Mạng lƣới xã hội xuyên quốc gia

Một phần của tài liệu Di cư lao động xuyên biên giới của người ngái ở lục ngạn, bắc giang (Trang 48 - 52)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.3. Mạng lƣới xã hội xuyên quốc gia

Cuộc hành hương trở về Trung Quốc năm 1978 đã khiến cho cộng đồng người Hoa, Ngái ở nước ta nói chung và người Ngái ở Bắc Giang nói riêng phải sống ở những khu vực khác nhau mặc dù giữa họ có những điểm chung giống nhau về tất cả các phương diện như nguồn gốc, văn hóa, ngôn ngữ. Đây chính là cơ sở cho các quan hệ dân tộc xuyên quốc gia của người Ngái được hình thành. Chính các phương diện này đã giúp cho các tộc người có thể nhận ra nhau, điều khác biệt duy nhất là họ cư trú ở những quốc gia khác nhau. Về mặt văn hóa, không có đường biên giới giữa họ, nhưng về chính trị, có một đường biên ngăn cách họ. Trong nghiên cứu của Vương Xuân Tình và cộng sự đã dẫn ý kiến của Philip Taylor cho rằng có 6 dân tộc

45

và nhóm tôn giáo ở Việt Nam có mối quan hệ dân tộc xuyên quốc gia mạnh nhất, đó là người Khơ-me, Thái, Chăm, Hmông, Hoa, và những người theo Tin Lành Đề ga ở Tây Nguyên [65].

Thực tế cho thấy, những người Ngái ở Bắc Giang vẫn duy trì các mối quan hệ thân tộc bền chặt với nhóm về nước. Ngoài ra họ còn có mối quan hệ với nhóm gốc và nhóm di cư về nước nhưng sau đó chuyển đến nước thứ ba.

Trước khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, những người Ngái ở hai nước liên lạc khá hạn chế bởi vì giao thông thời ấy đi lại rất khó khăn, việc cấm biên giữa hai nước cũng là một trở ngại về chính trị. Ngoài ra, thời kỳ trước những năm 90 của thế kỉ XX đời sống kinh tế người Ngái ở hai đất nước còn nghèo khó, họ không có đủ chi phí để chi trả cho hành trình đi lại. Mặc dù vậy, những giữa họ chưa bao giờ có khoảng cách. Một số người Ngái ở lại đã trốn vượt biên để sang thăm bố mẹ, anh, em, họ hàng ở bên đó. Một số người Ngái ở bên Trung Quốc cũng biên thư về cho những người thân bên này để hỏi thăm tình hình cuộc sống của những người ở lại.

Kể từ năm 1991 khi quan hệ hai nước bình thường hóa quan hệ trở lại đã mở ra một cơ hội lớn để những người Ngái ở hai nước có thể qua lại thăm hỏi, duy trì các mối quan hệ họ hàng. Tần suất trở về thăm quê của người Ngái ở Trung Quốc ngày càng nhiều hơn qua các năm khi kinh tế của họ bớt khó khăn và dần ổn định. Nhóm người Ngái ở lại, sang thăm những người thân của họ ít hơn bởi vì điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều người còn đói kém. Nhiều cuộc viếng thăm từ phía người Ngái ở Bắc Giang chủ yếu là do nhận được sự hỗ trợ về mặt tài chính của nhóm người Ngái trở về. Nhân những dịp có anh, em bên đó trở về thăm, nhiều người Ngái bên này đã đi về cùng họ. Một vài năm trở lại đây, khi kinh tế người Ngái ở Bắc Giang khấm khá hơn họ đã đi làm hộ chiếu, đóng visa để sang thăm họ hàng. Nhiều người Ngái khi trở lại thăm quê hương Việt Nam họ vẫn có tâm lý lo ngại, sợ sệt, có lẽ những biến động về mặt chính trị trong lịch sử và quá khứ đã làm họ cảm thấy không yên tâm mặc dù mỗi khi về họ đều có đầy đủ các giấy tờ nhập cảnh hợp pháp (Ảnh số 13,14.PL.3).

46

Anh, em, họ hàng người thân ở xa nhau nên mỗi lần có thể gặp mặt đối với họ là một sự quý giá. Họ vô cùng trân trọng những điều đó. Những giây phút hội ngộ đầy cảm xúc vẫn thường nhắc lại trong những câu chuyện của họ. Những người Ngái khi trở về thăm quê cũ tại Việt Nam đều cố gắng mang đến cho những người thân một chút quà nhỏ để thể hiện tình cảm. Những người có điều kiện thì cho vài trăm NDT, những người ít có điều kiện hơn thì có thể cho vài chục NDT hoặc có thể tặng quần áo, và một số món đồ khác. Để đáp lại những ân tình của người thân nhóm người Ngái ở Bắc Giang cũng tặng lại họ một số món quà, các con cháu ai có tiền thì biếu chút tiền, những người không có thì mua cho chút quà, đôi khi chỉ là chút quà quê như gạo nếp nhưng lại chứa đầy những tình cảm thắm thiết của họ. Một số người Ngái không thể về thăm quê thường xuyên, nhưng có mẹ già hoặc những người anh, em còn nhiều khó khăn họ thường biếu chút tiền nếu như có ai ở bên Việt Nam sang chơi hoặc có người ở bên đó về thăm quê.

Do khoảng cách xa, chi phí đi lại cao, thủ tục đi lại phức tạp nên những người Ngái ở bên kia luôn cố gắng đi về vào những dịp thanh minh, lễ, tết, cưới xin. Trong đó phần lớn người Ngái chọn về vào dịp thanh minh để tảo mộ, sang cát cho những người thân đã mất. Dường như trong tâm thức của người Ngái, chữ hiếu luôn được xếp cao nhất. Với họ về vào dịp lễ thanh minh không chỉ có thể thăm anh, em mà còn là dịp để họ thể hiện tấm lòng với những người đã mất. Ngay cả khi họ không thể trở về thì họ cũng muốn gửi cho người thân bên Việt Nam một chút tiền để chăm lo cho phần mộ những người đã mất. Chính vì thế mà, sau này khi có một số người thân ở Việt Nam sang đó làm việc họ đã gửi tiền cho, không quên lời nhắn nhủ chăm sóc phần mộ những người thân đã mất chu đáo.

Một số người Ngái ở bên kia khi trở về thấy những người thân của mình còn gặp nhiều khó khăn nên đã gợi ý cho họ sạng đó làm thuê cho họ và những gia đình người Ngái trở về nhưng có điều kiện kinh tế phát triển hơn. Một số hộ gia đình có những diện tích mía lớn không thể chặt hết, họ cần có người giúp. Một số gia đình người Ngái có xây dựng những công xưởng nhỏ để sản xuất một số mặt hàng thủ công họ vẫn có thể nhận thêm người nếu như những người thân bên Việt Nam muốn đi. Đây chính là cơ sở để mở ra cho những người Ngái ở Bắc Giang có cơ hội kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống đói nghèo. Chính lịch sử di cư trở về của

47

người Ngái cùng với nhiều mối quan hệ thân tộc được duy trì bên chặt, quan hệ dân tộc xuyên quốc gia của nhóm người này luôn được duy trì từ trước đến nay đã tạo nên một mạng lưới quan hệ dân tộc xuyên quốc gia vô cùng to lớn. Ba yếu tố quan trọng nhất tạo nên mạng lưới xã hội của người Ngái, đó là ngôn ngữ, quan hệ thân tộc và quan hệ tộc người. Mạng lưới xã hội này chính là yếu tố quan trọng nhất để người Ngái ở Bắc Giang có thể di cư sang Trung Quốc làm thuê. Những người Ngái đã sử dụng mạng lưới này như một cách thức mở ra một chiến lược sinh tồn mới. Từ cơ sở ban đầu này mà về sau này đã diễn ra nhiều đợt di cư của nhóm người Ngái ở Việt Nam sau đó lan rộng ra các tộc người khác như Tày, Nùng, Kinh…

Các mối quan hệ với nhóm gốc của người Ngái khá mờ nhạt. Một số họ người Khách ở Tân Hoa đã xác định được vị trí xuất phát điểm của mình ở bên Trung Quốc. Một số dòng họ đã cho người quay ngược trở về để tìm lại họ hàng. Ngoài ra họ còn mong muốn được ghi chép lại gia phả của dòng họ để biết được nguồn gốc tổ tiên cũng như vị trí, cách đặt tên đệm trong dòng họ để sau này có thể biết thứ bậc. Nếu như sau này một ai đó mất đi, họ không biết tên chữ, không biết thứ bậc thì khó có thể về với tổ tiên. Tuy nhiên, do kinh tế còn hạn hẹp nên các cuộc viếng thăm trở về rất ít ỏi. Mặc dù trong thâm tâm của họ vẫn mong muốn được trở về nhiều lần hơn nữa.

Người Ngái ở Bắc Giang ngoài giữ mối quan hệ thân tộc với hai nhóm trên thì họ còn giữ mối quan hệ với nhóm người Ngái đã trở về Trung Quốc nhưng sau đó họ lại di cư đến nước khác. Khi những người Ngái trở về họ nhận ra cuộc sống không tốt đẹp như những gì họ đã được nghe và hứa hẹn, cuộc sống vô cùng đói khổ nên rất nhiều người Ngái đã tìm mọi cách để có thể sang các nước châu Mĩ và châu Âu. Những người Ngái đã lên thuyền đến Hồng Kông sau đó cố gắng để lên những chiếc thuyền lớn để ra đi. Người ta vẫn hay gọi nhóm này là “thuyền nhân”. Những người Ngái Trở về ở xã Tân Hoa họ thường đi các nước như Mĩ, Canada, Thụy Điển,… Sau khi họ vượt biển thành công, bắt đầu có công việc và ổn định hơn họ đón một số người thân sang đó sinh sống cùng. Chính vì thế mà nhóm người Ngái đã ra đi này vẫn giữ các mối quan hệ thân tộc với nhóm người Ngái trở về Trung Quốc và nhóm người Ngái ở Việt Nam. Suốt những năm 90 của thế kỉ XX đã có rất nhiều bức thư được gửi qua lại giữa người Ngái ở Việt Nam và người Ngái ở

48

bên kia bán cầu (Ảnh số 15.PL.3). Trong những bức thư chủ yếu là những lời hỏi thăm, động viên, kể cho nhau nghe về tình hình cuộc sống. Ngoài ra, nhóm người Ngái ra đi vẫn luôn canh cánh về việc chăm sóc phần mộ của ông bà, cha mẹ họ đã mất ở Việt Nam, thậm chí họ gửi tiền về hàng năm để cho những người thân nên này giúp.

Sau này, khi các phương tiện liên lạc phát triển hơn. Nhóm người Ngái về nước và nhóm người Ngái ra đi có thể gọi điện về hỏi thăm họ hàng, người thân. Nhiều người ở các nước châu Mĩ đã quay trở lại thăm người thân ở Việt Nam và Trung Quốc. Mỗi lần về họ thường biếu quà bằng tiền, họ đi thăm hỏi tất cả người thân, họ hàng và tổ chức nhiều buổi liên hoan, ăn uống với nhau.

Một phần của tài liệu Di cư lao động xuyên biên giới của người ngái ở lục ngạn, bắc giang (Trang 48 - 52)