Bảo hiểm thất nghiệp

Một phần của tài liệu Tổ chức bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam (Trang 25 - 29)

Nhằm chủ động đối phó với rủi ro mất việc làm, người lao động tham gia BHTN. BHTN thực chất là quá trình hình thành và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung thông qua sự đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động, có sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm đảm bảo đời sống cho người thất nghiệp trong thời gian mất việc làm. BHTN hoạt động trên nguyên tắc san sẻ rủi ro, có đóng, có hưởng. Bên cạnh việc hỗ trợ thu nhập nhằm ổn định đời sống trong thời gian thất nghiệp, khi tham gia BHTN người lao động còn được tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ đào tạo lại nghề, hỗ trợ chi phí đi lại tìm kiếm việc làm mới… Những hoạt động này nhằm giúp người thất nghiệp nhanh chóng quay trở lại làm việc.

BHTN có thể được thực hiện dưới dạng 1 trong 9 chế độ BHXH (chế độ BHTN) hoặc được tách ra thành một hệ thống độc lập (BHTN).

Một, BHTN là một chế độ trong hệ thống chế độ BHXH

Thất nghiệp là một loại rủi ro xã hội không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và gia đình họ mà còn tác động đến tất cả những vấn đề kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Do vậy, trong hệ thống các chế độ BHXH, chế độ BHTN được coi là chế độ quan trọng. Người lao động tham gia BHXH khi bị thất nghiệp sẽ được nhận trợ cấp BHTN do cơ quan BHXH chi trả. Mức trợ cấp bao giờ cũng thấp hơn tiền lương, tiền công lúc đang công tác và thường phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng BHTN, tỷ lệ thất nghiệp trong từng thời kỳ, khả năng chi trả của quỹ BHXH. Thời gian hưởng trợ cấp thường được giới hạn phù hợp với thời gian người thất nghiệp có thể tìm kiếm việc làm mới.

Hai, BHTN được tổ chức thành một hệ thống độc lập

Trong quá trình triển khai BHTN, một số quốc gia thực hiện dưới dạng chế độ BHTN trong 9 chế độ BHXH, một số quốc gia khác thực hiện dưới dạng BHTN độc lập. Với BHTN độc lập, một bộ máy tổ chức riêng tách khỏi BHXH được thành lập thực hiện đăng ký đối tượng tham gia, thu các khỏan đóng góp hình thành quỹ tài chính, quản lý quỹ, tổ chức chi trả trợ cấp. Thực hiện BHTN dưới dạng 1 chế độ BHXH hoặc hệ thống BHTN độc lập về cơ bản chỉ khác nhau ở công tác tổ chức, các quy định về điều kiện hưởng trợ cấp BHTN, mức hưởng, thời gian hưởng không có sự khác biệt. Nội dung của BHTN sẽ được đề cập chi tiết ở phần II.

Tóm lại, trợ cấp BHTN là một dạng của trợ cấp thất nghiệp. Nhằm đối phó với rủi ro thất nghiệp, người lao động chủ động tham gia BHTN - thực hiện việc đóng phí bảo hiểm để khi bị mất việc làm không phải do lỗi của người lao động, họ sẽ được nhận khỏan chi trả từ quỹ BHTN. So với các dạng trợ cấp thất nghiệp khác, trợ cấp BHTN có những nét khác biệt. Thứ nhất, muốn được hưởng trợ cấp BHTN, người lao động phải có quá trình tham gia đóng góp nhất định vào quỹ BHTN. Với các dạng trợ cấp thất nghiệp khác (trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của chủ sử dụng cho người lao động; trợ cấp của Chính phủ cho người thất nghiệp; trợ cấp của các Hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức công đoàn cho các thành viên…), để được nhận trợ cấp, người lao động không phải tham gia đóng góp một cách trực tiếp, mà đóng góp gián tiếp qua việc nộp thuế, phí…

Thứ hai, mục đích cơ bản của BHTN là bảo đảm cho người lao động mất việc làm một khỏan thu nhập thay thế cho thu nhập đã mất. Vì vậy, nếu người lao động ở trong tình trạng không có việc làm nhưng trước đó chưa đi làm thì như thế không phải là mất thu nhập và cần được bảo vệ. Nói cách khác, trên giác độ của BHTN thì người thất nghiệp là những người đã qua một hạn tuổi ấn định, có khả năng lao động, đã từng làm việc nhưng hiện tại không có việc làm và sẵn sàng làm

việc khác có lương. Với các dạng trợ cấp thất nghiệp khác, khỏan trợ cấp được chi trả cho tất cả những người thất nghiệp – bao gồm cả những người đã từng có việc làm và những người chưa có việc làm bao giờ; bao gồm cả những người thất nghiệp tự nguyện và không tự nguyện.

Thứ ba, với BHTN, thời gian hưởng trợ cấp bao giờ cũng có giới hạn - cơ quan BHTN thường chỉ thanh toán trợ cấp trong một khoảng thời gian nhất định, vượt quá khỏang thời gian đó, trợ cấp sẽ bị cắt đi - bởi BHTN luôn hướng tới việc khuyến khích người thất nghiệp tích cực tìm kiếm việc làm nhanh chóng tham gia trở lại vào thị trường lao động. Với dạng trợ cấp của Chính phủ cho người thất nghiệp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các Chính phủ thường thực hiện theo quan điểm cứ khi nào người lao động còn chưa có việc làm thì họ còn cần được nhận trợ cấp thất nghiệp. Vì vậy, trong thực tế, Luật BHTN ở một số quốc gia quy định sau thời gian hưởng BHTN, nếu người thất nghiệp vẫn chưa tìm được việc làm thì họ sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp từ Chính phủ.

1.2 NHỮNG CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ THẤT NGHIỆP, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ BẢO HIỂM THẤT THẤT NGHIỆP VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP.

Tổ chức lao động quốc tế (ILO) được thành lập vào năm 1919 với mục đích ban đầu là xây dựng và đảm bảo thực thi các Tiêu chuẩn lao động quốc tế. Các Tiêu chuẩn này có các đặc điểm là mang tính phổ cập, tính linh hoạt, tính khả thi và tính thích ứng theo thời gian. Tính phổ cập thể hiện ở chỗ tất cả các quốc gia thành viên có thể phê chuẩn và thực thi các Tiêu chuẩn này, không phân biệt trình độ phát triển kinh tế và hệ thống kinh tế xã hội. Tính linh hoạt thể hiện việc các Tiêu chuẩn lao động quốc tế đã tính tới những khác biệt về hòan cảnh, điều kiện và thực tiễn của mỗi quốc gia. Các Tiêu chuẩn lao động quốc tế mang tính khả thi do trong quá trình xây dựng đã có sự tham khảo ý kiến 3 bên (đại diện của người lao động, đại diện của người sử dụng lao động và Chính phủ). Các Tiêu chuẩn lao

động quốc tế còn mang tính thích ứng theo thời gian nhằm phản ánh những hoàn cảnh và nhu cầu luôn thay đổi.

Các Tiêu chuẩn lao động quốc tế được thể hiện dưới dạng các Công ước và Khuyến nghị với những nội dung đã được thương lượng kỹ lưỡng ở cấp quốc tế giữa các chính phủ của các quốc gia thành viên. Các Công ước chính là những điều ước quốc tế phải được phê chuẩn và thực thi, còn các Khuyến nghị là những văn kiện không bắt buộc nhằm hướng dẫn và định hướng cho việc xây dựng chính sách và hành động quốc gia. Các Công ước và Khuyến nghị do vậy tác động đến nội dung của luật pháp quốc gia và là bộ tài liệu tham khảo cho việc xây dựng chính sách và hành động nếu các quốc gia chưa phê chuẩn những Công ước này. (Việc phê chuẩn là chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên).

Tính đến cuối tháng 6 năm 2004, ILO đã thông qua 185 Công ước và 195 Khuyến nghị bao trùm nhiều vấn đề như: Phát triển nguồn nhân lực; Dạy nghề; An sinh xã hội; Điều kiện việc làm; Tiền lương; An toàn và sức khỏe nghề nghiệp; Bình đẳng và không phân biệt đối xử … Tuy nhiên cùng với thời gian, có rất nhiều Công ước và Khuyến nghị trong số này đã lỗi thời. Hiện này, ILO khuyến nghị chỉ nên giữ lại trên 70 Công ước và 70 Khuyến nghị. Năm 1992, Việt Nam đã gia nhập trở lại Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và đã phê chuẩn 16 Công ước của ILO.

1.2.1. Những công ước quốc tế về thất nghiệp và BHTN.

Vấn đề đảm bảo cuộc sống cho người thất nghiệp đã được ILO đề cập trong các Công ước và Khuyến nghị:

- Công ước số 44, của Tổ chức Lao động quốc tế, năm 1934.

- Công ước số 102 “Công ước về Quy phạm tối thiểu về an tòan xã hội, năm 1952”;

- Công ước số 168 “Công ước về Xúc tiến việc làm và bảo vệ chống lại thất nghiệp, năm 1988”.

1.2.1.1 Công ước số 44

Công ước số 44 được Hội nghị tòan thể của Tổ chức Lao động quốc tế thông qua ngày 23 tháng 6 năm 1934.

Một phần của tài liệu Tổ chức bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam (Trang 25 - 29)