Sự phân tầng xã hội ở Tân Hoa

Một phần của tài liệu Di cư lao động xuyên biên giới của người ngái ở lục ngạn, bắc giang (Trang 57 - 59)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.3. Sự phân tầng xã hội ở Tân Hoa

Tân Hoa vốn là một xã thuần nông so với mặt bằng chung của cả huyện thì còn rất nhiều khó khăn, thách thức, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, trình độ dân trí không đồng đều, cùng với diễn biến phức tạp của thời tiết đã gây cản trở nhiều đến công tác phát triển kinh tế xã hội và công cuộc xây dựng nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tính đến năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo cao chiếm 30,12%, hộ cận nghèo chiếm 15,17%, hộ khá chiếm 54,71%. Tính đến năm 2015 ước tính thu nhập bình quân đầu người xã Tân Hoa là 15.000.000 đồng/người/năm thấp hơn ba lần so với bình quân của cả nước là 45.700.000 đồng/người/năm. Bắt đầu từ năm 2013 Tân Hoa thực hiện chương trình nông thôn mới, chính quyền và nhân dân trong xã Tân Hoa đã từng bước thực hiện và hoàn thiện các tiêu chí được đề ra,đến hết năm 2015 xã đã hoàn thành được 11/19 tiêu chí [71].

Như vậy có thể thấy ở xã Tân hoa, tiêu chí phân tầng xã hội chủ yếu dựa vào tiêu chí nghèo tuyệt đối, tức thu nhập theo đầu người. Đối với nhóm kinh tế hộ khá giả là 54,71% chủ yếu là rơi vào những cán bộ công chức địa phương, cán bộ thôn, giáo viên, những hộ kinh doanh, phần còn lại là những người nông dân có điều kiện kinh tế và thu nhập ổn định. Đặc biệt là đối với nhóm người Kinh chủ yếu sống ven

54

đường quốc lộ, họ tiến hành kinh doanh buôn bán có thu nhập khá. Hiện nay trên địa bàn xã có 185 hộ kinh doanh, chủ yếu phục vụ mua sắm, tiêu dùng, xây dựng trên địa bàn xã. Phần lớn các hộ gia đình người nông dân được coi là khá giả chủ yếu dựa vào các nguồn lực kinh tế từ đất đai, diện tích cây ăn quả lớn, ngoài ra còn có kinh tế đi làm thuê nhưng chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng thu nhập gia đình. Hai trường hợp gia đình người Ngái dưới đây, sẽ minh chứng cho những điều này.

Bảng 2.2.3.1: Kinh tế các hộ gia đình khá giả.

Trường hợp 1:

Gia đình ông Mừng có nhà xây kiên cố từ năm 2009, có diện tích trồng vải thiều 2ha, mỗi năm cho sản lượng từ 7 đến 10 tấn thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Diện tích trồng táo, nhãn, bưởi 8 sào mỗi năm đem lại cho gia đình khoảng 20 triệu đồng/năm, con số này sẽ càng tăng theo thời gian khi sản lượng các cây trồng tăng theo các năm. Số tiền làm thuê mỗi năm của gia đình khoảng 20 triệu đồng.

Trường hợp 2:

Gia đình anh Gia có 2ha trồng vải thiều với số lượng 300 cây vải. Thu nhập gia đình năm 2015: Ngô đạt sản lượng 6 tạ thu được 3,4 triệu đồng, vải thiều 5 tấn thu được 55 triệu đồng, nhãn 2,5 tấn thu được 42,5 triệu đồng, tiền làm thuê đạt 40 triệu đồng. Như vậy tổng thu nhập một năm của gia đình anh là 143 triệu đồng, các chi phí chi tiêu năm 2015 hết 112 triệu đồng, số dư còn lại là 33 triệu đồng.

(Nguồn: Kết quả điều tra thực địa, tháng 4/2016).

Đối với nhóm nghèo và cận nghèo chiếm 45,29% tổng số các hộ trong xã. Đây là một con số khá lớn, nó thường rơi vào nhóm những người mới tách hộ, tách khẩu từ gia đình đa thế hệ sang gia đình hạt nhân. Chủ yếu là các trường hợp kết hôn sau đó có con riêng và được bố mẹ cho ra ở riêng. Ngoài ra nhóm người nghèo và cận nghèo còn rơi vào các hộ gia đình có diện tích canh tác ít, sản lượng cây trồng thấp, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào đi làm thuê. Khi nói về cái nghèo của mình chị Bích chia sẻ: “Nhà chị nghèo lắm, vải không có, lại mới làm nhà, cả hai vợ chồng đều đi làm thuê, lại còn nuôi con bé đi học đi đâu lấy tiền”. Chị Nhi cũng cho biết: “Ông

55

bà mới cho ra ở riêng, nên chưa có gì cả, vải cũng không được chia nhiều, như năm ngoái mất mùa chỉ được mấy tạ. Hai đứa nhà mình còn bé, lại ốm đi bệnh viện mấy lần nên chỉ ở nhà trông con thôi không đi làm gì được, cũng chẳng đi làm thuê được. Năm vừa rồi anh Thanh cũng chỉ đi xây ở trong làng, được ít tiền lại chữa bệnh cho con, nên chẳng dành được đồng nào, còn phải đi vay mượn thêm”.

Bảng 2.2.3.2: Thu nhập kinh tế hộ gia đình thuộc diện nghèo năm 2015.

Gia đình chị Bích:

Các khoản thu nhập: dưa, lạc, đỗ: 4 triệu đồng, vải thiều: 15 triệu đồng, làm thuê 43 triệu.

Gia đình chị Nhi:

Các khoản thu nhập: diện tích trồng vải 1,5ha thu 44 triệu đồng, làm thuê:10 triệu đồng.

(Nguồn: Kết quả điều tra thực địa, tháng 4/2016).

Như vậy, có thể thấy sự phân tầng xã hội ở Tân Hoa hiện nay kinh tế nông nghiệp đóng vai trò quyết định. Những gia đình có các nguồn lực phát triển kinh tế yếu sẽ rơi vào các nhóm nghèo và ngược lại. Sự phân tầng xã hội này chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, không có sự phân biệt về mặt văn hóa, tình cảm giữa hai nhóm này.

Một phần của tài liệu Di cư lao động xuyên biên giới của người ngái ở lục ngạn, bắc giang (Trang 57 - 59)