Vị trí, vai trò của chính quyền xã trong bộ máy nhà nước.

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND xã đáp ứng yêu cầu thực hiện dân chủ 2 cơ sở ở Nam Định hiện nay (Trang 25 - 28)

Chính quyền xã (cấp xã gồm: xã, phường, thị trấn), là một cấp trong hệ thống hành chính bốn cấp trong bộ máy Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là nền tảng của hệ thống chính trị. Là cơ sở thực tiễn để hình thành cũng như thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính quyền xã có HĐND và UBND.

Đánh giá về vấn đề này GS.TS Hoàng Chí Bảo trong cuốn Hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn nước ta hiện nay đã khẳng định:

Chính quyền cơ sở cấp xã là trung tâm của hệ thống chính trị ở cơ sở, có vai trò quan trọng thể hiện trên những mặt chủ yếu sau:

Một là, hệ thống chính quyền cơ sở là hệ thống quyền lực có địa bàn rộng lớn nhất, có quan hệ trực tiếp nhất với cơ sở, nhân dân.

Hai là, tất cả các quy định, chỉ thị, hướng dẫn của cơ quan Nhà nước cấp trên có được triển khai thực hiện ở nông thôn hay không, hiệu quả đến dân đều phải thông qua chính quyền cấp xã.

Ba là, nhân dân gắn bó, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước như thế nào cũng thông qua hoạt động quản lý của chính quyền và quyền lực của cán bộ chính quyền cơ sở với dân trong việc giải quyết những nhu cầu dân sinh, dân chủ, dân quyền.

Bốn là, sức mạnh hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở là ở nơi dân, là việc quy tụ được lòng dân, phát huy tình đoàn kết, truyền thống làng xã, tinh thần làm chủ của nhân dân.

Năm là, hệ thống chính trị cơ sở có phát huy được vai trò lãnh đạo, tổ chức đoàn kết toàn dân thực hiện được những mục tiêu xây dựng địa phương có kinh tế - xã hội - văn hoá phát triển hay không, điều đó tuỳ thuộc rất nhiều vào trình độ, phẩm chất, năng lực, quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở [3, tr.249].

“HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên” [29, tr.67-68].

HĐND vừa là cơ quan quyền lực ở địa phương vừa là một bộ phận cấu thành không thể tách rời với quyền lực Nhà nước. Qua HĐND sự thống nhất giữa quyền lực Nhà nước và quyền lực của nhân dân được biểu hiện rõ nhất, với tư cách là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của

nhân dân ở địa phương. HĐND vừa chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương vừa chịu trách nhiệm trước chính quyền cấp trên về mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Trong tổ chức và hoạt động của mình vai trò của HĐND còn được biểu hiện với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, HĐND được nhân dân giao quyền quyết định các vấn đề quan trọng để có thể phát huy được tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, biến ý chí của nhân dân địa phương thành những quy định bắt buộc để quản lý dân cư trên toàn lãnh thổ địa phương. Ngoài ra việc giám sát của HĐND đối với UBND xã và các cơ quan tổ chức Nhà nước, tổ chức kinh tế xã hội tại địa phương cũng có một vai trò quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân và góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước.

Đối với UBND vị trí pháp lý và vai trò của nó cũng được quy định rõ trong hướng dẫn và luật tổ chức HĐND và UBND. Điều 123 Hiến pháp 1992 và Điều 2. Luật tổ chức HĐND và UBND quy định: “UBND do HĐND bầu là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND” [29, tr.69].

UBND xã có hai tư cách vừa là cơ quan chấp hành của HĐND vừa là cơ quan hành chính Nhà nước ở cấp cơ sở.

Với tư cách là cơ quan chấp hành của HDND, UBND xã có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đời sống xã hội ở địa phương bằng pháp luật, theo pháp luật. Tổ chức và chỉ đạo việc thi hành chủ trương và Nghị quyết của HĐND xã biến ý chí, nguyện vọng của nhân dân làng xã thành những hoạt động cụ thể có hiệu quả.

Còn với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, UBND xã có vai trò quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực đời sống kinh tế -

xã hội ở địa phương mình đồng thời cũng là cơ quan quản lý việc chấp hành, điều hành các quyết định, chỉ thị của UBND huyện cũng như các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Như vậy chính quyền xã là bộ phận quan trọng trong bộ máy nhà nước, là trung tâm, là lực lượng nòng cốt của hệ thống chính trị ở nông thôn.

Một phần của tài liệu Đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND xã đáp ứng yêu cầu thực hiện dân chủ 2 cơ sở ở Nam Định hiện nay (Trang 25 - 28)