Nghệ thuật tạo tình huống

Một phần của tài liệu Nhân vật và người kể chuyện trong tiểu thuyết Lê Lựu ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 75 - 80)

5. Cấu trúc luận văn

2.3.1.Nghệ thuật tạo tình huống

Tình huống là yếu tố không thể thiếu trong tác phẩm tự sự. Tình huống là “sự tác động qua lại giữa con người và hoàn cảnh”. Tình huống là những thời khắc tiêu biểu có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống con người, tại thời khắc đó con người có cơ hội châu tuần với nhau (mà trước đó họ vốn xa nhau). Lúc này, cái bản chất trong quan hệ giữa các tính cách nhân vật, giữa nhân vật với hoàn cảnh được bộc lộ một cách rõ rệt. Tình huống thể hiện sâu sắc chủ đề tác phẩm và có vai trò quan trọng trong tác phẩm. Sự nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo để tạo nên những tình huống truyện khác nhau đã làm nên những đặc trưng riêng cho nhà văn trên con đường chiếm lĩnh hiện thực đời sống. Nhà văn nhạy cảm và có tài cần phải biết phát hiện các tình thế đời sống và tái tạo nó thành các tình huống. Nghĩa là cần phải đặt nhân vật của mình vào những tình huống nhất định mà trong đó “một tính cách nhất định được thể hiện ra một cách đầy đủ và thích hợp nhất” .[102, tr. 236]. Nhà văn phải tạo ra được tình huống có thể biểu lộ được nhiều đặc tính có tính chất chủ đạo trong mỗi cá nhân. Để thể hiện sâu sắc cuộc đời, số phận của nhân vật, Lê Lựu đã đặt nhân vật của mình vào các tình huống trong các mối quan hệ hôn nhân và gia đình, trong tương quan với chính mình.

Trong quan hệ hôn nhân và gia đình bằng việc đặt nhân vật vào những tình huống đầy kịch tính, Lê Lựu muốn để nhân vật được bộc lộ một cách rõ nét, qua đó cũng giúp cho người đọc có được cái nhìn đầy đủ hơn về hiện thực cuộc sống rất phức tạp đang diễn ra. Nhà văn phát hiện ra rằng trong không gian hẹp (không gian gia đình), nổi lên biết bao vấn đề mang tính xã hội: có tảo hôn, mâu thuẫn, ép duyên, li dị…Tác giả quan tâm đến những bất hạnh trong gia đình mà nguyên nhân cơ bản nhất là hôn nhân không có tình yêu. Ý thức tự nhìn lại mình trong quan hệ hôn nhân gia đình của nhân vật được thể hiện rõ nét.

71

Ở tác phẩm Thời xa vắng, những xung đột liên tiếp xảy ra giữa khát vọng của cá nhân với ý chí của số đông thông qua những mâu thuẫn dai dẳng trải dài suốt đời một con người. Lê Lựu đã để cho nhân vật Sài vào tình huống trớ trêu: bị ép lấy vợ khi còn là đứa trẻ. Tình huống đó dẫn đến bi kịch trong cuộc đời Sài. Thành công của Lê Lựu trong tác phẩm này là ở chỗ “tác giả biết tạo ra các tình huống đặc sắc, đó là mê cung tình ái mà Giang Minh Sài rơi vào, mắc phải từ lúc buộc phải lấy vợ hơn tuổi. Kết quả của cuộc hôn nhân ép buộc đã đưa Sài đến bi kịch giữa hai bờ buồn - vui, được - mất. Anh phải sống thành hai con người, con người của công chúng và con người của riêng mình. Có nhiều tình huống bất ngờ và kịch tính, chẳng hạn khi chuyện "trai gái" giữa Sài - một người đã có vợ - và Hương bị phát hiện, ông Hà - chú của Sài chỉ bằng một thao tác nhẹ nhàng nhưng "chuyên nghiệp" đã lật ngược được tình thế. Bằng sự từng trải và kinh nghiệm, ông đã vô hiệu hoá mọi dư luận, lấy "độc" để trị "độc". Chưa hết, ở Thời xa vắng, chúng ta còn bắt gặp những "nút thắt" đầy bất ngờ của tình huống truyện được đẩy lên cao độ khi Sài cố "yêu vợ" để được kết nạp Đảng. Hiểu và Hiền buộc Sài phải yêu vợ, bởi lý lịch của Sài chỉ có một nỗi khúc mắc là chưa thể hiện "yêu vợ" bằng "hành động". Thế là Sài "đã yêu vợ bằng hành động" theo ý muốn của các thủ trưởng. Thế nhưng đáng buồn thay, kết quả của hành động "cố gắng" ấy, Sài vẫn không được kết nạp Đảng vì lý lịch gia đình vợ có vấn đề. Anh cũng đã ý thức được mình vì một lần nhu nhược đã nuôi nỗi đắng cay suốt cả cuộc đời. Trong lúc đó, Hương lại căm giận Sài, căm giận một con người bội bạc. Vì vậy, cô đi lấy chồng. Bao nhiêu đau đớn dồn dập cùng đến một lúc nhưng "anh không thể phát điên, không thể nổi khùng, không thể nằm ỳ, không thể nói năng vô trách nhiệm và thiếu tổ chức". Trong tình huống đó, Sài vẫn biết nhận thức về hoàn cảnh của mình “người tôi yêu không bao giờ tới được, kẻ tôi ghét không được phép tránh xa”. Sang phần hai, người đọc lại tiếp tục hồi hộp

72

lo lắng dõi theo số phận của nhân vật bởi những đổ vỡ rình rập, bi kịch nối tiếp bi kịch. Tác giả đã tạo ra những tình huống gay cấn, bất ngờ, tạo dựng những tình thế, những hoàn cảnh khác biệt để nhân vật được sống, được hạnh phúc, được đau khổ, được trải nghiệm. Từ một con người đứng trên vị trí của đỉnh vinh quang, Sài bước vào cuộc sống thường nhật với niềm hăm hở, tràn đầy niềm tin. Thế nhưng anh lại quáng quàng chạy theo những gì "không phải

của mình", không thuộc về mình yêu và lấy Châu – một cô gái thành thị

“sống thoáng”. Do vậy, Sài trở thành kẻ phục tùng, thành kẻ nô lệ đáng thương. Đứa con mà bấy lâu Sài yêu thương chăm bẵm lại không phải là của anh. Châu - vợ anh trước toà đã "bất ngờ" cho anh biết sự thật đau đớn. Hạnh phúc mà anh có là kết quả của sự ngờ nghệch, vội vàng. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự chia lìa trong cuộc sống sau này mà nhiều lúc anh thấy khó chịu đến nghẹt thở, nhưng cũng phải nén…Ở mỗi tình huống, Sài đều có những dằn vặt suy nghĩ, những đấu tranh trong tư tưởng để vươn tới những giá trị tốt đẹp hơn.

Tiểu thuyết Sóng ở đáy sông tác giả đã để cho Núi - nhân vật chính rơi vào tình huống trớ trêu: yêu Hiền - người cô họ đã bảy đời trước quan niệm lỗi thời như một luật lệ nghiêm ngặt của những người thân, của dân làng: họ không thể lấy nhau được vì Hiền là cô Núi. Để rồi từ đó đi sâu khai thác những bi kịch và sự tha hóa trong cuộc đời của nhân vật Núi. Tiếp đó Lê Lựu lại tập trung khai thác cuộc đời với một chuỗi những bi kịch của Núi trước các tình huống đó là: thái độ vô cảm, ý chí sắt đá lạnh lùng của người cha đối với con. Tác giả đã tạo ra những tình huống bất ngờ khiến cho người đọc không khỏi tò mò muốn biết về mối quan hệ cha con diễn biến như thế nào, hậu quả ra sao khi người làm cha là kẻ vô trách nhiệm. Vợ chết, cha của Núi tuyên bố cắt khẩu phần lương thực mà khi còn sống người vợ đã đong thêm cho các con. Đứa nào học đúp thì tự nuôi lấy thân, ông không thể chấp nhận cho việc

73

học đúp dù bất kỳ lí do gì. Khi bất ngờ biết Núi bỏ học để kiếm sống nơi bến tàu có liên quan đến những kẻ gian, ông không cần suy nghĩ lấy một giây, lập tức từ để hắn không thể làm ô danh đến ông. Từ đấy, ông hoàn toàn vô cảm trước bất kỳ một sự kiện nào của cuộc đời hắn, thậm chí, ông còn viết đơn xin toà án nâng mức án của hắn thành tù chung thân. Ông có tiền cho vay khắp nơi nhưng keo kiệt bủn xỉn với chính con cháu của mình. Tính cách của người bố đã tác động sâu sắc đến những cảm xúc và suy nghĩ của người đọc, giúp họ tìm thấy căn nguyên mọi tội lỗi của Núi. Vì vậy, dù tác giả viết về cuộc đời của một tên "ăn cắp" nhưng người đọc không ghét mà còn cảm thông, đau xót cho hắn, đồng thời phẫn nộ về trách nhiệm của kẻ làm cha làm mẹ. Thông qua những tình huống truyện gay cấn, nhà văn đã khéo léo phân tích cho chúng ta thấy những mặt tốt đẹp ở trong con người tưởng là kẻ "bỏ đi" ấy. Núi từ một cậu bé hiền lành chăm chỉ dễ thương trở thành kẻ ăn cắp, kẻ "nghiện" áo tù....Những tình huống bất ngờ nối tiếp nhau khiến cho người đọc bị cuốn vào câu chuyện. Chúng ta băn khoăn không biết rồi nhân vật sẽ đi đến đâu, cái gì đang chờ đợi phía trước một con người mà cả cuộc đời vào tù ra tội như Núi? Sự hấp dẫn của truyện, một phần lớn nhờ vào cách tạo dựng tình huống ấy.

Tiểu thuyết Chuyện làng Cuội so với hai truyện kia có phần dày hơn. Truyện mở đầu bằng tình huống: cái chết bí ẩn của bà Đất tại làng Cuội, từ đó mở ra những trang đời nhiều gam màu trầm tối bởi những lừa gạt, oan ức, nhục nhã, đau khổ chồng chất của người phụ nữ bất hạnh này. Tác giả tạo ra những tình huống truyện căng thẳng, những xung đột mạnh mẽ để nhân vật được thể nghiệm hết những cung bậc của tình cảm, suy nghĩ. Người đọc băn khoăn vì đâu mà người đàn bà xấu số ấy nhận lấy một kết quả thê thảm như vậy? Cái gì đã khiến cho con trai bà, "ngọn lửa chiếu sáng" trở thành "ngọn lửa hung tàn" thiêu cháy cuộc đời bà? Những chuyện tình nối tiếp chuyện tình mà nhà văn đặt tên là chuyện tình thứ nhất, chuyện tình thứ hai...khiến cho tác

74

phẩm mang đậm chất "tiểu thuyết" hơn. Sáu câu chuyện tình xảy ra ở làng Cuội trở thành những bộ phận tạo nên kết cấu tác phẩm. Mỗi câu chuyện có vẻ như tồn tại độc lập, chẳng liên quan gì đến nhau nhưng thực chất lại liên quan một cách chặt chẽ. Mỗi chuyện tình đi qua, cuộc đời người đàn bà "hiền như đất" ấy càng rơi vào bi kịch. Đặc biệt, chọn cái chết của bà Đất mở đầu cho tác phẩm, nhà văn đã đảo ngược sự quan tâm của người đọc dành cho tác phẩm. "Vấn đề họ cần biết không phải là kết thúc bằng cách nào mà là mọi

chuyện bắt đầu từ đâu?” để rồi từ đó dõi theo khám phá. Trong Hai nhà Lê Lựu đã đưa chúng ta về một góc nhỏ với những tình

huống xoay quanh mối quan hệ của “hai nhà” là gia đình ông Tâm (ở gian số 5) và gia đình ông Địa (ở gian số 6) trong khu tập thể 6 gian. Tâm và Địa, hai con người, hai hoàn cảnh, hai công việc khác nhau nhưng cùng chung số phận và đều rơi vào tình huống: bị vợ coi thường phản bội, cam chịu thân phận là “chân sai vặt”, “chồng hờ” khiến người đọc không khỏi xót xa, đau đớn trước sự suy thoái của đạo đức, lối sống của một lớp người trong xã hội. Vợ ông Địa là bà Nhân, người phốp pháp, da đen, tại sao lại bị người ta gọi bà là “Đĩ đen”, về sau gọi chệch đi là “Di đen”? Dưới ngòi bút của Lê Lựu, đi sâu tìm hiểu người đọc nhận ra tên gọi ấy bởi bà là “đĩ cao cấp”, bà có thể ăn nằm với tất cả mọi người đàn ông trên đời, từ thằng trẻ ranh, đến ông tổng giám đốc công ty…Bởi bà có một “phong độ yêu đương rất bốc lửa”. Ba đứa con của bà Nhân, không đứa nào là con ruột của ông Địa. Còn ông, thì “thành thục trong một thói quen dịu dàng, lịch sự như một thằng đần, ngu hoặc bị bệnh tâm thần nặng, cho vợ ăn nằm với kẻ khác…Vì sau những lần cãi chửi nhau, rốt cuộc ông cũng là người mắc nhiều khuyết điểm”. Khi rơi vào tình huống trên ông Địa nhận ra một điều: mình muốn là kẻ chiến thắng những con đàn bà như vợ mình thì phải nhẫn nhục, kiên trì, lặng lẽ kiếm tìm một con đàn bà khác còn sức lực, còn nhan sắc trước mặt con vợ tàn phai, kiệt quệ của mình, thì mới là thằng đàn ông có trí lực

75

cao cường”. Ông chủ động là kẻ yếu thế, biết hết mọi chuyện mà coi như không biết gì, kể cả có chường trước mặt, có hét vào mang tai ông cũng coi như mình là kẻ vừa mù, vừa điếc. Gần hết cả đời người, ông vẫn đủng đỉnh, tự tin vào cách xử sự của mình, vẫn như đang nuôi một mục đích gì lớn lao, mà sự nông nổi của bà vợ không thể biết được. Sự nhẫn nhục hèn mạt mà ông chịu đựng đến mức người ngoài cũng phải nổi cáu, khinh ông ra mặt, ông cũng coi như không biết gì cả [118, tr. 137]. Để rồi cuối cùng người đọc không khỏi ngỡ ngàng trước tình huống ông Địa đã làm cái việc mà không ai nghĩ đến: ngủ với vợ của Tâm – người em kết nghĩa với những đau đớn, dằn vặt được đúc kết từ cuộc đời của ông được giãi bày trong bức thư tuyệt mệnh gửi cho Tâm trước khi tìm đến cái chết với 267 viên thuốc ngủ.

Qua những tình huống xoay quanh bi kịch của Sài, bà Đất, Núi, Tâm,…nhà văn muốn đặt ra một vấn đề hôn nhân hạnh phúc phải bắt nguồn từ tình yêu tự do, từ ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi thành viên. Mỗi người phải sống thật với lòng mình và biết tự quyết định hạnh phúc của mình. Sự hèn nhát, nhu nhược thiếu bản lĩnh của người đàn ông cũng có thể dẫn đến những tình huống và bi kịch đau đớn trong gia đình. Có thể nói, khi đọc tác phẩm của Lê Lựu, chúng ta thường nơm nớp lo sợ, hồi hộp cho số phận của nhân vật khi đứng trước những tình huống trớ trêu. Đã mở những trang sách đầu tiên thì không thể gấp sách lại mà phải tiếp tục đọc, tiếp tục theo dõi diễn biến câu chuyện. Có được điều này là do tác giả đã khéo léo xây dựng những tình huống truyện độc đáo, bất ngờ.

Một phần của tài liệu Nhân vật và người kể chuyện trong tiểu thuyết Lê Lựu ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 75 - 80)