Mức hưởng và thời gian hưởng trợ cấp BHTN

Một phần của tài liệu Tổ chức bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam (Trang 47 - 49)

- Việc quản lý:

1.2.2.3 Mức hưởng và thời gian hưởng trợ cấp BHTN

Quan điểm chung về mức trợ cấp BHTN

Mặc dù BHTN có thể được tổ chức dưới dạng hệ thống BHTN độc lập hay chế độ BHTN trong hệ thống chế độ BHXH thì quan điểm về mức trợ cấp BHTN đều thống nhất: Khi mất việc làm, người lao động mất phương tiện mưu sinh do nguồn thu nhập không còn. Để giúp đỡ họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống trong thời gian chờ tìm được việc làm mới, BHTN sẽ cung cấp cho họ khỏan trợ cấp tạm thời để ổn định cuộc sống. Trợ cấp này được trả hàng tháng và bằng tiền mặt. Ngoài phần trợ cấp bằng tiền mặt, người thất nghiệp còn được quỹ đài thọ chi phí đào tạo nghề nghiệp mới và giúp tìm việc làm mới phù hợp với khả năng. Một số nước, quỹ BHTN còn đài thọ cả chi phí chuyên chở đồ giúp người thất nghiệp di chuyển tới nơi làm việc mới. Mọi sự trợ giúp này đều nhằm giúp người thất nghiệp vượt qua khó khăn, sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Đối với khỏan trợ cấp bằng tiền mặt, có 2 quan điểm xác định mức trợ cấp hợp lý: Quan điểm thứ nhất cho rằng mức trợ cấp BHTN phải xây dựng sao cho đem lại sự bảo vệ tối thiểu cho người lao động. Điều này có nghĩa là mức trợ cấp phải đủ giúp người lao động giải quyết các nhu cầu thiết yếu như lương thực, nhà ở, chất đốt… để tạm sống qua ngày, chờ tìm được việc làm mới. Với quan điểm này, trợ cấp BHTN phải đồng loạt bằng nhau cho mọi người có tham gia BHTN.

Quan điểm thứ hai cho rằng mức trợ cấp BHTN phải đảm bảo mức sống gần với mức sống trước khi thất nghiệp của từng loại đối tượng, tức là trợ cấp này phải chiếm tỷ lệ tương đối so với mức lương của người lao động được lĩnh trước khi thất nghiệp.

Từ 2 quan điểm này dẫn đến 2 hình thức đóng phí BHTN và hưởng trợ cấp BHTN khác nhau: Đóng theo một khỏan cố định, hưởng theo một khỏan cố định đồng đều cho mọi loại lao động; Đóng theo mức lương và hưởng theo mức lương của từng người lao động.

Ở các nước đang phát triển, 2 quan điểm trên có nhiều trùng hợp. Bởi vì, tại các nước này, tình hình kinh tế phát triển chưa cao, phần lớn ở trong tình trạng cung cấp cho người lao động một mức lương vừa đủ để đảm bảo đời sống tối thiểu. Do đó, mức trợ cấp phải ngang bằng với mức lương mới có ý nghĩa.

Khi xác định mức trợ cấp phải lưu ý nếu mức trợ cấp quá thấp sẽ không đủ giải quyết nhu cầu tối thiểu, kết quả là cuộc sống của người lao động sẽ gặp khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài, Nhà nước cũng phải quan tâm giúp đỡ họ bằng các chính sách xã hội khác để tránh cho họ quá túng bấn phải làm liều, gây nên những ảnh hưởng xấu về mặt xã hội. Còn nếu mức trợ cấp BHTN cao ngang bằng tiền lương trước khi thất nghiệp sẽ khuyến khích người lao động không làm việc, kéo dài thời gian hưởng trợ cấp, gây thiệt hại cho quỹ BHTN và có ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất.

Do đó, mức trợ cấp BHTN hợp lý là mức được xác lập trên cơ sở dung hòa một cách tương đối 2 quan điểm trên, tức là mức này vừa đảm bảo mức sống tối thiểu nhưng phải thấp hơn mức lương đang hưởng khi còn làm việc của người lao động.

Thời gian hoãn hưởng trợ cấp BHTN

Trong BHTN có quy định rằng không phải người lao động bắt đầu thời gian nghỉ do thất nghiệp là được hưởng trợ cấp BHTN ngay, mà trái lại, phải sau một thời gian nhất định mới được hưởng – đó là thời gian hoãn hưởng (chậm hưởng) BHTN. Nói cách khác, thời gian hoãn hưởng là thời gian kể từ khi người thất nghiệp nộp đơn xin hưởng trợ cấp đến khi họ thực sự nhận được trợ cấp.

Mục đích của thời gian hoãn hưởng là để giảm bớt gánh nặng tài chính cho quỹ BHTN đối với các trường hợp tạm ngừng việc ngắn hạn.

Theo Khuyến cáo số 44 của ILO, thời gian này không được vượt quá 8 ngày cho mỗi thời kỳ thất nghiệp.

Thời gian hưởng trợ cấp BHTN

Theo Khuyến cáo số 44 của ILO, thời gian trả trợ cấp dài hay ngắn là tùy thuộc vào khả năng tài chính của quỹ BHTN. Thời gian này càng dài càng tốt nếu quỹ còn đủ khả năng chi trả và người lao động còn có yêu cầu giúp đỡ (khi nào còn ở trong tình trạng thất nghiệp thì người lao động còn cần được nhận trợ cấp BHTN).

Kinh nghiệm thực tế ở các nước cũng chỉ ra rằng việc chi trả trợ cấp khó có thể đáp ứng đầy đủ tình trạng khó khăn của người thất nghiệp và thời gian chi trợ cấp cũng cần có giới hạn cần thiết.

Điều 24, Công ước số 102 hướng dẫn: “Trợ cấp thất nghiệp có thể trả suốt thời gian người lao động bị mất việc làm ngoài ý muốn, và đôi khi trợ cấp này cũng có thể hạn chế trong nhiều trường hợp đối với các loại đối tượng hưởng trợ cấp. Riêng đối với đối tượng hưởng trợ cấp là người làm công ăn lương, thời gian hưởng trợ cấp có thể bị hạn chế trong khỏang 13 tuần trong từng thời kỳ 12 tháng.”

Thời gian được hưởng trợ cấp BHTN cũng có thể được chia thành nhiều bậc theo thời gian tham gia đóng dài hay ngắn.

Ở một số nước phát triển, thời gian hưởng trợ cấp BHTN có thể lên đến 3 năm hoặc hơn. Nhưng đối với các nước đang phát triển, số người thất nghiệp là khá lớn thì thời gian trả trợ cấp tối đa thường chỉ là 1 năm.

Một phần của tài liệu Tổ chức bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam (Trang 47 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(155 trang)
w