Ngôi kể và điểm nhìn

Một phần của tài liệu Nhân vật và người kể chuyện trong tiểu thuyết Lê Lựu ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 96 - 98)

5. Cấu trúc luận văn

3.2.Ngôi kể và điểm nhìn

Người kể chuyện trong văn xuôi tự sự có thể được nhà văn miêu tả như một nhân vật có ngoại hình, tính cách, biết suy nghĩ, biết đi lại nói năng, giao lưu cùng các nhân vật khác. Song những phương diện nghệ thuật gắn liền với hình tượng nhân vật lại không phải là đặc trưng thi pháp để nhận diện người kể chuyện trong tác phẩm tự sự. Muốn nắm bắt được hình tượng người kể chuyện trong văn bản tự sự phải căn cứ vào hai khái niệm cơ bản: ngôi kể và điểm nhìn .

3.2.1 Ngôi kể

Ngôi kể là một khái niệm được vay mượn từ lý thuyết hội thoại trong ngôn ngữ học. Lý thuyết hội thoại cho rằng một hoạt động hội thoại bao giờ cũng có hai ngôi tham dự: ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai. Trong đó ngôi thứ nhất là người nói (người phát thông tin), ngôi thứ hai là người nghe (người nhận thông tin), còn nếu xuất hiện thêm ngôi thứ ba thì chính là hiện thực được nói tới, là vật quy chiếu, không tham gia vào hoạt động giao tiếp. Kể chuyện cũng là một hoạt động hội thoại giữa người kể chuyện (người nói) và người đọc (người nghe). Người kể chuyện có thể kể về mình (kể về ngôi thứ nhất), kể về người khác (kề về ngôi thứ ba). Cũng có khi người kể chuyện kể về ngôi thứ hai (kể về người nghe) nhưng trường hợp này hiếm gặp hơn hai hình thức truyện kể trên.

Ngôi kể trong cấu trúc tự sự là một yếu tố thuộc về hình thức nghệ thuật, nhưng trong một câu chuyện, nó không đơn thuần là ngôi ngữ pháp thuần túy. Vấn đề ngôi kể gắn liền với sự biểu hiện của hình tượng người kể chuyện. G.Genette khi bàn về vấn đề ngôi kể đã khẳng định: "Việc thay đổi

92

ngôi, thực sự là sự thay đổi quan hệ giữa người kể chuyện và câu chuyện của

ta - nói cụ thể hơn, nó còn có nghĩa là sự thay đổi người kể chuyện" [88,

tr.188]. Nói cách khác, việc lựa chọn ngôi kể gắn liền với việc xác định tư cách kể của người kể chuyện đối với câu chuyện mà anh ta trần thuật lại. Người kể có thể lộ diện trong câu chuyện của mình, lúc đó truyện kể sẽ được kể theo ngôi thứ nhất. Anh ta cũng có thể ẩn tàng, lúc này truyện kể sẽ được kể theo ngôi thứ hai hoặc ngôi thứ ba. Chính mối quan hệ của người kể chuyện đối với câu chuyện của anh ta quyết định truyện sẽ được kể theo ngôi nào và giúp người đọc hình dung ra được mối tương quan giữa người kể chuyện đối với thế giới nhân vật trong tác phẩm. Trên cơ sở đó, độc giả có thể đi sâu vào tìm hiểu thế giới nghệ thuật bên trong. Như vậy, việc xác định ngôi kể trong một tác phẩm tự sự phụ thuộc vào mối quan hệ của người kể chuyện với câu chuyện mà anh ta đại diện tác giả trần thuật lại. "Sự khác nhau thường có giữa những truyện kể ở "ngôi thứ nhất" và "ngôi thứ ba" tiến hành ở bên trong đặc điểm nhân xưng của mọi diễn ngôn, tùy theo mối quan hệ (hiện diện hoặc vắng bóng) của người kể chuyện trong câu chuyện anh ta kể, "ngôi thứ nhất" chỉ ra sự hiện diện của người kể chuyện với tư cách nhân vật

được nêu tên, "ngôi thứ ba" là sự vắng bóng của nhân vật này"(G.Genette)

[88, tr.189]. Nhận xét trên cũng bao hàm sự phân loại xác đáng về hai hình thức truyện kể theo ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba.

Trong văn học truyền thống, vấn đề ngôi kể chưa được đặt ra. Các tác phẩm chủ yếu được kể dưới dạng "vô nhân xưng", người kể thường ít để lại dấu ấn riêng của mình cả về phương diện nội dung tinh thần và hình thức ngữ pháp trong văn bản. Truyện được kể ở ngôi thứ ba với những điều người kể chuyện cảm nhận và nghe thấy. Dần dần cùng với quá trình cá thể hóa hành động sáng tạo văn học, chủ thể kể chuyện hiện ra rõ hơn. Xuất hiện người kể chuyện xưng danh "tôi", "chúng tôi" trong các truyện kể ngôi thứ nhất (thế kỷ

93

XIX). Kèm theo đó là những nhận xét trực tiếp và mang tính chủ quan của cá nhân người kể về những diễn biến xảy ra, về hành động, phẩm chất của các nhân vật. Đến lúc này, vấn đề phân biệt ngôi kể mới được đặt ra. Lối kể theo ngôi thứ nhất cũng mở ra bình diện khái quát mới của văn học: quan tâm đến cái riêng tư, sự tự ý thức của con người cá nhân.

Trong ba hình thức trần thuật chủ yếu của loại hình tự sự: người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai và ngôi thứ ba, thì hình thức kể chuyện ở ngôi thứ ba ra đời sớm hơn cả. Đi sâu nghiên cứu, khảo sát chúng tôi nhận thấy phần lớn tiểu thuyết của Lê Lựu thường được được kể ở ngôi thứ ba dưới dạng trần thuật khách quan và ngôi thứ nhất dưới dạng trần thuật chủ quan hóa đã tạo nên tính đa thanh, đa giọng điệu trong lời văn trần thuật.

Một phần của tài liệu Nhân vật và người kể chuyện trong tiểu thuyết Lê Lựu ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 96 - 98)