Lý thuyết mạng lưới xã hội (social network)

Một phần của tài liệu Di cư lao động xuyên biên giới của người ngái ở lục ngạn, bắc giang (Trang 33 - 35)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.2.2. Lý thuyết mạng lưới xã hội (social network)

Trong di cư, đặc biệt là di cư tự do thì nhu cầu thông tin và sự hiểu biết về nơi đến của người di cư có ý nghĩa quyết định. Lý thuyết về mạng lưới xã hội đã được nhiều nhà khoa học phát triển để phân tích mối liên hệ giữa người di cư, quyết định di cư và nơi đến. Thuật ngữ “mạng lưới xã hội” có thể hiểu là một chuỗi liên quan đến các vật thể, điểm mấu chốt và một bản đồ miêu tả về mối quan hệ giữa các vật thể liên quan đến con người hoặc những nhóm người [49, tr.44]. Theo Lê Ngọc Hùng, mạng lưới xã hội là một phức hợp các mối quan hệ của các cá nhân trong các nhóm, tổ chức, cộng đồng. Các mối quan hệ xã hội bao gồm các quan hệ chằng chéo từ quan hệ gia đình, thân tộc, láng giềng, đảng phái, nghề nghiệp, v.v… [32, tr.67-75]. Mở rộng hơn khái niệm này, Lê Minh Tiến cho rằng mạng lưới xã hội là tập hợp các mối quan hệ giữa các thực thể xã hội, không nhất thiết chỉ là các cá nhân mà còn là các nhóm xã hội, tổ chức xã hội và quan hệ giữa các actor mang nhiều nội dung khác nhau từ sự tương trợ, trao đổi thông tin cho đến trao đổi dịch vụ [57, tr.51].

Tuy có nhiều quan niệm về mạng lưới xã hội khác nhau nhưng có thể hiểu mạng lưới xã hội là những mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân và nhóm, giữa các nhóm, là các mối quan hệ nhiều tầng lớp đan xem vào nhau từ các mối quan hệ trong gia đình đến các mối quan hệ xã hội của các tổ chức nhóm, đoàn thể khác. Khái niệm mạng lưới xã hội dùng để chỉ phức thể các mối quan hệ xã hội do con người xây dựng, duy trì và phát triển trong cuộc sống thực của họ với tư cách là thành viên của xã hội.

Ý nghĩa của thuyết mạng lưới xã hội đó là bằng sự hiểu biết về mối quan hệ giữa một cá nhân đối với người khác, chúng ta có thể đánh giá được vốn xã hội của cá nhân đó bởi vì vốn xã hội liên quan đến vị trí mạng lưới của khách thể và bao gồm khả năng đạt được các nguồn lực có trong các thành viên của mạng xã hội đó.

30

Nói cách khác, mạng lưới các quan hệ là sản phẩm của các chiến lược đầu tư, của cá nhân hoặc tập thể, có ý thức hay không có ý thức, nhằm thiết lập hoặc tái tạo các quan hệ xã hội được sử dụng trực tiếp trong giai đoạn ngắn hạn hoặc lâu dài [4].

Mạng lưới di cư dựa vào khái niệm “mạng lưới xã hội” được hiểu là tập hợp các mối liên kết, các quan hệ giữa các cá nhân và các nhóm di cư, một số tác giả đưa ra khái niệm “mạng lưới di cư” để nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng lưới xã hội của những người di cư. Hầu hết người di cư tự do được khảo sát cho biết có họ hàng, người thân, bạn bè sinh sống tại nơi chuyển đến và những người thân đó là những đầu mối của thông tin và nguồn hỗ trợ kinh tế xã hội đối với người di cư. Các tổ chức kể cả cơ quan chính quyền địa phương, cơ quan truyền thông đại chúng, các tổ chức giới thiệu việc làm, tổ chức ngân hàng đóng vai trò nhỏ bé đối với người dân trong việc quyết định chuyển cư và quá trình sinh kế ở nơi nhập cư. Người di cư chủ yếu sử dụng mạng lưới quan hệ xã hội truyền thống (người nhà, người thân quen, bạn bè) để giao dịch kinh tế như tìm việc làm, vay tiền, gửi tiền về nhà [32, tr.45-54]. Như vậy, có thể thấy mạng lưới xã hội giữ vai trò quan trọng đối với mỗi người, với xã hội. Đối với mỗi cá nhân mạng lưới xã hội giúp cho mỗi người có thể học hỏi, hoàn thiện bản thân và thông qua mạng lưới xã hội khẳng đinh được cái tôi, tạo ra sự ảnh hưởng của mình trong xã hội.

Vận dụng lý thuyết mạng lưới xã hội vào nghiên cứu của mình, tôi đã phát triển các giả thuyết sau đây để thu thập thông tin phục vụ cho phân tích quá trình di cư xuyên biên giới của người Ngái ở Lục Ngạn:

- Người Ngái có những mối quan hệ xã hội chặt chẽ giữa những người tại nơi đi cũng như có những mối quan hệ thân tộc, bạn bè, huyết thống tại nơi đến. Các mạng lưới xã hội này đã giúp người Ngái di cư dễ dàng cũng như hỗ trợ đắc lực trong vấn đề tìm kiếm việc làm, sinh hoạt, lao động tại bên kia biên giới.

Để làm rõ giả thuyết trên, tôi tập trung vào một số vấn đề sau đây:

- Làm rõ các mối quan hệ giữa những người di cư, tìm ra sự liên kết giữa mọi người (hình thức môi giới, quan hệ làng xóm, họ hàng, anh em, bạn bè, thân tộc,…). Các mối quan hệ mạng lưới xã hội tại nơi đến và cách thức sử dụng mạng lưới xã hội của những người di cư xuyên biên giới.

31

- Tập trung khai thác sâu vào những phương cách người di cư ra đi, cách họ liên lạc, trao đổi, hỗ trợ làm việc, sự giúp đỡ, quan hệ nghề ngiệp, đồng hương, các vấn đề về an sinh xã hội và bóc lột,…)

- Tập trung tìm kiếm thông tin về cách người di cư sử dụng tiền kiếm được (sinh hoạt tại bên kia biên giới cũng như gửi tiền về). Cách họ sử dụng đồng tiền kiếm được có thể là đầu mối để thấy được những ảnh hưởng cũng như tác động của di cư xuyên biên giới đến các cá nhân cũng như gia đình và xã hội của những người di cư.

Một phần của tài liệu Di cư lao động xuyên biên giới của người ngái ở lục ngạn, bắc giang (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(181 trang)