5. Cấu trúc luận văn
3.4.2.2. Giọng điệu trữ tình xót xa, thương cảm
Viết về con người, về thân phận cá nhân, những bi kịch đau đớn trong cuộc sống, tình yêu, hôn nhân và gia đình là vùng sáng tạo nổi bật của Lê Lựu. Điều đó tạo nên giọng điệu trữ tình xót xa, thương cảm xuất hiện khá đậm đặc trong các tác phẩm của ông. Đằng sau mỗi tác phẩm là tấm lòng đầy trắc ẩn, luôn suy tư, day dứt, quan tâm đến hạnh phúc cá nhân của con người.
Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Chuyện làng Cuội hay Hai nhà…đều là
những tác phẩm phản ánh hiện thực cuộc sống được thể hiện qua lăng kính của nhà văn và “khúc xạ” qua những ý nghĩ, cảm xúc, tâm trạng của tác giả. Đó là giọng điệu của nỗi niềm đầy tâm tư trắc ẩn “một hình thức tự bạch chân thành qua những trải nghiệm vui buồn cá nhân”. Nhà văn thường di chuyển,
141
mở rộng điểm nhìn để bày tỏ quan niệm, thái độ của mình. Lời nửa trực tiếp và điểm nhìn bên trong trở thành phương tiện hữu hiệu để chuyển tải giọng điệu này. Nhà văn thể hiện thái độ thông cảm, xót xa trước những số phận éo le và trước những nhận thức lạc hậu của người dân làng Hạ Vị.
Ở Thời xa vắng, Lê Lựu không chỉ đau lòng về nỗi bất hạnh của một Sài yếm thế mà còn trăn trở về một Tuyết cô đơn khổ hạnh, về một Hương yêu hết mình nhưng thất bại, một Châu ghê gớm nhưng cũng chịu nhiều cay đắng. Ngòi bút của ông dường như mở rộng ra để san sẻ với tất cả mọi người. Tuyết, giống như bao cô gái khác, khao khát tình yêu và hạnh phúc nhưng lại bị chồng coi như cái gai trong mắt. Đó là người đàn bà nhà quê bất hạnh và đáng thương. Điểm nhìn bên trong đã giúp nhà văn hiểu thấu nỗi khát khao và cô đơn của cô gái tuổi mười bảy: “Cái tuổi dậy thì của người con gái mỗi ngày như trông thấy cái cơ thể dồi dào sức lực của mình cứ mát mẻ và êm ái căng đầy lên, đã thấy khao khát đến cháy khô đôi môi mọng đỏ trước cái nhìn đăm đắm của con trai, đã thấy phập phồng mỗi đêm nghe tiếng chồng chạy về” [110, tr 89], hiểu những niềm vui nho nhỏ khi Tuyết được đi cùng Sài, được người làng tán tụng, gán ghép. “Lê Lựu hiểu nhân vật của mình đến tận chân tơ, kẽ tóc, đến tận những ngọn ngành sâu thẳm nhất của tình cảm, suy nghĩ”. Nhà văn đã nhìn thấu nỗi cơ cực của người đàn bà “cả một thời con gái được chồng nhòm ngó đến một lần rồi nuôi con một mình…” để rồi “cứ phải ép mình xuống giường chịu cho qua hết đêm này đến đêm khác”, để rồi “đêm nào cũng phải nghĩ một mình, ôm con khóc mà nghĩ” [110, tr 240]. Những dòng văn rưng rưng nước mắt, ngậm ngùi cho một số phận tủi cực và cam chịu. Lê Lựu cảm thông với những hao háo, thèm thuồng tội nghiệp của Tuyết, “Từ câu quát mắng, thèm một quả đấm, một cái tát, bởi những cái đấy là tục tằn, thô lỗ vẫn được tiếng là cô có chồng, chồng đánh, chồng chửi, chồng giận, chồng hắt hủi…”[110, tr 50]. Tuyết đã từng là thành viên của hội
142
thanh niên và hội phụ nữ nhưng người ta cũng quên cô là người của đoàn thể mình vì cô có đi họp bao giờ. Sau này có một đứa con với Sài, Sài cũng chỉ nhớ đến đứa con mà quên mất cô đã sinh ra nó. Sự mất mát, dở dang dường như gắn chặt với cuộc đời cô vậy. Cảnh ngộ của cô đáng được thông cảm hơn là phê phán! Và từ đó ngòi bút của nhà văn như ngập ngừng hơn khi viết và đôi mắt như ầng ậng nước trước niềm mơ ước đầy xót xa của Tuyết. Xã hội cũ tạo nên một Sài yếu đuối, yếm thế, nhút nhát, không dám sống cho chính mình. Mười bốn tuổi đầu, Sài đã phải sống thành hai cuộc đời: thật và giả. Ban ngày chỗ công chúng, anh là con người giả, sống vì mọi người, làm đẹp lòng mọi người, nghĩa là yêu vợ như một ông chồng đầy trách nhiệm. Ban đêm, anh mới có cơ hội trở thành con người thật của mình, có một khoảng tự do cuối cùng của tình cảm và quyền làm người. Trước những dằn vặt, đau khổ của Sài, nhà văn đôi lúc không kìm nén nổi cảm xúc đã thốt lên “thật khốn khổ thay”, “tội nghiệp anh”! Được giải phóng khỏi Tuyết, Sài trở thành người tự do, hoàn toàn có thể làm những gì mình muốn. Những tưởng anh sẽ mạnh mẽ, bản lĩnh hơn thời gian trước, nào ngờ, trong cuộc hôn nhân tiếp theo, anh lại trở nên yếu đuối và nhu nhược. Sống với Châu, Sài quần quật sấp ngửa suốt ngày. Mỗi ngày, anh đầu tắt mặt tối từ 4 giờ sáng đến 2 giờ đêm để nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, mua tem phiếu, cho con ăn… và trăm thứ việc không tên khác. “Chu trình khép kín” ấy khiến Sài “mất đi 11 cân 4 lạng, già đi đến hơn chục tuổi, nhom nhem và bê tha như anh đạp xích lô trực đêm trước cửa ga” chỉ trong vòng “hơn 300 ngày kể từ khi lấy vợ và 196 ngày kể từ khi sinh con” [110, tr 290].,.. Đến lúc anh có thời gian nhìn lại mình thì sự đổ vỡ đã gần kề. Anh trở thành con người âm thầm lặng lẽ. Bao nhiêu giằng xé, day dứt, “hàng tiếng đồng hồ đứng lặng như chết, chỉ có hai làn môi động đậy run run và khuôn mặt như méo mó hẳn đi”. Cuối cùng, Sài đã dũng cảm quyết định tìm lại chính mình, dù anh đã ở tuổi 40. Cuộc đời Sài là cả một chuỗi bi
143
kịch. Bỏ vợ, anh hy vọng vào một cuộc đời mới tốt đẹp nhưng cuối cùng cái gia đình mà anh cố công vun đắp đã tan vỡ. Anh hoàn toàn thất bại trên con đường mình đã đi. Sài và Thời xa vắng đã“gợi lên cho nhiều người chút động lòng và sự nuối tiếc. Sự nuối tiếc ở đây là cái hích đầu tiên để người ta nghĩ tiếp và tìm ra cho mình một cách sống xác đáng”. Vẫn trong tác phẩm
Thời xa vắng nói về tâm trạng của Sài khi anh quyết định đi chiến trường B
“…Bây giờ lại hi vọng vào bom đạn, chết chóc của cuộc chiến đấu ác liệt sẽ là hàng rào ngăn cách giữa anh và vợ, giữa quá khứ và mai sau. Nhưng thế này để làm gì khi anh đã có con, Hương đã lấy chồng? Không thể biết điều gì sẽ xảy ra trong tháng sau, năm sau nhưng đến bây giờ thì anh không thể thay đổi. Anh sẽ đi, đi suốt cuộc đời mình trong gian truân, trong chết chóc, chỉ phải để không phải làm chồng của cô Tuyết, không thể đội trời chung với cô ta. Một lần nhu nhược đã nuôi nỗi đắng cay suốt cả cuộc đời” [110, 155]. Những câu văn dài, giọng điệu nhẹ nhàng chứa đựng những tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ của Sài về hiện thực cuộc đời mình. Giọng điệu ấy thể hiện nỗi buồn, day dứt của một con người khi đã nhận thức lại mình, ý thức được thân phận, hoàn cảnh của mình và mong muốn thay đổi. Đằng sau đó là những cảm xúc, tâm trạng của nhà văn về cuộc đời, số phận con người. Ông như thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ trước những day dứt, rằng xé của nhân vật. Tất cả được thể hiện qua giọng điệu trữ tình ngậm ngùi, xót thương chứa đầy nỗi niềm.
Không chỉ trải lòng trước những số phận bi kịch như Sài, Tuyết, Hương, Châu…, Lê Lựu còn bày tỏ niềm cảm thông, chua xót với nỗi tủi nhục của người dân làm thuê cuốc mướn. Nếp suy nghĩ nông cạn, thói ăn sẵn, sợ thất bại và lối sống an toàn đã khiến họ, cả làng Hạ Vị, kéo nhau lũ lượt đi làm thuê. Trong Thời xa vắng, Lê Lựu xót xa trước cảnh con người vì miếng cơm manh áo mà đánh mất danh dự và giá trị của bản thân. Sài, từ khi còn nhỏ, đã
144
“ứa nước mắt vì bị khinh rẻ” đã “hiểu thế nào là thân phận của kẻ đi làm cốt chỉ kiếm lấy một bữa cơm”. Có lẽ, quá khứ ấy vẫn day dứt trong Sài và phải chăng đó là một phần động lực thôi thúc anh trở lại xây dựng quê hương? Viết về những con người – nạn nhân của hoàn cảnh, những tàn dư của nếp sống lạc hậu xưa, chất trữ tình giọng xót xa, thương cảm đã góp phần thể hiện sâu sắc tấm lòng của nhà văn trước cuộc đời và số phận con người. Lê Lựu đã viết về quá khứ với sự nhận thức lại một cách sâu sắc, với ý thức hướng về một tương lai tốt đẹp hơn. Thiết nghĩ, đó chính là điều đáng quý trong nhân cách và bản lĩnh người nghệ sĩ.
Ở Chuyện làng cuội, khi nói về hình ảnh bà Đất bước lên bục danh dự của người mẹ liệt sĩ dưới sự sắp xếp của đứa con bất hiếu Lưu Minh Hiếu, nhà văn đã viết: “Giá như bà cứ tự bước lên bục không cần ai dắt! Giá như bà cứ nói những câu không cần ai xúi bẩy! Giá như bà cứ làm những việc tự bà thấy phải làm và không làm việc gì thấy không cần phải làm. Tất cả những “giá như” ấy phải có cái “giá như” bà đừng đẻ ra thằng con ấy. Đã đẻ ra nó thì bà chẳng còn gì để thành riêng biệt, thành một người hiện diện như mọi con người. Bà trở thành kẻ thất đức, giết chết tình yêu của mọi người dành cho bà là lẽ đương nhiên” [109, 341]. Giọng điệu nhẹ nhàng nhưng đầy xót xa, cay đắng, trĩu nặng những niềm đau, chứa đựng những nỗi day dứt, chất vấn của nhà văn và của bao người trước những điều “trái khoáy” đang diễn ra trong đời sống. Người đọc không khỏi ngậm ngùi trước một hiện thực đạo đức con người đang bị băng hoại. Vì mưu cầu cá nhân bẩn thỉu, đứa con trai sẵn sàng đưa mẹ già của mình ra để nài ép, phô trương hòng kiếm lợi cho mình. Hiếu muốn bỏ vợ, nhưng sợ ảnh hưởng đến uy tín của bản thân nên đã bắt mẹ mình dựng lên chuyện giả dối quan hệ mẹ chồng nàng dâu bất hòa để có cớ li hôn. Vì quyền lợi cá nhân ích kỉ, tầm thường Hiếu đã làm cho mẹ mình phải tìm đến cái chết đau thương. Đó là khi bà Đất nói với đứa con gái của Hiếu về
145
mối quan hệ cha con giữa Hiếu và Tổng Lỡi. Sợ ảnh hưởng đến sự tiến thân của mình, Hiếu đã xỉ vả, dày vò mẹ để bà cảm thấy là bà có lỗi và phải nhảy sông tự vẫn…Qua cách miêu tả trên, ngòi bút Lê Lựu đã bộc lộ sự xót xa, đồng thời đưa ra lời cảnh báo về sự băng hoại đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân trong xã hội.
Giọng điệu trữ tình xót xa, thương cảm của nhà văn còn được thể hiện rõ qua đoạn văn miêu tả bi kịch của nhân vật Núi trong Sóng ở đáy sông: “Mười một ngày hai bố con hắn nằm trong bệnh viện.[…] Ai cũng khuyên hắn tu tỉnh làm ăn để nuôi con…Bà con bán hàng ai cũng nguyền rủa con vợ hắn, thương cảnh “gà trống nuôi con” mà lại là đứa con quẹo quặt. Ai cũng cho hắn chịu […]. Dưới mắt bà tổ trưởng và cán bộ phường thì hắn đi ăn xin. Nhưng các bà bán hàng biết chắc là hắn đi ăn cắp. Chỉ có đi ăn cắp mới có tiền trả món nợ của các bà. Biết vậy mà không ai ghét bỏ, không ai mách bảo với công an, chính quyền để ngăn chặn. Đơn giản là hắn đi ăn cắp của người khác chứ không ăn cắp của mình”. Ta thấy có một sự đồng cảm, tất cả cùng chung một giọng cảm thương cho hoàn cảnh của Núi (Ai cũng khuyên hắn tu tỉnh làm ăn, ai cũng cho hắn chịu), khi hắn vẫn ngày ngày ăn cắp, ngày ngày mang bộ mặt đáng thương của người đàn ông không may mắn. Chất giọng đó phản ánh lòng thương cảm, xót xa, mọi người thương hắn đơn giản vì hắn không phạm đến họ, đơn giản vì ngày ngày hắn mang quyền lợi đến cho họ. Chính tình cảm đó của mọi người đã góp phần tạo nên tính cách của hắn, là chất xúc tác để hắn vẫn thản nhiên phạm tội.
Như vậy, để phản ánh những bi kịch của nhân vật và nhận thức lại hiện thực, Lê Lựu đã không bỏ qua chất giọng trữ tình ngậm ngùi, xót thương nhằm phản ánh những số phận éo le của nhân vật cũng như hiện thực của một
“thời xa vắng" chưa xa.