Khái niệm về dân chủ

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND xã đáp ứng yêu cầu thực hiện dân chủ 2 cơ sở ở Nam Định hiện nay (Trang 41 - 46)

Dân chủ là một khái niệm đa nghĩa, phức tạp nó xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử, từ thời cổ đại ở Hy Lạp xuất hiện thuật ngữ Demokratia trong đó Demos là dân chúng, nhân dân, Kratos là cai trị, quyền lực. Như vậy với nguyên nghĩa của từ dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân, quyền lực của nhân dân, dân chủ là sự cai trị của nhân dân.

Ngày nay dưới nhiều góc độ khác nhau, khái niệm dân chủ được khai thác ở nhiều khía cạnh:

Một là, dân chủ là một khái niệm mang ý nghĩa chính trị, tuy có mầm mống trong xã hội nguyên thuỷ (dân chủ quân sự), nhưng nó xuất hiện đầy đủ như một chế độ chính trị trong xã hội có giai cấp. Ở phương diện này, tính chất của dân chủ tuỳ thuộc vào chỗ quyền lực chính trị thuộc về tay giai cấp nào. Thực chất đó sự tập trung quyền lực chính trị vào tay giai cấp cầm quyền. Chính vì vậy nếu có các chế độ dân chủ nô, dân chủ tư sản, dân chủ vô sản (dân chủ XHCN).

Hai là, dân chủ được hiểu là một chế độ nhà nước, như V.I.Lênin quan niệm: Chế độ dân chủ là một hình thức nhà nước, trong đó nổi bật lên mối quan hệ giữa Nhà nước với dân, quan hệ giữa những người dân được điều tiết bởi hệ thống pháp luật, đó là thể chế nhà nước.

Ba là, dân chủ là sự phản ánh trạng thái, mức độ giải pháp con người trong tiến trình phát triển của xã hội. Nó thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân, được quy định trong luật pháp Nhà nước cũng như được thể hiện trong cuộc sống. Ở phương diện này dân chủ thể hiện thực chất mối quan hệ giữa con người với con người được duy trì theo quan niệm và nguyên tắc bình đẳng. Ở đây dân chủ là một giá trị nhân văn, đánh dấu mức độ của việc giải phóng con người trên tiến trình phát triển của xã hội.

Bốn là, dân chủ là sự biểu thị thành quả của cuộc đấu tranh giữa một bên là những người lao động và một bên là giai cấp bóc lột. Vì vậy, dân chủ không chỉ đơn thuần là quyền lực, lợi ích thuộc về giai cấp cầm quyền mà nó còn là phần quyền lực, lợi ích của đông đảo nhân dân do chính họ giành được trong cuộc đấu tranh. Ở đây dân chủ là một tương quan xã hội, là sản phẩm là mục tiêu của các cuộc đấu tranh giai cấp.

Năm là, dân chủ còn được hiểu với tư cách là một nguyên tắc, phương thức hoạt động, một tổ chức chính trị - xã hội hay một chế độ chính trị nào đó.

Ở phương diện này dân chủ như là một tiêu chuẩn để khẳng định tính hợp pháp về quyền lực của các cơ quan, tổ chức thông qua việc bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp hoặc nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Ở đây dân chủ sẽ được sử dụng để nhân dân phát huy quyền bãi miễn đối với những người không còn được tín nhiệm.

Sự phân định trên thực chất chỉ là những cách tiếp cận khác nhau về dân chủ, chỉ là sự phản ánh các phương diện này hay phương diện khác của dân chủ ở những góc độ khác nhau. Chính vì thế chưa quan niệm nào được xem là đúng nghĩa và đầy đủ nhất cho khái niệm dân chủ. Tuy nhiên dù tiếp cận dân chủ ở góc độ nào thì hầu hết các nhà nghiên cứu cũng như đại bộ phận dân cư trên thế giới hiện nay đều có một cách nhìn nhận khá thống nhất về dân chủ ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất, dân chủ bao giờ cũng gắn liền với khái niệm “nhân dân” thể hiện nguyện vọng, ý chí và lợi ích của họ. Do vậy khái niệm dân chủ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc xác định khái niệm “nhân dân”. Bởi vì khái niệm “nhân dân”, “quyền lực”, “dân chủ” nó có tính lịch sử của nó, ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau thì việc xác định khái niệm “nhân dân” cũng khác nhau tuỳ thuộc vào cách nhìn nhận của giai cấp thống trị xã hội và như vậy nhân dân luôn được coi là nguồn gốc và là chủ thể của quyền lực nhà nước.

Thứ hai, dân chủ gắn liền với pháp luật, pháp chế và quyền lực nhà nước, vì tư tưởng dân chủ được thể hiện thành quyền tự do của con người là nhờ vào hệ thống pháp luật của Nhà nước. Không có pháp luật thì cũng không có các quyền và cũng không có khái niệm dân chủ vì pháp luật nó xác định giới hạn và phạm vi của dân chủ, tự do. Giới hạn này được xác định cụ thể trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia.

Thứ ba, dân chủ luôn được coi là mục tiêu là quy luật để phát triển xã hội, để bảo vệ xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước. Trong lịch sử bất cứ chế độ nào muốn tồn tại và phát triển đều phải giương cao ngọn cờ dân chủ. Cả

trong lúc đấu tranh giành chính quyền và cả trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước. Do vậy một chế độ dân chủ chính trị được coi là dân chủ khi nó đáp ứng được những yêu cầu sau đây: “Nhân dân được coi là nguồn gốc và chủ thể của quyền lực Nhà nước; Các cơ quan quyền lực phải được nhân dân bầu hoặc bãi miễn thông qua bầu cử tự do, bình đẳng, và bỏ phiếu kín; Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, các thể chế chính trị và Nhà nước phải lập hiến, hợp pháp quản lý xã hội bằng pháp luật, sự ngự trị tối cao của pháp luật, không tập trung hoặc tuyệt đối hoá quyền lực vào bất kỳ một chủ thể quyền lực nào, thực hiện nguyên tắc phân quyền, tản quyền; Nhà nước thực thi quyền lực một cách công cộng và công khai; Nhà nước phải phối hợp hoạt động với xã hội công dân, tạo điều kiện cho công dân tham gia rộng rãi vào quyết định công việc của Nhà nước, giám sát, phê bình hoạt động của Nhà nước; Nhân dân tiếp cân dễ dàng với các phương tiện thông tin đại chúng; Thiểu số phải phục tùng quyết định của đa số và đa số tôn trọng bảo vệ thiểu số”.

Như vậy nếu căn cứ vào những điều kiện trên thì chỉ có nền dân chủ XHCN mới có thể được xem là một chế độ dân chủ như V.I.Lênin đã viết: Chế độ dân chủ đó là một Nhà nước thừa nhận việc thiểu số phục tùng đa số, nghĩa là tổ chức bảo đảm cho một giai cấp thi hành bạo lực một cách có hệ thống chống lại một giai cấp khác.

Dân chủ XHCN là một quá trình phát triển biện chứng nó kế thừa những giá trị, kinh nghiệm về dân chủ mà loài ngoài đã tích luỹ được, chẳng hạn, nó tiếp thu những thành tựu của dân chủ tư sản như: quyền phổ thông đầu phiếu, bầu các cơ quan đại diện, chế độ báo cáo của cơ quan hành pháp trước cơ quan lập pháp, tự do cá nhân … nhưng dân chủ XHCN là một nền dân chủ khác về chất, nó được xây dựng trên những tiền đề mới. Nếu như cơ sở của nền dân chủ tư sản là chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất thì nền dân chủ XHCN được xây dựng trên cơ sở chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Do đó xét

về bản chất nó là nền dân chủ cao nhất trong lịch sử nhằm giải phóng loài người. Dân chủ XHCN có đặc điểm cơ bản là: Nền dân chủ cho nhân dân lao động, cho dân chúng số đông trong dân cư; là dân chủ thực sự, theo nghĩa là sự thống nhất giữa các quyền được ghi trong Hiến pháp, pháp luật với sự thực hiện trong thực tế, Nhà nước có nghĩa vụ tạo ra những điều kiện vật chất và tinh thần để công dân có thể thực hiện được dân chủ như luật định; là nền dân chủ toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.

Trên lĩnh vực kinh tế, trên cơ sở lực lượng sản xuất không ngừng phát triển mà quan hệ sản xuất XHCN từng bước được củng cố và hoàn thiện. Gắn liền với quá trình đó là việc không ngừng mở rộng và nâng cao quyền làm chủ của nhân dân về tư liệu sản xuất, quản lý sản xuất và quá trình phân phối. Làm chủ trên lĩnh vực kinh tế là cơ sở để đảm bảo quyền làm chủ trên các lĩnh vực khác.

Trên lĩnh vực chính trị: Việc hoàn thiện Nhà nước XHCN, trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường pháp chế XHCN, tạo được một trong những điều kiện căn bản nhất để nhân dân lao động tham gia vào công việc quản lý Nhà nước: Bầu cử, ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, tuyển chọn và bố trí đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước có phẩm chất đạo đức, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, thành thạo điều hành và giỏi giải quyết các công việc hàng ngày để phục vụ nhân dân tốt hơn, nhân dân tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống tệ quan liêu, thói cửa quyền và nạn tham nhũng.

Trên lĩnh vực văn hoá: Văn hoá thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, cho nên trình độ văn hoá của mỗi thành viên, của mỗi cộng đồng và của cả quốc gia, dân tộc vừa là thành tựu của nên văn hoá XHCN, vừa là động lực của quá trình xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN. Do đó việc xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những đặc trưng cơ bản của nền dân chủ XHCN của nước ta hiện nay.

Trên lĩnh vực xã hội: Mối quan hệ giữa các giai cấp và tầng lớp xã hội được điều tiết theo pháp luật của Nhà nước XHCN nhằm đáp ứng lợi ích của mọi tầng lớp nhân dân trên cơ sở đảm bảo lợi ích chung của cả quốc gia để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên động lực to lớn để xây dựng CNXH và hoàn thiện nền dân chủ XHCN.

Từ đây có thể thấy chỉ có nền dân chủ XHCN mới là nền dân chủ thực sự đảm bảo cho nhân dân lao động được giải phóng và phát triển toàn diện con người, đem lại cho họ quyền làm chủ cuộc sống, quyền sáng tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần của xã hội. Đó là nền dân chủ đã được phát triển đầy đủ trên cơ sở vật chất của CNXH mà hiện nay nó vẫn đang là mục tiêu, là định hướng của sự nghiệp cách mạng của nước ta cũng như toàn bộ nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND xã đáp ứng yêu cầu thực hiện dân chủ 2 cơ sở ở Nam Định hiện nay (Trang 41 - 46)