5. Cấu trúc luận văn
1.2. Quá trình sáng tác và vị trí của tiểu thuyết Lê Lựu trong văn học
Việt Nam thời kỳ Đổi mới.
1.2.1. Quan điểm nghệ thuật
Tác phẩm chính là nơi nhà văn thể hiện quan điểm sáng tác của mình, Lê Lựu cũng không phải là một ngoại lệ. Trên những trang viết, ông đã khéo léo thể hiện quan điểm nghệ thuật ấy. Không phải thông qua bất cứ nhân vật nào trong tác phẩm mà nó được gói gọn trong lời phát biểu của chính tác giả: “Tôi là người ít học, ít đọc vì lười nghĩ ngợi. Toàn bộ những trang viết của tôi chỉ theo đuổi một nguyên tắc là sự thật. Tôi không thể viết được nếu không bám vào sự thật. Tôi chỉ là người kể chuyện, có gì viết nấy”[104, tr.501]. Trong một lần “Hỏi chuyện tác giả, tìm hiểu tác phẩm”, ông tiếp tục khẳng định với bạn đọc: “Tôi nghĩ, văn chương phải đối thoại được với cuộc sống, viết thật lòng không nói dối - nhờ cái thật mà đối thoại được với cuộc đời và người đang sống”[104, tr. 547].
Như vậy, chúng ta nên hiểu "sự thật" đó như thế nào? Cái thật trong văn học, theo quan niệm của Lê Lựu, nó bắt nguồn từ cái thật trong cuộc sống mà cuộc sống thời bấy giờ có nhiều sự đổi thay to lớn. Người đọc thích nhìn thẳng vào sự thật, nói thật và làm thật. Qua văn chương, người đọc muốn hiểu thời đại lúc bấy giờ ra sao, muốn nhận thức đúng thực chất các mối quan hệ xã hội của con người trong một xã hội đầy biến động. Ông ý thức rằng, văn học không thể tách rời hiện thực mà phải bám sát hiện thực. Vậy là đã rõ, “sự
thật” chính là nguyên tắc của Lê Lựu trong việc xây dựng tác phẩm, “Tôi
không thể viết được nếu không bám vào sự thật”. Đấy là lời thổ lộ chân thành
nhất của người cầm bút. Và điều này không phải là lời nói suông mà trên hầu hết những trang viết, sự thật hiện lên như nó vốn có. Không một chút màu mè! Không một chút tô vẽ! Trên hành trình kiếm tìm sự thật ấy, nhà văn đã mạnh dạn phơi bày tất cả những gì đang diễn ra, những gì trước nay bị che
22
dấu, bị lờ đi. Vì vậy, sự thật về đời sống, về con người hiện lên rõ nét hơn trong tác phẩm của ông.
Là một người nông dân mặc áo lính, Lê Lựu luôn luôn nghĩ về quê hương, ông chú ý đến tất cả mọi điều liên quan đến người nông dân. Nông thôn và người nông dân là mảng đề tài bất tận mà ông khai phá. Cho nên, viết về đề tài gì đi chăng nữa thì hình ảnh làng quê với những nhân vật "người nhà quê" vẫn hiển hiện trên từng trang viết. Theo nhà nghiên cứu Đinh Quang Tốn: “Đề tài hậu phương nông thôn miền Bắc trong chiến tranh chống Mỹ có nhiều người viết, nhưng Lê Lựu là người viết thành công hơn cả”[104, tr.663]. Hơn thế nữa, Lê Lựu đi nhiều, biết nhiều, vốn sống của ông căng tràn. Bản thân là một người lính nên ông rất dễ hoà đồng với họ. Ông hiểu tâm tư tình cảm của họ một cách tự nhiên. Họ chính là ông mà ông cũng chính là họ. Ông đã viết những gì mình biết, mình hiểu một cách sâu sắc và tất cả những điều ấy đều xuất phát từ quan niệm nghệ thuật "tôn trọng sự thật". Do vậy, khi nghiên cứu tác phẩm, chúng ta không thể không đề cập đến quan điểm nghệ thuật của nhà văn.