Thu nhập và rủi ro của nghề môi giới lao động

Một phần của tài liệu Di cư lao động xuyên biên giới của người ngái ở lục ngạn, bắc giang (Trang 66 - 69)

6. Cấu trúc luận văn

2.3.3. Thu nhập và rủi ro của nghề môi giới lao động

Khi những người môi giới lao động đã móc nối liên kết với nhau để đưa người lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc đồng nghĩa rằng họ sẽ nhận được một khoản lợi nhuận rất lớn nên họ mới dám bất chấp nhiều nguy hiểm để thực hiện công việc này. Họ có rất nhiều hình thức để trục lợi, bớt xén tiền từ người lao động, chia lợi nhuận, nhận hoa hồng từ chủ lao động Trung Quốc.

Đối với người lao động, họ có nhiều cách có thể lấy tiền từ họ. Đầu tiên là tiền đi xe đi lại, tiền xe đi lại từ Tân Hoa đến biên giới Việt - Trung mỗi lao động cần trả cho người môi giới lao động từ 300.000 VND đến 500.000VND trong đó có cả tiền bao qua biên là 100.000 VND. Tuy nhiên, môi giới lao động thường thuê ô tô riêng để đi theo đoàn, họ thường thuê xe 16 chỗ ngồi chỉ hết khoảng 1,2 triệu đồng, nếu thuê xe 8 chỗ ngồi họ chỉ mất khoảng 1 triệu đồng. Nói về vấn đề “bao biên” thực chất những người bao biên đã nằm trong chuỗi liên kết của những người môi giới, họ được chia chác số tiền từ nhóm đó. Có một số con đường dân sinh như Cao Lộc thực chất không có cái gọi là “bao biên” bởi vì những chủ xe chở khách từ Việt Nam sang Trung Quốc họ đã có sự liên kết với chủ xe ở bên Việt Nam, nếu như họ có khách đi xe nghĩa là họ sẽ có tiền. Như vậy, tùy vào từng cửa khẩu cũng như từng thời điểm qua biên tiền chi cho bao biên hầu như chỉ là một cách để người môi giới hót thêm tiền của người lao động. Như vậy mỗi chuyến xe chở người từ Tân Hoa lên đến biên giới họ có thể nhận được số tiền lời khoảng hơn 1 triệu VND.

Đối với nhóm lao động đi làm ở Quảng Tây, đoạn đường từ biên vào đến các đồn điền mía ở Quảng Tây hết khoảng từ 100 NDT đến 150 NDT, thường những chủ xe Trung Quốc chỉ cần chở khách vào đến cho các chủ lao động, chủ lao động sẽ trả tiền cho nhà xe. Tùy theo sự hào phóng của nhà chủ, có thể những người lao động sẽ không bị trừ tiền xe vào lương. Nhưng hầu hết những chủ lao động trừ số tiền này vào lương người lao động, sau đó lấy số tiền này đưa cho người môi giới. Kể cả những trưởng nhóm của một đội lao động sẽ nhận được số tiền này vì họ đã thỏa thuận từ trước đó. Ngoài ra, mỗi người môi giới đưa người đi chặt mía thường nhận được “tiền đầu người” là 100 NDT. Nếu như họ đưa được nhiều người đi thì họ sẽ nhận được càng nhiều tiền. Nhiều môi giới lao động còn tiến hành thỏa thuận,

63

chia phần trăm với chủ lao động. Nếu như một tấn mía người lao động nhận được 100 NDT nhưng chủ lao động chỉ trả 90 NDT còn 10 NDT sẽ được tính cho người môi giới. Nếu người lao động chặt theo bó, ví như một bó mía được trả 1,2 NDT nhưng người lao động sẽ chỉ nhận được 1 NDT cho mỗi bó, số dư còn lại sẽ được cộng cho người môi giới lao động. Như vậy có thể thấy người môi giới còn lợi dụng, ăn tiền dựa trên sức lao động người khác. Một số môi giới lao động hiện nay có một cách có thể kiếm tiền nhiều hơn, họ thường thuê lao động sang chặt mía bó và họ sẽ lấy số mía đó để tính tấn với chủ. Số tiền chênh lệch khi tính theo hai hình thức này rất lớn vì thế người môi giới thường thu về số tiền rất lớn sau mỗi đợt chặt mía. Một số người môi giới sang còn kết nối với những môi giới người Trung Quốc để họ đi tìm việc cho nhóm người lao động và ăn chia phần trăm với người môi giới này.

Đối với nhóm lao động đi làm việc tại các công xưởng sâu trong nội địa như Quảng Đông, Phúc Kiến, Thượng Hải thì mỗi lao động đi xe vào các khu vực đó thường hết từ 700 NDT đến hơn 1000 NDT. Số tiền này sẽ được trừ vào lương tháng đầu tiên của người lao động. Thực tế số tiền đi xe này chỉ hết khoảng hơn một nửa, số còn lại là của người môi giới. Cũng giống như đi chặt mía một số môi giới làm việc theo hình thức đơn lẻ, chỉ dẫn ít người sang thì họ thường ăn theo đầu người với chủ lao động, có thể là 100 NDT/người. Tuy nhiên, hầu hết những người môi giới chuyên nghiệp họ có rất nhiều cách để có thể lấy tiền từ người lao động và chủ lao động. Thông thường những công nhân tính lương theo tháng sẽ bị môi giới ăn chặn số tiền khoảng từ vài chục đồng đến vài trăm đồng NDT. Nếu công nhân tính lương theo sản phẩm thì người môi giới sẽ tính tiền hoa hồng với chủ lao động. Những chủ lao động cũng cần phải trả cho người môi giới một khoảng tiền ngay khi họ nhận người, số tiền này giống như việc họ đã mua lại những lao động đó từ người môi giới. Chính vì vậy, mà rất nhiều môi giới thường lợi dụng những dịp đánh nhau, loạn lạc để yêu cầu người lao động chuyển xưởng, mỗi lần chuyển xưởng mới họ lại nhận được tiền từ phía người chủ mới, thậm chí kèm theo những thỏa thuận về việc chia lợi nhuận có thể cao hơn xưởng cũ. Ngoài ra, nếu người lao động muốn gửi tiền về Việt Nam sẽ phải trả chi phí gọi là “phí gửi tiền”, mỗi lần phí có thể mất từ 50 NDT đến 100 NDT. Đối với những người lao động có công

64

việc gia đình, phải trở về nhà gấp, hoặc những người muốn bỏ giữa chừng thì những tháng họ đang làm dang dở sẽ không được tính lương, kèm theo tháng đầu tiên người lao động bị giữ lương thì phải đến gần hai tháng họ không được nhận tiền. Nhưng theo một số lao động số tiền này chủ lao động vẫn trả, nhưng môi giới lao động đã ăn chặn số tiền đó.

Đối với cả hai nhóm đi làm tại công xưởng khi người môi giới đổi tiền quy đổi cho người lao động họ thường ăn số lẻ trong giá trị quy đổi. Ví dụ: 1 NDT đổi được 3,34.000 VND thì họ chỉ gửi lại số tiền chẵn quy đổi là 3,3.000 VND.

Thực ra, người lao động không hề biết rõ người môi giới ăn bao nhiêu tiền, chỉ biết chắc chắn rằng họ đã ăn tiền lương của mình. Tuy nhiên, một số ít môi giới họ cũng công khai cho người lao động biết rằng họ đã lấy số tiền đó. Chị B kể lại: “Trên phong bì ghi tiền lương của mình được 3,4.000 NDT nhưng khi mình cầm phong bì lương do người quản phát cho thì mình chỉ được hơn 3000 NDT thôi, nó đã ăn hơn 200 NDT. Tùy theo người đưa đi, có người họ ăn nhiều, người họ ăn ít, nhưng mà ai cũng ăn”. Mặc dù bị ăn chặn nhưng những người lao động vẫn chấp nhận đi qua tay những người môi giới để tìm được công việc. “Mình vẫn biết họ ăn nhưng mình làm gì được, mình cũng cần có việc thì cũng phải để cho họ ăn tý”. (PVS chị M). Như vậy, có thể thấy số tiền mà người môi giới ăn chặn, bớt xén của mỗi lao động sau mỗi đợt sang làm thuê là không hề nhỏ. Anh T cho biết “Như những năm người ta đi công ty nhiều ồ ạt ấy mỗi mỗi môi giới phải quản đến hàng nghìn quân”. Số người đưa đi được tỷ lệ thuận với số tiền họ nhận được. Hầu hết những người đưa người đi Trung Quốc làm thuê kinh tế phất lên nhanh chóng, có tiền xây nhà lớn, mua đất mặt đường, mua xe đẹp, một số người còn mua được cả ô tô. Khi nhắc đến những người môi giới này, người lao động thường đưa ra nhận xét rằng “Nó đưa người đi Tàu làm, làm gì mà chẳng giàu”. Hay khi họ nhận xét về một người môi giới đã tạm dừng công việc rằng “ Nó đưa người đi Tàu, nó ăn ngập răng rồi nên giờ nghỉ là phải, nó khôn lắm, nó mà đưa mãi công an chả bắt nó à”…. Như vậy, có thể thấy mức độ lợi nhuận những người môi giới nhận được vô cùng lớn.

65

Thu nhập cao gắn với rủi ro lớn. Tuy nhiên theo nhiều lao động những người môi giới đã “đút tiền” cho công an nên họ ít bị dò xét hơn. Đây chỉ là suy đoán của một số người lao động nhưng thực tế số lượng người môi giới rất đông nhưng số người bị bắt và truy nã tỷ lệ quá nhỏ so với thực tế. Chỉ những môi giới bị người lao động tố cáo mới bị bắt và truy nã. Tại làng Vặt Ngoài đã có một người môi giới bị Công an Trung Quốc bắt giữ và giam đến 4 năm tù ở thành phố Đông Hưng, Quảng Tây. Ngoài ra còn có hai người bị truy nã trốn ở Trung Quốc nhiều năm chưa về Việt Nam. Năm 2013, trong làng có 6 người bị truy tố vì tội bắt cóc tống tiền người Trung Quốc nhưng theo nhiều người thì thực tế họ đã bị công an “để ý” từ lâu vì trước đó họ cũng tham gia đưa người vượt biên trái phép.

Không chỉ về phía chính quyền, những người môi giới còn có nhiều người thù ghét, chủ yếu là những người lao động được đưa sang làm nhưng bị ăn chặn và đối xử tệ bạc. Họ thường tìm đến những người này để động thủ như chém, đánh như một cách để đòi lại quyền lợi và giải tỏa mâu thuẫn.

Sống ở nơi đất khách quê người, nhiều môi giới lao động trong quá trình ăn chia với các môi giới cũng như các băng đản xã hội đen bên Trung Quốc không đồng đều, có sự mâu thuẫn dẫn đến nhiều cuộc ẩu đả, thậm chí có nhiều người đã tử vong tại Trung Quốc.

Môi giới lao động đưa người vượt biên trái phép là một nghề vô cùng nguy hiểm nhưng lại vô cùng hấp dẫn. Chính vì thế mà nhiều người không thể từ bỏ, những người có cơ hội để trở thành những người môi giới đều không thể bỏ qua những cơ hội kiếm tiền nhanh chóng đó.

Một phần của tài liệu Di cư lao động xuyên biên giới của người ngái ở lục ngạn, bắc giang (Trang 66 - 69)