin, bài của các đài cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp, nhanh chóng tìm ra những thông tin mang tính bản chất, những người đại diện có khả năng phát biểu, nhận định vấn đề.

KTV là người chuyên trách khâu thu in, hoàn chỉnh chương trình về mặt âm thanh nên cần có kiến thức cơ bản về âm nhạc và yêu âm nhạc. Chính những người này sẽ góp phần đắc lực vào việc làm cho chương trình của các đài truyền thanh thêm màu sắc, thêm hấp dẫn lôi cuốn qua việc gia công chọn lọc, tìm kiếm những bài hát, đoạn nhạc sử dụng phù hợp làm nhạc xen, nhạc cắt, nhạc lồng, nhằm minh hoạ, tạo điểm nhấn thu hút thính giả. Ngược lại, việc xem nhẹ yếu tố âm nhạc, tuỳ tiện trong lựa chọn nhạc phối cho chương trình chắc chắn sẽ dẫn đến những trường hợp gây phản cảm, khó chịu đối với người nghe mà thực tế không ít đài đã gặp phải.

- Mạnh dạn thực hiện các chương trình phát thanh trực tiếp

Các đài truyền thanh huyện cần tăng cường ứng dụng công nghệ PTTT để phản ánh nhanh hơn, sôi động hơn những vấn đề cấp thiết trong đời sống chính trị, kinh tế - văn hoá - xã hội của huyện mình.

Để có thể thực hiện được một chương trình PTTT, các đài cần chú ý đến vấn đề thiết bị kỹ thuật gọn nhẹ, cấu hình kỹ thuật phù hợp. Bên cạnh sự đồng bộ của trang thiết bị thì chất lượng phòng thu cũng phải được nâng cấp, trình độ đội ngũ cũng phải được nâng cao.

Làm PTTT đòi hỏi khả năng tác nghiệp cao nên chi phí chương trình thường cao hơn so với phát thanh truyền thống. Đó là chưa kể phương thức này còn đòi hỏi phải có thiết bị liên lạc tốt giữa hiện trường với phòng thu, phương tiện đi lại tốt...nếu không đáp ứng được những nhu cầu này thì những người làm phát thanh rất khó thực hiện được các chương trình PTTT.

Tiểu kết chương 3

Trong chương 3 của luận văn, chúng tôi đã trình bày những giải pháp chung và những giải pháp cụ thể với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đài truyền thanh huyện, thị miền ĐNB.

Một yêu cầu quan trọng đặt ra là cần tăng cường và đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo tuyên truyền; cần có cơ chế, chính sách khuyến khích những người công tác ở đài truyền thanh cấp huyện vươn lên xứng tầm với vai trò “tờ báo nói của huyện”, góp phần đắc lực vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương.

Bên cạnh đó, sự cộng đồng trách nhiệm, lòng yêu nghề và ý chí học tập, cầu tiến của đội ngũ này chính là yếu tố quyết định khả năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tuyên truyền trong tình hình mới. Đó cũng chính là cơ sở để các đài truyền thanh huyện, thị ngày càng vươn lên, xứng đáng để được công nhận là cơ quan báo chí và đội ngũ công tác ở các đài cấp này được nhìn nhận là những nhà báo thực thụ.

KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thanh cấp huyện, thị ở các tỉnh miền Đông Nam bộ pot (Trang 101 - 105)