Nguyên nhân của những yếu kém, tồn tại trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân xã ở Nam Định hiện nay

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND xã đáp ứng yêu cầu thực hiện dân chủ 2 cơ sở ở Nam Định hiện nay (Trang 88 - 92)

hoạt động của Hội đồng nhân dân xã ở Nam Định hiện nay

Nếu xét một cách tổng thể, so sánh tổ chức và hoạt động của HĐND xã ở Nam Định so với các địa phương khác trong cả nước hiện nay, đặc biệt là so với nhiệm kỳ 1999 - 2004 và thời điểm trước khi có Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 (sửa đổi) ra đời. Có thể khẳng định tổ chức và hoạt động của HĐND xã ở Nam Định đã có những tiến bộ đáng kể, góp phần không nhỏ vào việc ổn định tình hình chính trị ở cơ sở cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của tỉnh. Tuy vậy bên cạnh những thành tựu đã đạt được HĐND xã vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, đặc biệt là tính hình thức và kém hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của HĐND xã. Qua việc tiếp xúc với

người dân, với các đại biểu HĐND và qua thực tiễn tổ chức và hoạt động của HĐND xã trong thời gian qua ở Nam Định có thể rút ra một số nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, bất cập như sau:

Thứ nhất, sự bất cập của các văn bản pháp luật hiện hành.

Có thể nói từ khi Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 (sửa đổi) ra đời thì vấn đề bất cập trong tổ chức và hoạt động của HĐND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của HĐND dường như đã được giải quyết, Luật mới không còn quy định chức năng thẩm quyền của HĐND và UBND một cách chung chung nữa mà đã xác định chức năng, thẩm quyền của từng cấp trong từng lĩnh vực một cách khá rõ ràng, cụ thể theo hướng nhằm phân định giữa chúng. Thêm vào đó theo Luật mới thì tính chất tự quản, đại diện và cả tính chất quyền lực của cơ quan Nhà nước của HĐND đều được nâng cao hơn nhiều so với trước.

Tuy vậy trong thực tế gần ba năm thực hiện Luật tổ chức HĐND và UBND ở tỉnh Nam Định đã cho thấy nhiều điểm trong pháp luật hiện hành vẫn quy định một cách chung chung, chưa đủ cụ thể và sát hợp với ba cấp của HĐND. Đặc biệt là đối với HĐND cấp xã, pháp luật hiện hành cũng chưa thể hiện được một cách cụ thể chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng hiện nay là dành sự quan tâm đặc biệt cho HĐND cấp xã. Tính chất đặc điểm cũng như cơ cấu tổ chức của HĐND xã có nhiều điểm khác biệt so với cơ cấu tổ chức của HĐND cấp tỉnh và huyện, các công việc cần phải giải quyết cũng nhiều hơn, sinh động hơn nhưng HĐND xã lại không có uỷ viên thường trực và các Ban của HĐND để giải quyết. Ví dụ trong năm 2005 số đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân gửi đến HĐND các cấp cần phải giải quyết là 933 trường hợp, trong đó ở cấp xã là 508 trường hợp, cấp huyện là 347 trường hợp, còn cấp tỉnh là 78 trường hợp. Kết quả số đơn thư khiếu nại, tố cáo được giải quyết ở cấp tỉnh là 86,6%, cấp huyện là 73,4%, còn ở cấp xã là 70,7%. Số liệu trên cho ta thấy khả năng giải quyết các vấn đề ở địa phương của HĐND

xã còn yếu hơn HĐND cấp tỉnh, huyện. Trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân là do thiếu các chế tài của pháp luật để giải quyết.

- Thứ hai, sự bất cập trong cơ cấu, tổ chức và sự yếu kém về trình độ, năng lực của đại biểu HĐND và của đội ngũ thường trực HĐND.

Đối với đại biểu HĐND xã nói chung trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn rất thấp. Theo thống kê số đại biểu HĐND xã chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ của tỉnh Nam Định hiện nay là 4337 đại biểu chiếm 72,5% tổng số đại biểu HĐND xã, có 2204 đại biểu mới học hết THCS, cá biệt có 47 đại biểu mới chỉ học hết cấp I. Đối với một tỉnh có trình độ dân trí cao như ở Nam Định mà trình độ của đại biểu HĐND xã như vậy thì thực sự chưa đáp ứng được yêu cầu, gây khó khăn cho việc thực hiện công tác đại biểu. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm năng lực quyết định và giám sát các công việc ở địa phương của HĐND.

Vấn đề kiêm nhiệm của đại biểu HĐND xã tuy đã được khắc phục, giảm bớt so với nhiệm kỳ trước nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, đa số đại biểu vẫn là cán bộ của UBND xã, cán bộ chủ chốt của các đoàn thể và Đảng viên. Điều này làm cho việc bàn bạc, quyết định cũng như việc chấn vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND xã trở nên kém hiệu quả.

- Thứ ba, việc đổi mới phương thức hoạt động của HĐND xã ở tỉnh Nam Định còn tiến hành một cách chậm chạp, thiếu nhất quán, sự quan tâm của các cơ quan Nhà nước cấp trên đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho đại biểu HĐND xã về các kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động của đại biểu còn nhiều hạn chế.

Cho đến nay thường trực HĐND tỉnh mới chỉ phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức được một đợt tập huấn cho đại biểu HĐND xã ở tỉnh. Gần đây, ngày 02 tháng 4 năm 2005, UBTV Quốc Hội đã thông qua Nghị quyết số 753/NQ- UBTVQH11 về việc ban hành Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005. Quy chế đã có hiệu lực được hơn một năm nay nhưng hầu hết các đại biểu HĐND

xã chưa được tiếp xúc, tìm hiểu và nghiên cứu quy chế mới này, điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực hoạt động cũng như sự hiểu biết của đại biểu HĐND trong quá trình tổ chức và tham gia các hoạt động của HĐND.

- Thứ tư, sự thiếu thốn về cơ sở, vật chất, điều kiện làm việc và chế độ chính sách đối với đại biểu HĐND xã.

HĐND xã ở tỉnh Nam Định hiện nay không có trụ sở làm việc riêng, kinh phí hoạt động lại phụ thuộc vào UBND xã. Cho nên việc tiếp công dân và giữ mối liên hệ thường xuyên giữa các đại biểu gặp rất nhiều khó khăn. Việc cung cấp báo chí, thông tin cần thiết khác cho đại biểu HĐND theo quy định cũng chưa được thực hiện đầy đủ do thiếu kinh phí. Theo quy định mới nhất của pháp luật hiện nay mức hoạt động phí hàng tháng của đại biểu HĐND cấp xã bằng hệ số là 0,3 mức lương tối thiểu, tức là bằng 105 ngàn đồng 1 tháng. So với mức 28.000đ/tháng như trước đây đã tăng lên rất nhiều nhưng thực sự nó chưa thể đáp ứng được với yêu cầu của thực tế, khiến các đại biểu HĐND không thể chuyên tâm dành hết trí lực ra để thực hiện nhiệm vụ của mình mà phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác để sinh sống.

- Thứ năm, nhiều người dân cũng như một số cơ quan có trách nhiệm đối với tổ chức và hoạt động của HĐND xã chưa thực sự ý thức được tầm quan trọng của HĐND xã trong quá trình xây dựng nền dân chủ và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Do từ trước đến nay hoạt động của HĐND xã còn nhiều hạn chế và kém hiệu quả cho nên nhiều người dân khi muốn bảo vệ quyền lợi của mình lại không tìm đến HĐND vì cho rằng HĐND sẽ không giải quyết được mà chỉ làm công việc chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền. Còn đối với các cơ quan Nhà nước cấp trên đôi khi vẫn chưa thực sự có thái độ đúng mực đối với hoạt động của HĐND xã, có nơi, có lúc còn xảy ra tình trạng thiếu kỷ cương, có nhiều nội dung mà HĐND xã kiến nghị lại không được UBND và các cơ quan tổ chức khác tôn trọng thực hiện, vô hình chung đã làm giảm hiệu quả tiếng nói của

HĐND xã. Điều đó sẽ dẫn đến việc xem nhẹ vai trò của HĐND xã làm cho HĐND xã ngày càng yếu đi trong các tổ chức lẫn hoạt động của mình.

Tóm lại, tổ chức và hoạt động của HĐND xã ở Nam Định hiện nay bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn những hạn chế nhất định, những hạn chế, khuyết điểm đó có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, các nguyên nhân đó không thể giải quyết một sớm, một chiều mà cần phải có phương hướng và biện pháp đúng đắn, phù hợp, kịp thời, thường xuyên và lâu dài mới có thể khắc phục được.

Chương 3

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND xã đáp ứng yêu cầu thực hiện dân chủ 2 cơ sở ở Nam Định hiện nay (Trang 88 - 92)