Điều kiện tự nhiên.

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND xã đáp ứng yêu cầu thực hiện dân chủ 2 cơ sở ở Nam Định hiện nay (Trang 60 - 63)

+ Vị trí địa lý:

Nam Định là một tỉnh ven biển nằm phía Đông Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, có diện tích khoảng 1.671,6km2, bằng 0,52% diện tích toàn quốc, toạ độ địa lý nằm ở 19055’ đến 20016’ vĩ độ Bắc và 1060 đến 106033’

kinh độ Đông, phía Bắc giáp tỉnh Hà Nam, phía đông giáp tỉnh Thái Bình, phía Đông Nam và Nam giáp với biển Đông và phía Tây giáp tỉnh Ninh Bình. Tỉnh Nam Định có 9 huyện và 1 thành phố loại II trực thuộc tỉnh, có 229 xã, phường, thị trấn. Thành phố Nam Định là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá, xã hội của tỉnh, nằm cách thủ đô Hà Nội 90km về phía Nam.

+ Đặc điểm địa hình:

Địa hình Nam Định chủ yếu là đồng bằng ven biển. Phía Đông Nam là bãi bồi và một ít núi thấp ở Tây Bắc. Địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Chỗ cao nhất là đỉnh núi Gôi huyện Vụ Bản cao 122m, chỗ thấp nhất là -3m nằm ở vùng chiêm trũng Ý Yên. Về cơ bản địa hình hành chính của tỉnh Nam Định có thể chia thành 3 vùng:

Vùng đồng bằng thấp trũng: Gồm các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường. Đây là vùng có nhiều khả năng thâm canh phát triển nông nghiệp, công nghệp dệt, công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí và các ngành nghề truyền thống.

Vùng đồng bằng ven biển: Gồm các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, vùng này có bờ biển dài khoảng 72 km, đất đai phì nhiêu, có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, khai thác và chế biến thuỷ hải sản và du lịch.

Vùng trung tâm công nghiệp - dịch vụ thành phố Nam Định có các ngành công nghiệp dệt may, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến, các ngành nghề truyền thống, các phố nghề … cùng với các ngành dịch vụ tổng hợp, dịch vụ chuyên ngành đã được hình thành và phát triển từ rất lâu.

Thành phố Nam Định tuy không nằm trên đường Quốc lộ 1A nhưng có đường sắt và đường số 10 đi qua, cùng với hệ thống sông ngòi khá nhiều nên rất thuận lợi cho giao thông đường bộ và giao thông đường thuỷ.

+ Về khí hậu:

Cũng như các tỉnh trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nam Định nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, một năm có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Mùa đông lạnh nhất tới 40C, mùa hè nóng nhất có khi nhiệt độ lên tới 38 - 390C. Nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 23 - 240C, lượng mưa trung bình trong năm từ 1.750 - 1.800mm, chia thành 2 mùa, mùa mưa nhiều nhất vào tháng 6,7,8,9, mùa mưa ít từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Hàng năm được hưởng lượng bức xạ phong phú từ 110 - 120 Kcal/cm2/1 năm. Độ ẩm trung bình từ 80 - 85%, hàng năm trung bình có tới 250 ngày có nắng (khoảng 1.650 – 1.700 giờ), hướng gió chính Đông Nam và Đông Bắc, hàng năm Nam Định cũng phải chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, bình quân từ 4 - 6 cơn/1 năm. Thuỷ triều tại vùng biển Nam Định thuộc loại nhật triều, biên độ triều trung bình từ 1,6 - 1,7m, lớn nhất là 3,31m và nhỏ nhất là 0,11m.

Nói chung khí hậu Nam Định rất thuận lợi cho môi trường sống của con người cùng như sự phát triển của hệ sinh thái động, thực vật.

+ Tài nguyên thiên nhiên:

- Tài nguyên đất: Diện tích đất tự nhiên của Nam Định khoảng 163.740,3 ha bao gồm các loại: Đất cát (ven sông và ven biển), đất mặn, đất phèn, đất phù sa, đất feralít, đất sỏi đá và đất mới biến đổi.

Năm 2000, nguồn tài nguyên đất của tỉnh Nam Định được sử dụng như sau: đất sản xuất nông nghiệp 106.622 ha (chiếm 65% diện tích toàn vùng), trong đó diện tích đất trồng lúa hàng năm là 91.068 ha; đất chuyên dùng là 25.312 ha, đất thổ cư 9.399 ha (5,8%); đất lâm nghiệp 4.723 ha (2,9%) và đất chưa sử dụng chiếm 10,8% với khoảng 17.644 ha. Diện tích đất nông nghiệp bình quân trên đầu người của tỉnh Nam Định rất thấp, chỉ khoảng 550m/người, trong khi bình quân chung của cả nước là 1.120m2. Tuy nhiên, do đặc điểm nông hoá thổ nhưỡng tạo cho đất nông nghiệp của tỉnh có khả năng thâm canh cao, nhất là cây lúa và các loại cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày. Thêm vào đó vùng ven biển Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng đất đang được bồi tụ ra biển với tốc độ rất nhanh, bình quân mỗi năm tiến ra biển được 80 - 120m và cứ sau 5 năm, ước tính diện tích đất Nam Định có khả năng sẽ tăng thêm từ 1.500 - 2000 ha.

- Tài nguyên rừng: Diện tích đất rừng của Nam Định rất nhỏ, năm 2000 diện tích rừng trồng là 4.723 ha, chủ yếu là rừng trồng phòng hộ ở các huyện ven biển để chắn sóng bảo vệ đê biển, còn lại một ít ở các đồi thấp thuộc huyện Ý Yên và Vụ Bản.

- Tài nguyên biển: Bờ biển Nam Định dài khoảng 72km thuộc 3 huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, có 3 cửa sông lớn là: sông Hồng, sông Đáy và sông Ninh Cơ. Biển Nam Định nông và bằng phẳng, độ sâu tăng dần từ trong ra ngoài khoảng 3m/100m. Biển Nam Định mỗi năm lùi ra khoảng 100 - 120m do phù sa của các sông đặc biệt là sông Hồng bồi đắp. Vùng biển Nam Định có rất nhiều hải sản quý, theo thống kê được khoảng 746 loài. Nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như: cá chim, thu, nụ, đé, ngừ, nục, chích, hồng … có

nhiều loài tôm quý: tôm bộp, hùm, vàng, he, sắt … Nhiều loài mực nang, mực ống rất có giá trị. Diện tích biển Nam Định có tiềm năng hải sản rất lớn, ven biển Nam Định có những khu rừng ngập mặn thu hút được nhiều loài chim trên thế giới đến trú đông, ước tính tới 30.000 con. Khu bảo tồn thiên nhiên Giao Thuỷ rộng 120km2 đã được thế giới công nhận là khu bảo vệ theo công ước quốc tế Ramsar.

Nước biển Nam Định có độ mặn cao nên ven biển có nhiều cánh đồng muối lớn, hàng năm cho sản lượng khá cao, tiêu biểu là cánh đồng muối Văn Lý. Sóng biển Nam Định không dữ dội, có nhiều bãi cát trắng mịn thuận lợi cho việc phát triển các bãi tắm và xây dựng hải cảng.

- Tài nguyên khoáng sản của Nam Định không nhiều, trữ lượng ít theo tài liệu điều tra khảo sát của cục địa chất - khoáng sản, trên địa bàn Nam Định chỉ có một số loại khoáng sản như: than nâu ở Giao Thuỷ, dầu mỏ và khí đốt ở thềm lục địa Giao Thuỷ, có một ít các khoáng sản như quặng Titan, Zicon, Ziarcon, Inmenít, Monazit được phát hiện ở huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng.

Với điều kiện địa lý tự nhiên như vậy, tỉnh Nam Định có điều kiện để phát triển một nền kinh tế nhanh và bền vững.

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND xã đáp ứng yêu cầu thực hiện dân chủ 2 cơ sở ở Nam Định hiện nay (Trang 60 - 63)