Các hình thức xuất hiện của chủ thể kể chuyện

Một phần của tài liệu Nhân vật và người kể chuyện trong tiểu thuyết Lê Lựu ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 93 - 96)

5. Cấu trúc luận văn

3.1.2.Các hình thức xuất hiện của chủ thể kể chuyện

Trong tác phẩm tự sự, chủ thể kể chuyện có thể xuất hiện dưới các hình thức: Chủ thể kể chuyện kiểu “khách quan hóa” với ngôi kể thứ ba (vô nhân xưng); Chủ thể kể chuyện kiểu “chủ quan hóa” với ngôi kể thứ nhất (lộ diện). Kể chuyện kiểu “khách quan hóa” với ngôi kể thứ ba, chủ thể hoàn toàn ở ngoài cốt truyện, không thuộc vào thế giới của các nhân vật truyện, mà chỉ thực hiện nhiệm vụ theo dõi nhân vật, dẫn dắt, đứng sau hành động để quan sát và kể lại, không trực tiếp tham gia vào sự kiện, biến cố truyện. Do tính chất hướng ngoại của nhân vật nên điểm nhìn của chủ thể kể chuyện hầu hết là từ bên ngoài. Chủ thể kể chuyện xuất hiện ở ngôi thứ ba luôn có một vị trí tốt nhất để theo dõi dẫn dắt nhân vật. Nhân vật ít có những cơ hội để phát biểu, suy ngẫm hoặc hồi tưởng. Chủ thể kể chuyện chi phối toàn bộ tác phẩm

89

từ lời dẫn chuyện, cách kể, cách tả đến cả lời trữ tình ngoại đề. Chẳng hạn, chủ thể kể chuyện trong truyện dân gian, lời kể của chủ thể chiếm phần lớn so với lời của nhân vật. Người kể chuyện có thể thêm bớt ít nhiều lời kể về nhân vật, sự kiện, biến cố mà không ảnh hưởng đến cốt truyện, từ đó tạo nên tính dị bản của truyện. Người nghe phải tưởng tượng rất nhiều để hình dung đầy đủ về cuộc đối thoại của nhân vật. Người kể vừa là người truyền đạt, vừa diễn xướng tác phẩm, vừa là đồng tác giả, vừa là người tham gia sáng tạo lại. Người kể trực tiếp giao lưu với người nghe. Người nghe vừa là người thưởng thức, vừa là người tham gia vào quá trình sáng tạo tiếp. Người kể và người nghe gần gũi đồng cảm với nhau. Chủ thể kể chuyện trong truyện dân gian không để lại bất kì một dấu vết nào của riêng mình mà hòa mình vào tập thể. Với văn học viết, truyện kể từ ngôi thứ ba về cơ bản tác giả vẫn sử dụng phương thức trần thuật khách quan kiểu “vô nhân xưng”. Trong truyện kể ngôi thứ ba tác giả vẫn cố giấu mình, mặc dù câu chuyện là sản phẩm của chính mình. Tuy nhiên thông qua chủ thể kể, người đọc vẫn nhận thấy được thái độ, tư tưởng tình cảm của tác giả thể hiện ở các mức độ đậm nhạt khác nhau. Cái nhìn của chủ thể kể luôn hướng ngoại theo nhân vật. Chủ thể kể chuyện là người biết hết mọi chuyện, luôn theo dõi nhân vật, sự kiện nhưng không tham gia trực tiếp vào câu chuyện. Chẳng hạn Truyện Kiều của Nguyễn Du là truyện được kể ở ngôi thứ ba. Câu chuyện xoay quanh nhân vật Thúy Kiều suốt 15 năm lưu lạc. Lời kể của chủ thể kể chuyện ẩn mình dưới dạng “vô nhân xưng” là chủ yếu, chỉ dành rất ít ỏi cho Vương Quan kể về Đạm Tiên, kể về Thúy Kiều và Thúy Kiều tự kể về mình. Toàn truyện là lời kể của chủ thể kể chuyện vô hình suy gẫm về thân phân Thúy Kiều.

Ngược lại, kể chuyện kiểu “chủ quan hóa” với ngôi kể thứ nhất “xưng tôi” thì chủ thể kể chuyện lại chủ động thực hiện nhiệm vụ dẫn chuyện, có thể tự đứng ra kể chuyện mình, kể chuyện người khác, hoặc cùng tham gia kể

90

chuyện với các nhân vật, hoặc chủ động ủy quyền cho nhân vật tự kể. Chủ thể kể chuyện được cá thể hóa. “Tôi” chủ thể kể chuyện là một trong các nhân vật của truyện, là người bình luận từ bên trong, đồng thời cũng là người tham gia sự việc đang diễn ra. Điểm nhìn của chủ thể kể chuyện hầu hết hướng nội do tính chất hướng nội của nhân vật. Ở vị trí điểm nhìn này, nhân vật được soi rọi từ bên trong, chủ thể kể dễ dàng tái hiện sinh động thế giới tâm hồn nhân vật, chủ động đối thoại để nhân vật phải nói lên ý nghĩ của mình. Khi chủ thể kể chuyện hướng nội xưng “tôi” ngôi thứ nhất thì điểm nhìn của chủ thể kể chuyện và nhân vật trùng nhau, người kể trở thành nhân vật chính của truyện. Người đọc khó phân biệt rõ ràng nhân vật nói hay người kể chuyện nói. Trường hợp chủ thể kể chuyện đóng vai trò dẫn dắt câu chuyện thì người kể chuyện chỉ là một hình tượng giả định, được tác giả sử dụng làm người trung gian tưởng tượng ra giúp người đọc về cái được miêu tả. Chủ thể kể luôn giữ vai trò trung gian của một người đã chứng kiến sự việc, hạn chế tới mức tối đa việc bộc lộ cảm xúc để tạo điều kiện cho câu chuyện được kể mang tính khách quan. Trường hợp chủ thể kể chuyện xưng “tôi” kể lại một câu chuyện mà trong đó anh ta vừa là người dẫn chuyện vừa là một nhân vật thì cái “tôi” của người kể có mức độ cá thể hóa cao. Tác giả nhập vào chủ thể “tôi” với vai trò người dẫn, vừa đóng vai nhân vật xuất hiện cùng với các nhân vật khác trong truyện, vừa chứng kiến vừa tham gia nói chuyện với các nhân vật truyện. Trường hợp chủ thể kể chuyện xưng “tôi” vừa kể chuyện vừa bình luận thì chủ thể kể chuyện không phải là nhân vật truyện, anh ta chỉ song song đồng hành với nhân vật chính, gần gũi với nhân vật chính, đôi khi nhập vào đời sống nhân vật để suy tưởng. Có thể nói, trong tác phẩm tự sự, chủ thể kể chuyện xưng “tôi” với ngôi thứ nhất (lộ diện) xuất hiện với nhiều kiểu dạng khác nhau. Chính kiểu trần thuật “chủ quan hóa” với ngôi thứ nhất xưng “tôi”, lời của chủ thể kể chuyện làm cho tác phẩm tự sự trở nên đa thanh, đa giọng

91

điệu. Tìm hiểu người kể chuyện cũng là cách chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật của tác phẩm, làm cho thế giới đó sống dậy cụ thể và gợi cảm với những sự vật, hiện tượng đời sống, những tính cách, số phận.

Một phần của tài liệu Nhân vật và người kể chuyện trong tiểu thuyết Lê Lựu ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 93 - 96)