Xã là địa bàn, là nơi sinh sống, lao động, sản xuất của trên 80% dân số nước ta và chủ yếu là nông nghiệp, xã là đơn vị hành chính cấp cơ sở, là nơi có chính quyền Nhà nước cấp cơ sở do dân bầu, hoạt động gần dân nhất; là nơi chính quyền cùng với nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng nền tảng của xã hội và cũng là nơi mà nhân dân thể hiện được quyền làm chủ của mình trực tiếp nhất, rõ ràng nhất.
Với tư cách là cơ quan đại diện cho nhân dân ở xã, HĐND xã có vai trò quan trọng trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trước hết là HĐND xã nằm ở cấp chính quyền gốc, là cầu nối giữa nhân dân với Nhà nước là khâu cuối cùng quyết định trong việc tổ chức thực hiện đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
HĐND là sản phẩm của dân chủ nó ra đời phát triển và tồn tại là vì mục đích dân chủ. Chính vì thế vai trò của nó trong việc đảm bảo quyền dân chủ cho nhân dân là vấn đề không phải bàn cãi. Tuy nhiên hệ thống các cơ quan dân cử ở nước ta có bốn cấp (Quốc hội và HĐND tỉnh, huyện, xã) thì ở mỗi cấp khác nhau tuỳ vào chức năng, nhiệm vụ của nó mà vai trò của các cơ quan này đối với việc bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ta cũng khác nhau.
Đối với HĐND xã đó là nơi chính quyền gắn bó, liên hệ tiếp xúc mật thiết với nhân dân, là nơi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời cũng là nơi mà nhân dân có thể nhận thức trực tiếp về hoạt động của Nhà nước và thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động của chính quyền. HĐND xã nằm ở chính quyền cơ sở là một cấp trong hệ thống chính quyền bốn cấp của bộ máy nhà nước ta, nhưng nó lại là cấp gắn bó trực tiếp với đời sống của nhân dân địa phương cho nên nó vừa mang tính Nhà nước, vừa mang tính tự quản của cộng đồng cơ sở. Do đó HĐND xã là tổ chức có sự kết hợp giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, thể hiện quyền làm
chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy mà HĐND xã là một cơ quan quan trọng trong hệ thống chính trị nước ta thể hiện sâu sắc bản chất của Nhà nước ta là cơ quan không thể thiếu được trong sự nghiệp phát triển dân chủ ở cơ sở.
HĐND xã là công cụ của nhân dân, do nhân dân trực tiếp bầu ra để đại diện nhân dân quản lý các hoạt động trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, an ninh, quốc phòng tại địa bàn cơ sở. Do đó HĐND xã có vai trò định hướng cho sự phát triển của dân chủ cơ sở thông qua chức năng quy định của mình. Trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật và các văn bản pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên, xuất phát từ nhu cầu điều kiện cụ thể của địa phương mình, trong phạm vi chức năng quyền hạn theo luật định, HĐND quyết định các chủ trương, biện pháp quan trọng nhằm xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương thông qua các Nghị quyết của HĐND.
Ngoài ra để thực hiện tốt hơn quyền dân chủ của nhân dân ở địa phương HĐND xã còn có thể có quyền tự quyết các vấn đề của địa phương mình trên cơ sở các ý kiến và nguyện vọng của nhân dân với điều kiện các ý kiến, nguyện vọng đó phù hợp với Hiến pháp và pháp luật. Trên thực tế HĐND xã không chỉ quyết định các vấn đề của mình mà cần phải tạo cho nhân dân quyền tự chủ, sáng tạo trong việc tham gia ý kiến về tất cả các vấn đề ở địa phương cũng như những vấn đề có liên quan đến quyền dân chủ của nhân dân ở các cấp, các ngành khác. Tuy nhiên vấn đề ở đây là HĐND phải giữ vai trò là cơ quan định hướng cho sự phát triển của cơ sở và trong việc giao quyền tự quản và tự chịu trách nhiệm cho nhân dân địa phương trước chính quyền Nhà nước.
Khi Quy chế thực hiện dân chủ ở xã ra đời ngày 2/8/2003, HĐND với tư cách là cơ quan quyền lực ở địa phương, cơ quan đại diện cho nhân dân ở xã, HĐND xã thực hiện vai trò, kiểm tra giám sát việc thực hiện quy chế thực hiện dân chủ ở xã, cũng như các quy định của HĐND về vấn đề dân chủ ở cơ sở. Đối tượng thuộc quyền giám sát của HĐND ở xã là các cơ quan Nhà
nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và cả nhân dân địa phương. Cũng chính từ những hoạt động này đã tạo ra một cơ chế kiểm tra và giám sát lẫn nhau, giữa HĐND và UBND xã; không chỉ có một phía là HĐND giám sát nhân dân mà nhân dân cũng có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của HĐND để đảm bảo cho hoạt động của HĐND thực sự vì quyền dân chủ của nhân dân. Quy chế thực hiện dân chủ ở xã quy định cụ thể 14 việc chính mà chính quyền xã phải có trách nhiệm và thông tin kịp thời cho dân biết; nêu 5 điểm mà nhân dân ở xã, thôn được bàn và quy định trực tiếp, 9 việc mà nhân dân được thảo luận đóng góp ý kiến trước khi chính quyền xã quyết định và đặc biệt Quy chế quy định cụ thể 11 điểm mà nhân dân ở xã có quyền giám sát kiểm tra (điểm 12). Qua đó quy định quyền giám sát của nhân dân đối với HĐND và đại biểu HĐND. Còn đối với HĐND, Chủ tịch HĐND phải có trách nhiệm gửi cho trưởng thôn bản kiểm điểm công tác phê và tự phê tại cuộc họp tổng kết hàng năm để trưởng thôn tổ chức cho nhân dân đóng góp ý kiến. Cũng qua việc giám sát nhân dân có quyền thực thi quyền bãi nhiệm, miễn nhiệm đối với những đại biểu HĐND thiếu năng lực, phẩm chất đạo đức kém và không còn được nhân dân tín nhiệm.
Trước xu thế phát triển của quá trình dân chủ hoá xã hội và trong bối cảnh sinh hoạt dân chủ sôi động ở cơ sở như hiện nay, chúng ta thấy rằng, HĐND xã dù ở vai trò là một cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương hay là cơ quan đại diện cho nhân dân ở xã thì nó cũng có vai trò to lớn trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ở nhiều nơi với nhiều hình thức đa dạng và phong phú, HĐND đã công khai cho dân biết việc hoạt động cụ thể của mình, kỳ họp HĐND xã được truyền thanh trực tiếp để nhân dân theo dõi. Nhiều xã thực hiện thông báo công khai nội dung chương trình kỳ họp đến tận nhân dân và mời đại diện các thôn, xóm đại diện các đoàn thể tới dự kỳ họp của HĐND. Qua đó nhân dân và HĐND có thể giải quyết kịp thời các vướng mắc của dân, không để phát sinh thêm những tình hình phức tạp.
Từ sự phát triển trên chúng ta có thể khẳng định rằng: Là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong xã, HĐND xã phải đóng vai trò quyết định trong việc triển khai Quy chế thực hiện dân chủ ở địa phương mình. Theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn do pháp luật quy định để đảm bảo thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, HĐND xã có trách nhiệm:
- Ra nghị quyết về việc triển khai Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, trong đó giao nhiệm vụ cho UBND xã, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể từ xây dựng phương án, chuẩn bị cơ sở vật chất đến khâu tuyên truyền, giáo dục …
- Thực hiện quyền giám sát các hoạt động của UBND, của các tổ chức liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, giám sát các hoạt động khác liên quan đến việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, phát hiện những sai lệch hay vi phạm để có giải pháp buộc người vi phạm phải khắc phục hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo pháp luật.
- Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của HĐND hướng vào việc xây dựng môi trường thuận lợi để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt các quy định cụ thể của Quy chế thực hiện dân chủ ở xã.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng một nền hành chính hiện đại, trong sạch, vững mạnh, năng động, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, hướng vào phục vụ nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân để nhân dân có thể thực hiện tốt nhất quyền làm chủ của mình.
Nhìn chung, với vai trò của mình trong những năm vừa qua HĐND xã đó có những đóng góp to lớn cho quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên trên thực tế do nhiều nguyên nhân khác nhau, hoạt động cũng như vai trò của HĐND ở nhiều nơi vẫn còn nhiều bất cập. Thậm chí có nơi còn vi phạm nghiêm trọng đến quyền làm chủ của nhân dân. Điều đó cho thấy những vấn đề bức xúc cần phải giải quyết để nâng cao chất lượng của hệ thống chính
trị ở cơ sở mà cụ thể là đổi mới về tổ chức và hoạt động của HĐND xã để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở hiện nay.
Chương 2