Nhân tố đầu tiên phải kể đến đó là sự quan tâm đặc biệt của Đảng ta về cán bộ và
công tác cán bộ nói chung, cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng. Xuất phát từ vị trí
vai trò quan trọng của cán bộ và đội ngũ cán bộ, tại Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định phải “sớm xây dựng chiến lược cán bộ của thời kỳ mới”, nghị quyết Trung ương ba khoá VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ra đời là nhằm đáp ứng những yêu cầu bức thiết đó; từ sau khi có chiến lược cán bộ, Bộ Chính trị các khoá VIII, IX, X đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định về cán bộ và công tác cán bộ; các cấp uỷ đảng đã thể chế hoá thành các quy chế, quy định, quy trình công tác cán bộ của địa phương, ngành, đơn vị để thực hiện. Quốc hội đã thông qua Luật cán bộ, công chức; Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, quy định về chế độ, chính sách quản lý, tuyển dụng, bổ nhiệm, quyền lợi và quyền hạn của cán bộ, công chức. Nhờ đó, công tác cán bộ đã dần đi vào nền nếp, tạo sự thống nhất trong thực hiện và góp phần mang lại hiệu quả chung trong công tác cán bộ; đây cũng chính là cơ sở, là căn cứ pháp lý để các cấp uỷ đảng ở cơ sở vận dụng sáng tạo phù hợp với đặc điểm những xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã là người dân tộc Khmer đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị, cơ sở và yêu cầu cách mạng trong thời kỳ mới.
Đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng cũng là một trong những nhân tố tích cực tác
động đến đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã là người dân tộc Khmer và việc xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã là người dân tộc khmer ở tỉnh Kiên Giang. Công tác cán bộ của Đảng ở bất kỳ thời kỳ nào cũng đều xuất phát từ đường lối và nhiệm vụ chính trị của Đảng ở từng thời kỳ đó; đường lối, nhiệm vụ chính trị đúng đắn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cách mạng sẽ là động lực thôi thúc cho sự vươn lên của đội ngũ cán bộ về mọi mặt, và ngược lại. Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới và qua các nhiệm kỳ đại hội đã từng bước cụ thể hoá và đang đi vào chiều sâu. Sau hơn 20 năm đổi mới, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Quan trọng là sau 20 năm lãnh đạo và chỉ đạo công cuộc đổi mới Ðảng và Nhà nước ta ngày càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng tỏ hơn. Sự đúng đắn của đường lối đổi mới đã củng cố quan điểm, lập trường chính trị, và định hướng hoạt động cho đội ngũ cán bộ cấp xã nói chung và đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã là người dân tộc Khmer nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào dân tộc Khmer và phát
triển kinh tế, chính trị - xã hội ở những vùng đồng bào dân tộc Khmer. Từ khi có Chỉ thị
số 68-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VI) về công tác ở vùng đồng bào
dân tộc Khmer, Nghị quyết Trung ương bảy khoá IX về công tác dân tộc; Chính phủ đã
ban hành nhiều văn bản cụ thể hoá đường lối, chính sách của Đảng về dân tộc Khmer và các xã vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và Miền núi, chia thành hai giai đoạn: giai đoạn I từ năm 1997 đến năm 2006; giai đoạn II từ năm 2006 đến năm 2010. Kiên Giang có 27 xã của 7 huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn [41]; có 53 xã của 10 huyện thuộc diện khó khăn [42], cả 53 xã này đều là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên tổng số 64 xã có đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh. Từ những sự quan tâm trên của Đảng, Nhà nước và cấp uỷ địa phương sẽ tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự vươn lên của đội ngũ
cán bộ cấp xã về mọi mặt góp phần cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã vững mạnh và đạt được mục tiêu trong công tác cán bộ ở cơ sở.
Truyền thống đấu tranh cách mạng của những lớp cán bộ thế hệ đi trước, và những
tấm gương hy sinh của những cán bộ cách mạng nói chung, cán bộ cách mạng là người dân tộc Khmer nói riêng. Truyền thống này đã, đang và sẽ tiếp tục hun đúc tinh thần nhiệt tình cách mạng của đội ngũ cán bộ cấp xã là người Khmer - những người hết lòng hết sự phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân luôn có ý chí phấn đấu rèn luyện đạo đức cách mạng, trau dồi kiến thức, năng lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được quan tâm củng cố; trình độ dân trí ở cơ sở ngày càng được nâng cao cũng chính là những nhân tố tích cực tác động đến đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã là người dân tộc Khmer và việc xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã là người dân tộc Khmer ở tỉnh Kiên Giang trong giai đoạn hiện nay.