Củng cố cơ cấu, tổ chức Hội đồng nhân dân, thành lập các ban chuyên môn và nâng cao trình độ cho đại biểu Hội đồng nhân dân xã

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND xã đáp ứng yêu cầu thực hiện dân chủ 2 cơ sở ở Nam Định hiện nay (Trang 108 - 110)

chuyên môn và nâng cao trình độ cho đại biểu Hội đồng nhân dân xã

Luật bầu cử HĐND đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003. Quy định cụ thể số lượng đại biểu HĐND cấp xã tối thiểu là 25 đại biểu và tối đa không quá 35 đại biểu. Về cơ bản là đã phù hợp với tình hình hiện nay, tuy nhiên về tiêu chuẩn và chất lượng đại biểu thì vẫn còn quy định chung chung, chưa cụ thể cho nên các địa phương phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương mình để đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với những người ứng cử vào HĐND xã, ít nhất đại biểu HĐND phải có trình độ học vấn cao hơn mặt bằng dân trí ở xã.

Về cơ cấu đại biểu HĐND cũng không nên cứng nhắc và quá nặng nề về tỷ lệ đại biểu theo lứa tuổi, nam, nữ, tôn giáo, trong Đảng, ngoài Đảng mà chủ yếu phải dựa vào năng lực, phẩm chất, đạo đức, chính trị và tính đại diện của đại biểu. Chẳng hạn không nhất thiết phải là nữ mới có thể đại diện cho phụ nữ mà chỉ cần đó là người quan tâm, hiểu biết và luôn đấu tranh cho sự bình đẳng và quyền lợi của phụ nữ cũng có thể đại diện cho nữ. Hay nhiều nơi còn quá coi trọng việc cơ cấu đại biểu HĐND phải là Đảng viên, lại đang giữ các chức vụ, làm cho tiếng nói trực tiếp của nhiều người dân thường bị hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền trực tiếp tham gia quản lý chính quyền của quần chúng nhân dân.

Vì vậy trong cơ cấu chú ý đến các đại biểu có am hiểu về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương để có khả năng quyết định và giám sát thực hiện những vấn đề quan trọng ở địa phương.

Theo luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi), HĐND xã vẫn chưa có các ban chuyên trách như ở cấp tỉnh và cấp huyện. Điều này đã được các nhà nghiên cứu lý luận cũng như các đại biểu hoạt động thực tiễn đề cập đến khá nhiều nhưng việc thành lập các ban của HĐND xã vẫn chưa được pháp luật quy định.

Tuy nhiên trên thực tế HĐND xã hiện nay vẫn được chia thành các tổ đại biểu, vì vậy HĐND xã cần phải chủ động, căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương mình, dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành để giao cho các tổ đại biểu phụ trách những lĩnh vực cụ thể phù hợp với năng lực, trình độ của từng đại biểu cũng như tình hình hoạt động của HĐND.

Sau khi kết thúc bầu cử, hoàn thành việc phân công nhiệm vụ cho đại biểu, thường trực HĐND và các tổ đại biểu. HĐND xã cần phải phối hợp với HĐND cấp trên và các cơ quan, đoàn thể có trách nhiệm, tổ chức bồi dưỡng về kỹ năng nghiệp vụ, hoạt động cho đại biểu HĐND, có kế hoạch đào tạo về chuyên môn, năng lực quản lý, tổ chức, điều hành, phối hợp hoạt động. Đặc biệt là về trình độ quản lý nhà nước và quản lý kinh tế cho đội ngũ thường trực HĐND xã.

Bên cạnh đó trong hoạt động của mình, các đại biểu HĐND phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động cũng như những hiểu biết về kinh tế, pháp luật và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương có như vậy mới có thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ của người đại biểu dân cử. Để thực hiện được điều đó, người đại biểu HĐND cần phải lưu ý những vấn đề sau:

- Người đại biểu HĐND cần chủ động xây dựng được cho mình kế hoạch, công tác hàng tháng, hàng quý. Nếu là đại biểu đương chức thì khi thực hiện nhiệm vụ của cơ quan mình nên có sự lồng ghép và thực hiện nhiệm vụ chuyên

môn vừa thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Làm được như vậy có tác dụng thực tế là không tốn kém, lãng phí thời gian mà vẫn giữ được mối quan hệ thường xuyên với nhân dân, nắm bắt được những vấn đề bức xúc ở địa phương để kịp thời thông tin, phản ánh của HĐND hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Thường xuyên nắm tình hình trong nhân dân và cử tri, không nhất thiết thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri mà có thể thông qua giao tiếp hàng ngày với nhân dân nơi công tác hoặc nơi cư trú. Có thể thông qua thông tin trên báo chí hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác, thông qua các hội nghị, các báo cáo … Có biện pháp xử lý thông tin hợp lý, cái gì cần quan tâm vì nói liên quan đến nhiệm vụ của người đại biểu và cần thông báo, phản ánh với cơ quan nào.

- Nắm vững những nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu mà luật và quy chế đã quy định, thường xuyên xác định cho mình trách nhiệm người đại diện cho nhân dân trong công tác cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

- Thường xuyên giữ mối quan hệ công tác với thường trực HĐND, thông qua phiếu hoạt động đại biểu. Tích cực tham gia hoạt động của tổ đại biểu HĐND, chịu sự giám sát của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp thông qua việc báo cáo tình hình hoạt động của mình với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc.

- Tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, thông qua đó vừa để tuyên truyền vận động nhân dân nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như nghị quyết của HĐND, động viên nhân dân thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật. Đồng thời thông qua hoạt động đó nắm bắt được những yêu cầu của thực tiễn đặt ra, nhất là trong điều kiện hiện nay khi mà Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương mở rộng dân chủ trực tiếp đến cơ sở và phát huy dân chủ đại diện.

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND xã đáp ứng yêu cầu thực hiện dân chủ 2 cơ sở ở Nam Định hiện nay (Trang 108 - 110)