Phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân xã

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND xã đáp ứng yêu cầu thực hiện dân chủ 2 cơ sở ở Nam Định hiện nay (Trang 29 - 34)

Hoạt động của HĐND xã được thể hiện dưới ba hình thức.

+ Hoạt động tập thể của HĐND thông qua kỳ họp của HĐND là hình thức hoạt động chủ yếu của HĐND.

HĐND cấp xã họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Ngoài kỳ họp thường lệ, HĐND tổ chức các kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp bất thường theo đề nghị của Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc khi có ít nhất một phần ba tổng số đại biểu HĐND cùng cấp yêu cầu. Thường trực HĐND quyết định triệu tập kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân chậm nhất là 20 ngày, kỳ họp chuyên đề hoặc bất thường chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.

HĐND họp công khai khi cần thiết HĐND quyết định họp kín theo đề nghị của chủ toạ cuộc họp hoặc của Chủ tịch UBND cùng cấp.

Ngày họp, nơi họp và chương trình của kỳ họp HĐND phải được thông báo cho nhân dân biết, chậm nhất là năm ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.

Kỳ họp HĐND được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu HĐND tham gia.

Tham dự kỳ họp, ngoài đại biểu HĐND còn có: đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp trên đã được bầu ở địa phương, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người đứng đầu các đoàn thể nhân dân ở địa phương, đại diện cử tri, các đại biểu này chỉ được phát biểu ý kiến nhưng không được biểu quyết.

Các tài liệu cần thiết của kỳ họp HĐND cần được gửi đến đại biểu HĐND chậm nhất là năm ngày trước khi khai mạc kỳ họp.

Kỳ họp thứ nhất của mỗi khoá HĐND do Chủ tịch Hội đồng nhân dân khoá trước triệu tập và chỉ đạo cho đến khi HĐND bầu được Chủ tịch HĐND khoá mới.

Kỳ họp thứ nhất bầu ra:

- Chủ tịch HĐND trong số các đại biểu HĐND theo sự giới thiệu của Chủ toạ kỳ họp.

- Phó Chủ tịch HĐND trong số các đại biểu HĐND theo sự giới thiệu của Chủ tịch HĐND.

- Chủ tịch UBND trong số các đại biểu HĐND theo sự giới thiệu của Chủ tịch HĐND.

- Phó Chủ tịch và các thành viên khác của UBND theo sự giới thiệu của Chủ tịch UBND.

- Thư ký kỳ họp của mỗi khoá HĐND theo sự giới thiệu của chủ toạ kỳ họp.

- Đại biểu HĐND có quyền giới thiệu và ứng cử vào các chức danh trên.

Hình thức biểu quyết: giơ tay, bỏ phiếu kín hoặc bằng cách khác theo đề nghị của chủ toạ kỳ họp.

Nghị quyết của kỳ họp chỉ được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu HĐND biểu quyết tán thành.

Nghị quyết kỳ họp của HĐND cấp xã do Chủ tịch HĐND cấp đó ký và phải gửi cho thường trực HĐND cấp trên chậm nhất 10 ngày sau khi kết thúc kỳ họp.

+ Hoạt động của thường trực HĐND xã. Điều 5, Luật tổ chức HĐND và UBND quy định: HĐND các cấp có thường trực HĐND, tuy vậy chỉ có ở cấp tỉnh và huyện mới có thường trực HĐND chuyên trách, đó là uỷ viên thường trực, còn ở cấp xã thường trực HĐND gồm: Chủ tịch; Phó Chủ tịch HĐND.

Thường trực HĐND xã có trách nhiệm:

- Triệu tập và chủ toạ các kỳ họp của HĐND; phối hợp với UBND trong việc chuẩn bị kỳ họp của Hội đồng nhân dân;

- Đôn đốc, kiểm tra UBND cùng cấp và các cơ quan nhà nước khác ở địa phương thực hiện các nghị quyết của HĐND;

- Giám sát việc thi hành pháp luật tại địa phương;

- Điều hoà, phối hợp hoạt động của các Ban của HĐND, xem xét kết quả giám sát của các Ban của Hội đồng nhân dân khi cần thiết và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất; giữ mối liên hệ với các đại biểu HĐND; tổng hợp các chất vấn của đại biểu HĐND đến HĐND;

- Tiếp dân, đôn đốc, kiểm tra và xem xét tình hình giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để báo cáo tại kỳ họp của HĐND;

- Phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp,

- Trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo đề nghị của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân;

- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân quyết định việc đưa ra Hội đồng nhân dân hoặc đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân theo đề nghị của Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

- Báo cáo về hoạt động của Hội đồng nhân dân cùng cấp lên Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh báo cáo về hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp mình lên Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ;

- Giữ mối liên hệ và phối hợp công tác với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; mỗi năm hai lần thông báo cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp về hoạt động của Hội đồng nhân dân.

+ Hoạt động của đại biểu HĐND xã:

Đại biểu HĐND xã là người đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân địa phương, gương mẫu chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tham gia vào việc quản lý Nhà nước.

Nhiệm kỳ của đại biểu Hội đồng nhân dân mỗi khoá bắt đầu từ kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khoá đó đến kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khoá sau. Đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu bổ sung bắt đầu làm nhiệm vụ đại biểu từ kỳ họp sau cuộc bầu cử bổ sung đến kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khoá sau.

Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của Hội đồng nhân dân, tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân nào không tham dự được kỳ họp phải có lý do và phải báo cáo trước với Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân nào không tham dự được phiên họp phải có lý do và phải báo cáo trước với Chủ tọa phiên họp.

Đại biểu Hội đồng nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri.

Sau mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, vận động và cùng với nhân dân thực hiện các nghị quyết đó.

Đại biểu Hội đồng nhân dân nhận được yêu cầu, kiến nghị của cử tri phải có trách nhiệm trả lời cử tri.

Khi nhận được khiếu nại, tố cáo của nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết; đồng thời thông báo cho người khiếu nại, tố cáo biết.

Trong thời hạn do pháp luật quy định, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho đại biểu Hội đồng nhân dân biết kết quả.

Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn.

Trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân, chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp để chuyển đến người bị chất vấn và quyết định thời hạn trả lời chất vấn.

Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân kịp thời chấm dứt những việc làm trái pháp luật, chính sách của Nhà nước trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc của cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước về việc thi hành pháp luật, chính sách của Nhà nước và về những vấn đề thuộc lợi ích chung cơ quan hữu quan có trách nhiệm trả lời kiến nghị của đại biểu.

Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền đề nghị Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người do Hội đồng nhân dân bầu.

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND xã đáp ứng yêu cầu thực hiện dân chủ 2 cơ sở ở Nam Định hiện nay (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w