Trong việc cải tiến nội dung thông tin, các đài truyền thanh huyện trong khu vực ĐNB cần chú trọng các yêu cầu sau:
- Tăng cường sức chiến đấu, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị huyện nhà
Khi trao đổi trực tiếp với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thị uỷ Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã nêu một ý kiến khá tiêu biểu:
Nội dung chương trình của đài truyền thanh còn cứng nhắc, còn nhiều tin bài phản ánh các hội nghị, các phát biểu của lãnh đạo thị xã, thông tin còn nặng tuyên truyền thành tích, thiếu những bài mang tính đấu tranh chống tiêu cực, chưa mạnh dạn hoặc né tránh phản ánh những ý kiến bức xúc của nhân dân, của xã hội...(Phụ lục 3, tr.133)
Có thể nói yêu cầu đổi mới nội dung thông tin là yêu cầu cấp bách hiện nay của các đài truyền thanh huyện, trên cơ sở đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng trong công chúng và thực hiện mục tiêu phát triển truyền thanh địa phương. Khi phân tích 585 ý kiến trả lời trong tổng 708 phiếu hỏi nhận lại, con số 82,63% thính giả quan tâm đến chương trình đài truyền thanh huyện mình cho thấy đòi hỏi của công chúng về chất lượng chương trình thời sự của các đài huyện hiện nay rất cao, mặc dù nó chưa nói lên yếu tố hấp dẫn của chương trình thời sự.
Cải tiến nội dung thông tin nhằm tăng tính hấp dẫn, nhất thiết phải xem trọng yếu tố lựa chọn thông tin. Việc lựa chọn thông tin đòi hỏi các đài phải coi trọng hiệu quả của thông tin, phải hết sức chú trọng tới ảnh hưởng tác động của thông tin đối với đối tượng. “Hiệu quả thông tin chẳng những phụ thuộc một cách quyết định vào sự lựa chọn thông tin nhằm đảm bảo thông tin đa dạng nhiều chiều, phong phú, chân thực, khách quan mà còn phụ thuộc vào lượng thông tin đáp ứng nhu cầu tinh thần và nhu cầu hành động của đối tượng” [48, tr.187]
Trong thời gian qua, thông qua tác động từ chương trình truyền thanh của đài, đồng thời cộng tác đưa tin trên sóng PT & TH của tỉnh, lực lượng PV ở các đài huyện cũng có cố gắng nhất định trong việc phản ánh các biểu hiện tiêu cực tại địa phương, đề cập những vấn đề nhạy cảm cần được giải quyết từ nhiều phía. Các bài viết, phóng sự đề tài về ô nhiễm môi trường, ách tắt trong thủ tục hành chính, lãng
phí trong đầu tư xây dựng, chậm trễ về tiến độ thi công các công trình phúc lợi tập thể, phát hiện ổ nhóm gây rối an ninh trật tự, tệ nạn xã hội...đã tạo được sự quan tâm đối với các đồng nghiệp và công chúng địa phương, khu vực.
Song, số lượng mẫu chuyện, bài nêu gương điển hình và chống tiêu cực của các đài huyện, nhìn chung còn rất hạn chế, chất lượng cũng không đồng đều. Mặt khác, trước tình hình diễn biến phức tạp của xã hội, những giá trị truyền thống và đạo đức có nguy cơ xuống dốc dẫn đến tình trạng thoái hoá, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ...thì yêu cầu của lãnh đạo địa phương, của thính giả đối với đài truyền thanh huyện, thị phải tham gia tích cực hơn, đấu tranh mạnh mẽ hơn trong chống tiêu cực và bài trừ các tệ nạn xã hội, là rất chính đáng.
- Mở thêm chương trình, chuyên mục, hướng đến phục vụ đồng bào có đạo, đồng bào dân tộc thiểu số
ĐNB là vùng tập trung đông dân cư các vùng, miền vì tiềm ẩn nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế - văn hoá, xã hội. Nhiều địa phương trong khu vực, nổi trội là tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Phước, có gần 40 dân tộc cư ngụ và các tôn giáo cũng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, ở thành phố Biên Hoà, huyện Thống Nhất, huyện Trảng Bom, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, có những địa bàn có từ 92 - 97% là đồng bào theo đạo Thiên chúa. Riêng tỉnh Tây Ninh, người theo đạo Cao Đài cũng chiếm khá đông, ngoài ra còn có cơ quan trung ương của đạo Cao Đài là Toà Thánh đóng tại thị xã Tây Ninh.
Tuy nhiên, chương trình phát thanh hàng ngày của các đài truyền thanh huyện lại chưa xem trọng các đối tượng này. Duy nhất chỉ có Đài Truyền thanh huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, ngoài chương trình thời sự bằng tiếng Việt, Đài còn xây dựng chương trình tiếng S’Tiêng dành cho đồng bào dân tộc chiếm số lượng khá đông ở địa bàn này. Chương trình được giao cho hai PV và PTV thực hiện. Cơ cấu chương trình chủ yếu là các tin, bài, mẫu chuyện viết về các hoạt động đang diễn ra liên quan đến đồng bào dân tộc S’Tiêng, gương tốt trong đồng bào dân tộc... được sắp xếp xen kẻ giữa một tin (hay bài) tiếng Việt là tin (hoặc bài) minh hoạ bằng tiếng S’Tiêng. Thời lượng chương trình 30 phút. Tuy nhiên, các chương trình này thực hiện không thường xuyên và do không có chuyên đề, chuyên mục nên chương trình còn khô cứng, thiếu tính sinh động và liên tục.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Vân Hương, Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Bù Đăng, nhấn mạnh: “Đài Truyền thanh huyện cần mở thêm chuyên trang, chuyên mục, như “Trang địa phương” để cập nhật những tin tức quan trọng của địa phương tới đông đảo người dân trong huyện; tăng cường nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình” (Phụ lục 3, tr.135).
3.2.2.4. Nâng cao chất lượng các thể loại và các dạng chương trình
Phát biểu tại cuộc họp giao ban 6 tháng đầu năm 2009 với lãnh đạo các đài truyền thanh huyện tổ chức vào trung tuần tháng 6/2009, ông Mai Sông Bé, Giám đốc Đài PT & TH tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh:
Sự hỗ trợ của công nghệ mới và trang thiết bị hiện đại đã tạo cho ngành phát thanh có nhiều cơ hội để cạnh tranh với các loại hình báo chí khác trong cuộc chạy đua thu hút người nghe. Song điều cốt lõi là các đài truyền thanh phải đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình cho phù hợp với yêu cầu, thị hiếu của công chúng. Đó mới là hướng đi chủ yếu để chúng ta tiếp tục tồn tại và khẳng định mình [19, tr.4].
Với mục đích: sản xuất chương trình để phục vụ người nghe, cho nên nếu coi nhẹ hoặc xao nhãng việc nắm bắt, nghiên cứu nhu cầu thính giả sẽ dẫn đến sự xa rời, bất cập và đẩy người nghe tìm đến những làn sóng, loại hình báo chí hấp dẫn khác.
- Từng bước cải tiến nội dung thông tin, nâng cao chất lượng thông tin và nghệ thuật thể hiện.
Vấn đề đặt ra là ban lãnh đạo các đài cần xây dựng một chỉ tiêu cụ thể cho đội ngũ PV, BTV nhằm thực hiện mục tiêu đa dạng hoá các thể loại tin, bài.
Với câu hỏi: “Theo quý vị, chương trình thời sự của đài huyện cần chú trọng nhiều hơn các dạng thông tin nào?” kết quả chúng tôi thu được như sau:
Bảng 3.4: Ý kiến công chúng về các nội dung thông tin đài huyện cần chú ý
Tin Chính trị-
XH địa phương
Thông tin, tư vấn chính sách- P.Luật Tư vấn sức khoẻ Văn hoá- Văn nghệ Thể thao 1 Bà Rịa- VT 56 62 30 16 15 2 Bình Phước 104 81 44 27 7 3 Tây Ninh 55 22 58 22 14 4 Đồng Nai 138 91 78 45 34 5 Bình Dương 52 54 46 16 11 Cộng 405 310 236 126 81 Tỷ lệ 57,20 43,79 33,33 17,80 11,44
Kết quả tổng hợp ý kiến thính giả trên đã cho thấy: bên cạnh nhu cầu được thông tin về các hoạt động chính trị - xã hội đang xảy ra ở địa phương, công chúng cũng mong đài huyện chú trọng nhiều hơn đến các vấn đề rất gần gũi khác trong đời sống xã hội. Muốn làm tốt yêu cầu này, các đài cần bố trí lực lượng PV, BTV thành các nhóm phụ trách từng lĩnh vực cụ thể. Với sự phân nhóm và phân chia lĩnh vực riêng biệt này, đài truyền thanh huyện mới có được những chuyên đề, chuyên mục đúng nghĩa và gắn bó với nhu cầu, con người ở địa phương. Tính thiết thực, gần gũi, hiệu quả trong từng dạng chương trình mới được phát huy cao.