Phƣơng pháp nghiên cứu

Một phần của tài liệu Di cư lao động xuyên biên giới của người ngái ở lục ngạn, bắc giang (Trang 35 - 43)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.3. Phƣơng pháp nghiên cứu

Điền dã dân tộc học là phương pháp chính để thu thập dữ liệu cho đề tài nghiên cứu. Các thao tác, kỹ thuật cụ thể được áp dụng trong nghiên cứu này bao gồm quan sát tham gia, phỏng vấn dưới nhiều hình thức khác nhau (phỏng vấn nhanh, phỏng vấn sâu, phỏng vấn câu chuyện lịch sử cuộc đời, phỏng vấn theo bảng hỏi,…) điều tra hồi cố, thu thập tài liệu thứ cấp và sử dụng các tài liệu thống kê có sẵn.

Ở Lục Ngạn, di cư vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê đang là vấn đề nổi cộm và có tính nhạy cảm lớn. Trong quá trình thực hiện đề tài này tôi đã gặp một số thuận lợi cũng như khó khăn trong quá trình điền dã thu thập thông tin.

Thứ nhất về thuận lợi, tôi là người dân tộc Nùng sinh ra và lớn lên tại Lục Ngạn. Ngay cạnh làng tôi là một làng của người Ngái, tôi đã có tuổi thơ đi học, vui chơi cùng rất nhiều người bạn ở đây. Những gia đình người Ngái ở làng bên từ lâu đã trở thành những người hàng xóm, bạn bè thân thiết với nhiều hộ gia đình trong làng tôi. Những ấn tượng của tôi về những người Ngái thân thiện, chăm làm, chịu khó, hiền lành đã đi vào trong tâm thức của tôi. Tuy nhiên ngôi làng tôi thực hiện nghiên cứu cách làng tôi 12km, nằm ngay sát bên ngôi làng của mẹ tôi. Trước đây, tôi chưa hề một lần đặt chân đến Vặt Ngoài. Trước khi đến với nghiên cứu này tôi đã được nghe mẹ kể nhiều về làng ngôi làng này với tên những người tôi không hề biết mặt. Nhưng tất cả những điều đó vô cùng quý giá với tôi, tôi đã biết ở đó có rất nhiều điều cho tôi khám phá và tìm hiểu. Tôi có gặp chút khó khăn trong việc tìm một gia đình người Ngái để sống cùng họ. Nhưng thật may mắn, anh họ tôi lấy vợ

32

tại làng Vặt Ngoài, tôi đã phải nhờ đến người chị dâu của mình giúp và cuối cùng tôi được ở trong gia đình bác Vi Văn Mừng (bố vợ của anh họ). Điều tôi cảm thấy vô cùng may mắn là tôi được sống trong gia đình bác Mừng, gia đình bác yêu thương tôi, tạo mọi điều kiện cho tôi ăn, ở cũng như cung cấp cho tôi nhiều thông tin bổ ích. Cũng chính nhờ những mối quan hệ này mà nó đã giúp tôi rất nhiều trong việc tạo sự tin tưởng, thông cảm và chia sẻ của dân làng.

Bên cạnh đó, vấn đề di cư lao động trái phép xuyên biên giới là một vấn đề vô cùng “nhạy cảm” vì nó liên hệ đến trật tự an ninh xã hội tại Lục Ngạn. Tất cả mọi người ở nơi đây đều đề cao cảnh giác với vấn đề này. Trong suốt thời gian tôi ở trên thực địa, tôi đã bị nhiều người trong làng hiểu nhầm là công an mật hay cán bộ điều tra. Với việc bị dán cái nhãn này lên người, tôi đã gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình thu thập dữ liệu, đặc biệt là với phỏng vấn bảng hỏi. Gần như tất cả mọi người từ chối giúp tôi điền vào bảng hỏi mà tôi đưa ra. Mặc dù trước đó tôi đã nói chuyện, giải thích thậm chí có những người tôi đã tiến hành phỏng vấn sâu. Nếu họ đã hiểu và đồng ý làm bảng hỏi của tôi, các thành viên khác trong gia đình lại muốn xem nội dung trong phiếu hỏi, sau khi xem họ khuyên con cái, anh, chị em của mình “thôi đừng viết vào”. Họ đã nghĩ nói chuyện với tôi về đi làm thuê bên Trung Quốc thì tôi chỉ nghe và biết nhưng khi đặt bút vào phiếu của tôi họ lại nghĩ “mình ghi vào người ta có cớ đến bắt thì sao”. Tôi đã phải mất đến gần ba tuần làm việc tích cực để hoàn thành được 31 phiếu hỏi, chưa kể có nhà tôi phải đi rất nhiều lần, thậm chí đi một mình vào buổi tối đến nhà họ hoặc theo họ ra đồng để làm việc cùng để khai thác thông tin thêm cũng như thuyết phục họ trả lời phiếu hỏi cho tôi.

Đối tượng nghiên cứu của tôi chủ yếu là những người trẻ tuổi, những gia đình hạt nhân, họ vốn dĩ là những cư dân canh tác nông nghiệp vì thế họ thường không ở nhà, họ đi làm vào buổi sáng và buổi chiều (thông thường họ đi làm rất sớm và về rất muộn). Thời gian buổi trưa tôi lại cảm thấy ái ngại không dám đến nhà vì họ cần ăn trưa và nghỉ ngơi để chuẩn bị công việc buổi chiều. Đã có một thời gian tôi cảm thấy bế tắc trong việc tìm gặp đối tượng. Những câu chuyện đứt đoạn, ngắn ngủi ở những thời gian tôi cố tranh thủ được nó không cho tôi có được thông tin như tôi mong muốn.

33

Chính vì thế mà giai đoạn đầu, rất nhiều thông tin tôi có được chưa thật sự đáng tin cậy, không đầy đủ và đủ độ sâu. Để giải quyết những khó khăn của mình và đạt được mục đích thu thập thông tin đáng tin cậy tại địa bàn nghiên cứu tôi đã:

Gặp chính quyền

Để có thể nhận được sự giúp đỡ của chính quyền cũng như nhận được sự đồng thuận của họ cho phép tôi thực hiện nghiên cứu trên địa bàn tôi đã xin giấy giới thiệu từ đơn vị trường học tôi đang học tập. Tôi đã trình bày với họ nghiên cứu của tôi và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ phía chính quyền. Tôi đã gặp các cán bộ chủ tịch xã, cán bộ phụ trách nhân khẩu, cán bộ tư pháp, cán bộ hành chính và công an xã để nắm bắt thông tin chung cũng như đỡ bỡ ngỡ khi xuống địa bàn, tiết kiệm được thời gian tìm hiểu ban đầu cũng như sử dụng những thông tin đó để so sánh khi xuống thực địa.

Kỹ năng thu thập thông tin tại thực địa

Khi đến địa bàn nghiên cứu, tôi chưa bắt tay vào công việc ngay mà tôi đã thăm làng bản, chụp ảnh phong cảnh, trò chuyện với một số người tôi gặp trên đường đi, trên đồng ruộng với thái độ niềm nở, vui tươi và thân thiện. Mục đích của tôi là để cho mọi người biết tôi đã có mặt ở làng và tôi đến đây để làm gì, tạo lập các mối quan hệ quen biết, càng nhiều người biết về sự hiện diện của tôi nó càng giúp đỡ tôi trong việc thu thập thông tin sau này.

Với những ánh mắt dè chừng cũng như những câu nói đùa nhưng hàm chứa ý dò hỏi và hoài nghi rất lớn “cô là công an mật hả” hay “cán bộ điều tra gì vậy”?. Tôi đã hiểu mình không thể bắt đầu ngay với nội dung chính mà tôi muốn thực hiện. Trong khoảng 20 ngày đầu tiên tôi đã thực hiện việc xây dựng lòng tin và thu thập những thông tin chung về người Ngái ở đây. Để xây dựng lòng tin không gì ngoài việc tôi gặp gỡ mọi người trong làng thật nhiều, nói cho họ nghe về ngành học của tôi, nói cho họ biết rõ về việc tôi đang làm. Ngoài ra, như đã nói ở trên tôi cố gắng tận dụng những mối quan hệ vốn có để mỗi khi có những câu hỏi hoài nghi tôi nói một chút về mối quan hệ của mình, những câu chuyện cũ của những người tôi quen mà họ có thể tham gia góp chuyện. Trong giai đoạn đầu tiên, tôi tập trung chủ yếu thu thập các thông tin về làng bản, văn hóa, lối sống, lịch sử tụ cư, di chuyển… của

34

nhóm người Ngái ở đây. Tôi chọn những người cao tuổi, có sự hiểu biết nhiều về văn hóa, lịch sử tộc người, dòng họ bằng phương pháp dắt dây. Trong khoảng thời gian này tôi đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn sâu (với 16 cá nhân) và nhiều cuộc phỏng vấn phi cấu trúc với nhiều đối tượng khác nhằm thăm dò ý kiến, lấy thông tin ban đầu, khơi gợi vấn đề đi làm thuê tại Trung Quốc trong các gia đình mà tôi đã có thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu. Ngoài ra tôi cũng trao đổi, hỏi thăm, chia sẻ với họ các câu chuyện bên lề về việc làm, lao động, canh tác rau màu, thu nhập, kinh tế gia đình với một số người mà tôi thật sự nhận thấy ở họ sự nhiệt tình, vui vẻ, thân thiện và có nhã ý quý mến tôi. Tất cả những việc tôi đã đưa vào các cuộc phỏng vấn, nói chuyện và cố gắng thực hiện nhằm tạo dựng các mối quan hệ vào thời điểm đó để giúp tôi có một cánh cửa mở ra các câu chuyện cũng như vấn đề đi làm thuê bên đất người.

Khi đã có một số thông tin cơ bản nhất về vượt biên đi làm thuê bên Trung Quốc tôi đã xây dựng cho mình một cây thông tín viên để mình có thể thu thập thông tin. Đặc biệt tôi chú ý đến một vài người có thông tin khác biệt như (làm được nhiều tiền nhất, lớn tuổi nhất, người đi nhiều lần,...). Theo các thông tin tôi có được thì những người dân ở làng chủ yếu đi làm các công việc (nhóm ngành nông nghiệp: chặt mía, trồng mía, thu hoạch sắn, bón phân cây trồng, thu hoạch hoa quả…; nhóm ngành lâm nghiệp: trồng rừng, phát rừng, vác gỗ; nhóm ngành công nghiệp - dịch vụ: vận chuyển hàng, môi giới lao động, xây dựng, công nhân…). Mỗi nhóm ngành nghề tôi đều xác định tìm cho mình những thông tín viên chủ chốt để khai thác thông tin. Tôi bắt đầu với những người có mối quan hệ thân thiết nhất và họ không lo sợ và đưa lại cho tôi câu hỏi “cô hỏi về làm gì, đi làm thuê ai chả như ai, làm thuê thì có gì mà hỏi…”. Sau những ngày đó tôi bắt đầu tìm đến các thông tín viên chủ chốt và nhiều người khác để phỏng vấn sâu, phỏng vấn nhanh, phỏng vấn phi cấu trúc để lấy thông tin và kiểm tra chéo một số thông tin ban đầu tôi có được. Với tất cả các thông tín viên tôi đều giải thích với họ về việc tôi làm nhằm mục đích nghiên cứu khoa học. Tất cả các nội dung nghiên cứu sẽ không gây hại cho bất kỳ ai, không ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như công việc sau này của họ. Tôi đã cố gắng xây dựng thêm lòng tin bằng cách hỏi thăm nhiều về cuộc sống, kinh tế cũng như tìm kiếm thu nhập của gia đình để đi dần vào nội dung tôi muốn

35

khai thác. Thời gian hiện diện của tôi ở địa bàn lâu hơn đồng nghĩa với việc lòng tin của tôi với mọi người được nâng cao thêm. Tôi đã bước qua những ngày cảm thấy hụt hẫng và có thêm động lực để làm tiếp tục thu thập thêm thông tin.

Tôi đã tận dụng hết thời gian của mình trên thực địa để thu thập thêm dữ liệu. Tôi đã cố gắng hòa mình vào cộng đồng, tôi bắt đầu đi ra đồng, ra vườn cùng người dân, làm việc giúp và trò chuyện. Tất cả các câu chuyện tôi đều cố gắng kéo về vấn đề nghiên cứu của mình. Sau những buổi đi làm cùng khi những câu chuyện còn dang dở và chưa rõ nhiều thông tin, tôi đã xin hẹn vào buổi tối để khai thác sâu hơn. Khoảng thời gian khi niềm tin và sự chia sẻ được tăng lên, tôi đã phỏng vấn sâu, phỏng vấn nhanh nhiều cuộc (với 38 người). Thu thập các thông tin về tất cả các vấn đề liên quan đến di cư lao động vượt biên trái phép như: tại sao họ lại ra đi, cách họ ra đi, hành trình ra đi, các loại hình công việc bên kia biên giới, điều kiện việc làm, sinh hoạt, lương bổng, các mối quan hệ giữa chủ lao động và người lao động, các mối quan hệ với người mối giới, quan hệ những người cùng đi,…..

Về việc phỏng vấn phiếu hỏi, ban đầu tôi thực sự chỉ nhận được sự giúp đỡ của một vài người. Hiểu được tâm lý của họ nên tôi đã cố gắng lồng ghép vào các cuộc phỏng vấn sâu, phỏng vấn nhanh. Sau mỗi cuộc phỏng vấn tôi đều đề nghị họ giúp đỡ trả lời những thông tin trong phiếu hỏi. Phiếu hỏi của tôi chủ yếu hỏi về một số thông tin về số lượng, số năm họ ra đi, các thông tin về tỷ lệ đánh giá về kinh tế hộ gia đình, lý do tại sao họ ra, đánh giá về điều kiện sinh hoạt, ăn ở ở bên kia biên giới cũng như những đánh giá về thu nhập, ảnh hưởng của thu nhập tới kinh tế gia đình. Ngoài ra tôi còn chú ý đến các yếu tố về mặt thuận lợi và khó khăn của hình thức di cư lao động tự do này. Các yếu tố thông tin về người lao động được tôi đưa vào phiếu hỏi nhằm mục đích tổng quan về đối tượng những người di cư. Mặc dù những câu hỏi của tôi chỉ ở mức độ đánh giá chung không có các thông tin cá nhân riêng hiện diện nhưng việc thực hiện phỏng vấn phiếu hỏi với tôi lại gặp nhiều khó khăn. Mặc dù có rất nhiều người trò chuyện rất nhiệt tình nhưng họ vẫn ái ngại điền vào phiếu hỏi. Dường như cái ý nghĩ “bút sa gà chết” luôn thường trực trong đầu. Vì thế tôi đã cố gắng thay đổi với một số người quá “lo lắng” và đưa ra các lý do như “tôi không biết chữ, tôi viết xấu lắm, tôi không biết điền gì cả….”. Tôi đã đẩy phần phiếu hỏi về kinh tế hộ gia đình lên trước sau đó mới chuyển sang

36

phiếu hỏi về di cư lao động sang Trung Quốc. Cũng chính tôi là người sẽ đọc và đánh phương án trả lời sau khi họ chọn. Với những người vẫn còn nghi hoặc, tôi đã cố giải thích thêm và đưa ra cho họ những phiếu mà nhiều gia đình khác đã đồng ý giúp tôi để xóa bỏ sự lo sợ đang hiện hữu trong suy nghĩ của họ.

Kết quả của phỏng vấn bảng hỏi, tôi đã thực hiện được 31 phiếu hỏi tương ứng với 31 hộ gia đình và 31 cá nhân theo cách chọn mẫu ngẫu nhiên. Các kết quả của phiếu hỏi được tôi trình bày với các nội dung liên quan tương ứng trong các mục về những người lao động di cư, sự phân tầng xã hội, thu nhập, điều kiện sinh hoạt và cuộc sống của người lao động. Các tỷ lệ đánh giá về lý do, mục đích sử dụng tiền lương được tôi đưa vào nôi dung tác động của di cư lao động xuyên biên giới. Ngoài ra, dựa vào nhiều kết quả câu hỏi định lượng làm cơ sở để tôi đánh giá đúng, phân tích sâu và đầy đủ hơn ở nhiều nội dung khác nhau. Vì thế, một số câu hỏi không được trình bày các chỉ số định lượng ở trong các mục kết quả nghiên cứu của tôi.

Sau hai tháng điền dã tại địa bàn nghiên cứu, tôi đã có được những thông tin cần thiết cho nghiên cứu của mình. Cùng với một thời gian dài trên thực địa, tôi cảm thấy khá mệt mỏi và muốn trở về nhà. Sau khi trở về, tôi đã kiểm tra thông tin có được một lần nữa và nhận thấy tôi cần làm rõ hơn về vấn đề mạng lưới xã hội, quan hệ thân tộc của người Ngái nên tôi đã trở lại thực địa và có thêm các cuộc phỏng vấn với 15 người. Những người này chủ yếu là những người lớn tuổi và am hiểu về dòng họ của người Ngái. Đa phần những người này tôi đều đã thực hiện phỏng vấn lấy thông tin về người Ngái trước đó, vì thế lần trở lại này của tôi được rất nhiều người hỏi thăm và nhiệt tình giúp đỡ. Để có được điều này tôi nghĩ chính là do tôi đã xây dựng được lòng tin và thái độ thể hiện của tôi trong suốt hai tháng tại thực địa.

Trò chuyện thân mật được tôi sử dụng suốt trong quá trình thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn nghiên cứu với tất cả các đối tượng từ những người cao tuổi, trung niên đến những nhười trẻ chưa lập gia đình. Phỏng vấn phi cấu trúc với sự đồng tình, đồng cảm, hiểu, quan tâm đến những vấn đề trong cuộc sống của người

37

nông dân là chìa khóa để tôi xây dựng lòng tin, tạo ra sự thân thiết với tất cả mọi

Một phần của tài liệu Di cư lao động xuyên biên giới của người ngái ở lục ngạn, bắc giang (Trang 35 - 43)