Giọng suy tư chiêm nghiệm

Một phần của tài liệu Nhân vật và người kể chuyện trong tiểu thuyết Lê Lựu ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 150 - 156)

5. Cấu trúc luận văn

3.4.2.3.Giọng suy tư chiêm nghiệm

146

Sự thay đổi tọa độ nhìn ngắm và cuộc đời đã tạo nên trong văn Lê Lựu chất giọng suy tư đậm tính triết lý. Cùng với điểm nhìn và việc lựa chọn đề tài thì mỗi nhà văn đều có những vùng sáng tạo riêng, cảm hứng riêng, điều đó quy định giọng điệu của tác phẩm. Một tác phẩm văn học bao giờ cũng là sự kết tinh tư tưởng, tâm hồn, tài năng nghệ thuật, bản lĩnh, vốn sống, kinh nghiệm của nhà văn. Bằng sự từng trải cá nhân, Lê Lựu đã làm sâu sắc cho hình tượng và chủ đề tác phẩm. Đó là lý do vì sao trong văn ông mang chất giọng suy tư, chiêm nghiệm về con người và cuộc đời.

Suy tư, chiêm nghiệm là tự suy nghĩ, xem xét và đoán biết của con người nhờ sự trải nghiệm cá nhân. Không phải ngẫu nhiên mà trong văn Lê Lựu thường thấy những câu văn chiêm nghiệm, mang đậm chất triết lý. Đặc biệt khi thể hiện tinh thần phản tỉnh, nhận thức lại, giọng suy tư chiêm nghiệm càng bộc lộ rõ. Nhà văn thường để cho nhân vật nói lên những suy nghĩ, xét đoán bằng chính sự trải nghiệm của họ. Tùy theo cách sống và nguyên tắc ứng xử, tùy sự hiểu biết và vốn sống, tùy điều kiện và hoàn cảnh mà mỗi nhân vật đều được cất lên tiếng nói của mình. Trong đó cũng có khi là lời tự bạch, chiêm nghiệm của tác giả về cuộc sống.

Lê Lựu sinh tại Khoái Châu, Hưng Yên, giữa những cánh đồng đậm màu đất phù sa của đồng bằng sông Hồng – một vùng đất từ xa xưa đã ngụp lặn trong nghèo đói. Giống như làng Hạ Vị trong tiểu thuyết Thời xa vắng, huyện Khoái Châu nằm bên con đê lớn của sông Hồng và nhiều năm trời bị lũ lụt tàn phá. Giống như những người dân Hạ Vị, dân phủ Khoái Châu phải bán sức lao động và đi cày thuê ở những xã khấm khá hơn. Và cũng giống như Sài, Lê Lựu đã có một cuộc đời không hề bình lặng. Bởi vậy, Thời xa vắng có dáng dấp một cuốn tự truyện của tác giả. Từ câu chuyện cuộc đời mình, nhà văn đã đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa lớn lao: khát vọng hạnh phúc cá nhân, bản lĩnh sống, tâm lý xã hội của thời đại… Do đó, nhân vật dù là con

147

người cụ thể nhưng số phận của họ không phải là trường hợp cá biệt mà đại diện cho cả một thế hệ trong giai đoạn lịch sử đầy những biến động, thăng trầm. Có lẽ vì thế, giọng suy tư chiêm nghiệm trở thành chất giọng chủ đạo

của Thời xa vắng, mặc dù nó ít thể hiện trực tiếp trong tác phẩm. Tuy nhiên,

đằng sau những cảm xúc, sự châm biếm, hài hước, xót xa, thương cảm, khắc khoải, da diết… là những trải nghiệm cá nhân, những suy ngẫm về cuộc đời, con người, về tình yêu… Đó có thể là trải nghiệm của nhân vật, cũng có thể là suy ngẫm của người trần thuật. Nhà văn khi nhập vào nhân vật để bộc lộ, tâm tình, chia sẻ, khi đóng vai người quan sát, lắng nghe, đối thoại, khi lại trực tiếp bộc lộ quan điểm của mình… Nhan đề Thời xa vắng cũng khiến người đọc phải suy ngẫm: thời nào – thời mà dưới tác động của lịch sử, con người chỉ như một dây leo không dám vượt ra khỏi khung giàn của nó; xa vắng - một thời đã qua mà sao cảm giác như vẫn lẩn khuất đâu đây, vẫn chưa xa… Để rồi từ đó, người đọc ý thức về cách sống, về tình yêu, hạnh phúc của mình hơn, để hoàn thiện mình hơn.

Thời xa vắng như một lời tự bạch, như một sự trải nghiệm của nhà văn

về thân phận của tình yêu. Ta có thể tìm thấy một đoạn trong lời đối thoại của chính ủy Đỗ Mạnh nói chuyện với Sài khi anh chuẩn bị ly hôn với Châu: “Chính bản thân anh chất đầy cách sống của một anh làm thuê, sẵn cơm thì ăn, sẵn việc thì làm, chỉ hong hóng chờ chủ sai bảo chứ không dám quyết đoán, định đoạt một việc gì. Lúc bé đã đành, khi học hành đỗ đạt, anh đủ tư cách làm một người công dân, một người chiến sĩ, tại sao anh không chịu trách nhiệm về nhân cách của anh? Sao anh không dám nói thẳng rằng hoàn cảnh của tôi bị ép buộc như thế, nếu các anh cứ bắt tôi, tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả, dù phải trở về làm anh cày thuê, tôi cũng sẵn sàng đánh đổi để được sống tự do. Kẻ bị trói buộc không dám cựa mình giẫy giụa, chỉ hong hóng chờ đợi, thấp thỏm cầu may, chả nhẽ một chính ủy sư đoàn như tôi lại xui anh bỏ

148

vợ” [110, tr 241]. Đoạn văn là sự chiêm nghiệm của người cán bộ trong quân đội sau những trải nghiệm về những gì diễn ra trong cuộc đời Sài và trong cuộc đời nói chung. Đó là những suy tư, kinh nghiệm, sự nhận thức lại từ hiện thực đã qua để rút ra những bài học kinh nghiệm về cuộc sống.

Xoay quanh bi kịch của Sài, Lê Lựu muốn người đọc suy ngẫm về những nguyên nhân dẫn đến bi kịch ấy. Dễ dàng nhận thấy, nguyên nhân trực tiếp là sự hèn nhát, thiếu bản lĩnh của Sài. Anh không dám quyết định điều gì, không dám sống cho bản thân mình, đến lúc có quyền quyết định, lại vội vã, sai lầm. Cả cuộc đời Sài có thể gói gọn trong một câu nói đầy chua chát của chính anh: “Nửa đời người phải yêu cái người khác yêu, nửa còn lại đi yêu cái mình không có”. Bi kịch của Sài cũng là bi kịch của thời đại. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến những đau khổ của Sài còn là áp lực vô hình của thiết chế xã hội, của dư luận. Chính xã hội ấy đã đè bẹp quyền sống cá nhân của con người. Sài không hoàn toàn yếu đuối và hèn nhát, anh cũng có những phản kháng nhưng mỗi lần phản kháng, Sài lại bị những kìm kẹp của xã hội trói buộc, khiến anh không thể sống như mình mong muốn. Lê Lựu “nghiêm khắc trước Sài nhưng cũng cảm thông cho những khó khăn khách quan mà Sài khó lòng có bản lĩnh vượt qua được. Đó là môi trường, hoàn cảnh cụ thể xung quanh anh ta”. Tác phẩm vì vậy mở đầu cho khuynh hướng nhận thức lại trong văn học sau 1975, nhìn nhận lại quá khứ để nhận ra những sai lầm ấu trĩ, những định kiến hẹp hòi… Đặt ra vấn đề ấy, Lê Lựu đã trở thành một trong những người tiền trạm cho văn học đổi mới. Lê Lựu đặc biệt tôn trọng những tính cách, ngôn ngữ của nhân vật. Vì thế, tính đa giọng điệu được thể hiện rất rõ trong tác phẩm. Đôi khi người đọc không còn phân biệt được đâu là giọng nhân vật đâu là lời tác giả. Chẳng hạn, khi khái quát về đàn bà: “đàn bà dù nanh nọc, ma mãnh gian ngoan đến đâu cũng có những khoảng ngu rất ngớ ngẩn” (Chuyện làng Cuội); khái quát về tình yêu: “với tình yêu, kẻ biết dối trá thuần thục bao giờ

149

cũng lôi cuốn người con gái hơn rất nhiều những người chỉ biết biểu hiện lòng thành thật” (Hai nhà)…Đằng sau những lời chiêm nghiệm ấy là những giọt nước mắt chua xót của nhà văn trước thực trạng cuộc sống và con người. Nhân vật của Lê Lựu thường có ý thức tự phán xét, đánh giá, tự rút kinh nghiệm cho cuộc đời mình. Sài, Núi, bà Đất, Tâm…là những người như thế. Bằng kinh nghiệm bờ bụi của mình, Núi đã nghiệm ra rằng: “đàn bà dù lẳng lơ, bụi bặm, đài các hay quý phái đều rất tinh nhạy cảm nhận được ý định của thằng đàn ông, nhưng dù có tinh đến đâu thì thằng đàn ông phải là người đẻ ra cách đối xử của đàn bà…nếu không có được cái thế ấy thì có là ông tướng, họ cũng vò nhầu nhĩ cuộc đời anh như cái giẻ để họ chùi chân” hoặc “xoắn vặn đời anh như con số tám”…Nhân vật Sài cũng đã phán xét, rút kinh nghiệm cho cuộc đời mình sau những ngày lao đao, vất vả làm chân sai vặt cho vợ: “càng chứng tỏ mình là thằng đàn ông thì càng hèn hạ, yếu đuối hơn cả một người đàn bà. Càng tỏ ra đường hoàng chiều vợ, càng tùy tiện biến mình thành kẻ nheo nhếch đến xấu hổ…” Không chỉ thể hiện những trải nghiệm về cuộc đời, nhà văn còn chia sẻ với nhân vật những suy ngẫm về tình yêu: “xóa bỏ sự cọc cạch này để chắp vá với sự cọc cạch khác là đánh lừa nhau”. Cũng có khi đặt nhân vật trong đối thoại, người trần thuật khéo léo thể hiện một triết lí nào đó rất tự nhiên từ phát ngôn của nhân vật. Chẳng hạn: “Đã dăm bảy năm nay người thành phố thấy nhàm chán cung cách biểu diễn của các ca sĩ chuyên nghiệp….Vẫn là cũ kĩ nhạt nhẽo cả tình lẫn giai điệu… Giữa nhốn nháo người ta thèm khát cái thật trong đời cũng như trong nghệ thuật. Những nghệ sĩ lại không biết điều đó nên mỗi lần xuất hiện, một lần dân chúng bực mình vì chẳng ai muốn bị đánh lừa ở bất cứ lĩnh vực nào”. Xen lẫn trong lời đối thoại của nhân vật, người trần thuật đã đưa ra triết lí về nghệ thuật. Phải chăng đó cũng là phương châm sáng tác của nhà văn được gửi gắm trong tác phẩm! Những triết lí về cuộc đời của nhà văn đã được lồng vào câu chuyện

150

bằng nhiều cách. Nó hòa cùng giọng của nhân vật tạo nên tính đa thanh cho lời văn. Lê Lựu đã cho người đọc biết thêm một điều thật giản dị: cuộc sống không phải lúc nào cũng hoàn hảo; biết chấp nhận đắng cay và nhìn thẳng vào sự thật thì con người ta mới có thể sống là chính mình. Hầu như trong suốt hơn 300 trang sách, Lê Lựu để cho nhân vật tự suy ngẫm, tự nói lên trải nghiệm của chính mình, ông chỉ là người đứng ngoài quan sát. Tuy nhiên, có lúc nhà văn dường như không thể đứng ngoài, không thể tiếp tục tỏ ra lạnh lùng, khách quan được nữa. Chứng kiến sự đổ vỡ lần thứ hai của Sài, trước cảnh hai đứa trẻ thơ khóc òa chạy theo bố, Lê Lựu như muốn kêu to với mọi người rằng: “các người cứ yêu nhau say đắm và mê mẩn rồi lại cắn xé nhau như chó mèo đi. Tất cả đều là quyền của các người. Nhưng đừng kẻ nào dã man tạo ra những đứa trẻ để rồi lại trút lên cái cơ thể bé bỏng của nó những tội lỗi sinh ra từ lòng ích kỷ không cùng của các người”. Ngẫm cho cùng cái hiện thực xót xa và đầy oán trách này tồn tại đầy rẫy ở trong xã hội. Nó là sự thực mà con người ta đôi khi dù không muốn vẫn gặp phải. Cuộc sống riêng tư của Lê Lựu không bình lặng như mọi người. Có lẽ, cuộc sống riêng ấy đã cho ông những trải nghiệm và hơn hết là cho ông những trang viết có giá trị. Giọng trải nghiệm suy ngẫm không phải đến Lê Lựu mới có mà nó đã xuất hiện từ lâu trong những trang văn của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Nguyên Hồng,… nhưng giọng điệu trải nghiệm, suy ngẫm của Lê Lựu về cuộc đời, con người, tình yêu đã trở thành tiếng nói riêng khá độc đáo trong tiếng nói chung của văn xuôi Việt Nam hiện đại.

Như vậy, dù ở môi trường, hoàn cảnh nào thì mỗi nhân vật trong sáng tác của Lê Lựu đều có những phán xét, suy nghĩ riêng về cuộc đời, con người, về đạo đức, nhân sinh. Bằng hình thức nghệ thuật đặc sắc như cách xây dựng xung đột của thế giới bên trong, miêu tả nhân vật chủ yếu ở đời sống nội tâm, cách thức tổ chức kết cấu, sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu riêng…Lê Lựu đã

151

thể hiện thành công, sâu sắc sự trăn trở, day dứt của những con người trên hành trình đi tìm chân lý của cuộc đời cũng như nghệ thuật. Đằng sau mỗi câu chữ, bao giờ cũng là một tấm lòng thiết tha cùng những lời tâm sự sâu lắng của nhà văn trước cuộc đời. Vì vậy, tiểu thuyêt của Lê Lựu đã thực sự chiếm được chỗ đứng trong lòng độc giả

Một phần của tài liệu Nhân vật và người kể chuyện trong tiểu thuyết Lê Lựu ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 150 - 156)