Đặc điểm về thị hiếu thẩm mỹ

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thẩm mỹ cho sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn hà nội (Trang 54 - 60)

Thị hiếu thẩm mỹ là thái độ tình cảm của chủ thể trước các đối tượng thẩm mỹ, sự hình thành và phát triển của thị hiếu thẩm mỹ là quá trình bắt đầu từ nhu cầu thẩm mỹ, cảm xúc thẩm mỹ. Các khâu này có liên quan chặt chẽ với nhau. Sẽ không có thị hiếu thẩm mỹ nếu không có nhu cầu và cảm xúc thẩm mỹ, ngược lại thị hiếu thẩm mỹ làm nảy sinh nhu cầu và cảm xúc thẩm mỹ mới. Nhu cầu thẩm mỹ là động cơ bên trong thôi thúc chủ thể đến với đối tượng. Nhu cầu thẩm mỹ khi bắt gặp những kích thích từ đối tượng bên ngoài sẽ làm nảy sinh cảm xúc thẩm mỹ. Cảm xúc thẩm mỹ được lặp đi lặp lại, trở thành sở thích thẩm mỹ có tính ổn định tương đối của cá nhân, đó chính là thị hiếu thẩm mỹ.

Trong phân tích kết quả điều tra về mức độ yêu thích và tham gia hoạt động nghệ thuật, kết hợp với quan sát và phỏng vấn sâu, chúng tôi nhận thị hiếu thẩm mỹ của sinh viên nghệ thuật được thể hiện rõ nhất trong thị hiếu điện ảnh, âm nhạc, thời trang.

Thứ nhất: Thị hiếu điện ảnh

Các kênh tiếp xúc với điện ảnh của sinh viên nghệ thuật rất đa dạng: xem ở các rạp chiếu phim, các kênh phát sóng của truyền hình Việt Nam, Hà Nội, truyền hình cáp, kỹ thuật số, internet, xem phim tại trường học để phục vụ cho học tập, đặc biệt là sinh viên điện ảnh. Chúng ta không thể phủ nhận ảnh hưởng tích cực của nhiều bộ phim nước ngoài như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Công… có nội dung hay, hình ảnh đẹp, gần gũi với văn hóa Việt nam, mang tính giáo dục cao giúp người xem tiếp thu những nhân tố tích cực,

tiến bộ, nhân văn của văn hóa nước ngoài, tạo nên sự giao lưu văn hóa sinh động, sáng tạo và làm nảy sinh các giá trị văn hóa mới… Đối với sinh viên nghệ thuật, thì những bộ phim hay của nước ngoài có nội dung phù hợp với lối sống của con người, dân tộc Việt Nam, có tính giáo dục cao giúp họ tìm hiểu những nét đẹp của những văn hóa thế giới, trong đó cuộc sống xã hội của giới trẻ các nước được các bạn trẻ đặc biệt quan tâm tìm hiểu, giúp họ học hỏi, định hướng một lối sống đẹp, hình thành cá tính, phát triển tài năng, xây dựng lý tưởng thẩm mỹ và thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, phát triển. Thông qua các bộ phim đó, các sinh viên điện ảnh, diễn viên điện ảnh được học hỏi rất nhiều về nghệ thuật làm phim từ những cảnh quay hoành tráng, đẹp, những tình huống diễn xuất sáng tạo, bất ngờ… và tự xây dựng cho mình được thị hiếu nghệ thuật trong sáng, lành mạnh, phát triển năng lực lựa chọn, đánh giá của họ trong lĩnh vực nghệ thuật.

Thứ hai: Thị hiếu âm nhạc của sinh viên nghệ thuật

Trong bảng 1, thị hiếu âm nhạc của sinh viên nghệ thuật thể hiện thông qua mức độ rất thích và thích các loại hình âm nhạc: 90% đối với ca nhạc trẻ, 68% đối với dân ca, 42 % đối với cải lương, 36% đối với nhạc thính phòng, 35% đối với chèo, 20% đối với tuồng.

Nhu cầu thưởng thức âm nhạc của sinh viên rất cao. Họ có thể nghe nhạc ở bất cứ lúc nào và bằng nhiều phương tiện khác nhau. Việc thưởng thức âm nhạc của sinh viên nghệ thuật không chỉ là để giải trí, mà còn là một trong những môn học của họ. Ngoài những sinh viên chuyên ngành âm nhạc, các nhóm chuyên ngành khác như múa, xiếc, điện ảnh, sân khấu đều có môn học nhạc lý cơ bản. Có thể nói thị hiếu âm nhạc của sinh viên nghệ thuật có tính trí tuệ nhiều hơn so với thanh niên nói chung. Chúng ta có thể nhận thấy trong những đêm biểu diễn nhạc giao hưởng, opera các khán giả trẻ hầu hết là sinh viên trong các trường nghệ thuật, còn ít nhận thấy sự có mặt của thanh niên sinh viên các trường khác. Sinh viên nghệ thuật cũng rất hào hứng với các

buổi biểu diễn của các nhóm, ban nhạc nổi tiếng thế giới đến biểu diễn ở Việt nam như Blactreet boy… Trong các list nhạc yêu thích nhất mà họ thường lưu trong máy di động để có thể thưởng thức bất cứ lúc nào là các bài hát của các nhóm nhạc nổi tiếng trên thế giới và các ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam như Mỹ Tâm, Uyên Linh, Phan Đình Tùng… Sinh viên nghệ thuật ham thích những dòng nhạc trẻ trung, du nhập từ nước ngoài như Pop, hip hop, jazz, picspop… Song với thị hiếu nghệ thuật của sinh viên nghệ thuật cũng dần dần lọc ra những dòng nhạc phù hợp với mình. Nhưng sự chọn lọc cảm tính rất cần được sự hỗ trợ bởi sự chọn lọc có định hướng của giới phê bình âm nhạc. Để có điều kiện tiếp thu chọn lọc, sinh viên nghệ thuật rất cần được nhà trường và xã hội tạo điều kiện cho họ thưởng thức và tìm hiểu những dòng âm nhạc hiện đại trên thế giới. Sinh viên được thưởng thức âm nhạc phần nhiều thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng, bên cạnh đó là các dịp trình diễn các chương trình ca nhạc nước ngoài, các liveshow của các ca sỹ trong nước và cả những liên hoan sinh viên để thưởng thức lẫn nhau.

Kết quả điều tra câu hỏi số 10 về sự quan tâm của sinh viên nghệ thuật đối với nghệ thuật truyền thống như sau: Mức độ rất quan tâm và quan tâm thường xuyên chỉ từ 15% đến 17%; còn mức độ ít quan tâm và không quan tâm chiếm đến 68%. Trong khi đó, kết quả điều tra câu hỏi số 11 về sự quan tâm của sinh viên nghệ thuật đối với nghệ thuật đương đại như sau: Mức độ rất quan tâm và quan tâm thường xuyên chiếm tới 90%; còn mức độ ít quan tâm và không quan tâm chỉ chiếm 10%.

Kết quả trên đây thể hiện thực trạng thị hiếu nghệ thuật của giới trẻ nói chung và của sinh viên nghệ thuật nói riêng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay về kinh tế, chính trị, văn hóa, các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương, tuồng, dân ca các vùng miền, ca kịch truyền thống... bị lấn át bởi các trào lưu nghệ thuật đương đại du nhập từ nước ngoài.

Tìm hiểu thị hiếu âm nhạc của sinh viên trong những biên bản phỏng vấn sâu, chúng tối nhận thấy hiện nay sinh viên nghệ thuật rât ưa thích dòng “dân gian đương đại”. Dòng nhạc dân gian đương đại là tên gọi chung cho các tác phẩm có khai thác chất liệu dân gian hoặc có ảnh hưởng những yếu tố dân gian trong bối cảnh đương đại. Trên thế giới, dòng nhạc này đã được hình thành từ lâu, đó là việc pha trộn giữa pop, rock, jazz… với những dòng nhạc bản địa. Hiện nay, càng nhiều nhạc sỹ khai thác đào sâu vào dòng nhạc này. Điều đó chứng tỏ những vốn cổ của dân tộc luôn có sức hút đối với sinh viên nghệ thuật, cũng như sinh viên nghệ thuật không bao giờ quay lưng những giá trị lâu đời của dân tộc. Sự kết hợp âm hưởng dân gian với nhịp điệu, tiết tấu của âm nhạc đương đại và được trình diễn thỏa mãn nhu cầu nhìn của người xem thật mới lạ, tạo sự hứng thú dặc biệt với lớp trẻ trong đó có sinh viên nghệ thuật. Đây chính là sự kết hợp giữa bảo tồn và hiện đại hóa các loại hình ca nhạc truyền thống dân tộc.

Bằng cái nhìn khách quan, chúng ta nhận thấy hiện nay sinh viên nghệ thuật cũng tự tìm cách nâng cao thị hiếu lành mạnh của chính họ trong thưởng thức ca nhạc. Họ đã vượt qua “cú choáng ”mà âm nhạc thị trường đem đến để đón nhận những giá trị âm nhạc đích thực của dân tộc. Nếu đến các tụ điểm ca nhạc hàng đêm vẫn diễn ra trong thành phố vẫn bắt gặp những gương mặt sinh viên mãn nguyện khi được thưởng thức guitar cổ điển hay nghe hát chèo, chầu văn, quan họ. Chính họ cũng là những nghệ sỹ biểu diễn trong những đêm nhạc đó để tăng thêm thu nhập và rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp.

Có thể nói, trong thời gian gần đây, dòng nhạc trẻ ở nước ta đặc biệt phát triển và tạo những hiệu ứng nhiều mặt trong giới trẻ nói chung và sinh viên nghệ thuật nói riêng. Khi được hỏi những suy nghĩ riêng của mình về “nhạc trẻ”, “nhạc thị trường” Việt Nam trong thời hiện đại, đa số sinh viên đều không thể không thừa nhận dòng nhạc này có những ưu điểm nhất định, điển hình như ngôn từ gần gũi, phù hợp với nhiều đối tượng tiếp nhận, đặc

biệt là giới trẻ. Ngoài ra, dòng nhạc trẻ cũng đặc biệt thành công với việc vận dụng nhiều yếu tố kỹ thuật góp phần làm cho sự thể hiện của ca sỹ ngày càng hấp dẫn, thu hút hơn… Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng đưa ra không ít những hạn chế của dòng nhạc trẻ. Điển hình là ca từ quá đơn giản, dễ dãi đến mức lố bịch; giai điệu của nhạc trẻ có nhiều sự trùng lặp, na ná nhau khiến người thưởng thức khó lòng nhận ra đâu là phong cách thật. Hơn nữa, nhiều ca sỹ, nhạc sỹ sẵn sang chạy theo lợi nhuận, “thương mại hóa âm nhạc làm cho loại hình nghệ thuật này mất đi giá trị đích thực của nó.

Không ít sinh viên nghệ thuật cho rằng, việc chọn nhạc nghe cũng thể hiện một “đẳng cấp”, một sự “sành điệu”, nhất là đối với giới trẻ. Bạn H. H (sinh viên Điện ảnh khóa 28 - trường Sân khấu Điện ảnh) cho rằng chọn nhạc phải phải gắn với đam mê, thị hiếu, không nên chạy theo “mốt”, theo phong trào mà chấp nhận những ca khúc mà mình không yêu thích.

Cũng đồng nhất với ý kiến trên, bạn Q.A (sinh viên lớp Sáng tác phê bình văn học Khoa Sáng tác trường Đại học Văn hóa) cho rằng mình khó lòng chấp nhận những ca khúc thị trường, ngôn ngữ “chợ búa”. Bạn Q.A tiết lộ mình chỉ thích nghe nhạc Trịnh và những dòng nhạc tương tự như thế. Bởi lẽ, nhạc Trịnh có sự thâm trầm của ca từ, sự tinh tế, sâu lắng của giai điệu mà dù nghe nhiều lần chúng ta cũng không cảm thấy nhàm chán.

Thứ ba: Đối với thị hiếu thời trang, có thể nhận thấy rõ ràng là sinh viên nghệ thuật cũng nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng mặc thời trang, sành điệu, tỏ rõ cá tính hơn hẳn so với sinh viên các trường khác. Ngoài một số chuyên ngành học về thời trang như sinh viên các khoa mỹ thuật, việc học về thời trang cũng như xem biểu diễn thời trang là một yêu cầu bắt buộc của chuyên ngành, thì đối với sinh viên nói chung và sinh viên nghệ thuật nói riêng cũng tỏ ra rất có hứng thú và quan tâm đến lĩnh vực này.

Kết quả khảo sát trên chúng ta có thể nhận thấy sinh viên đã dành một khoảng thời gian quan tâm đến việc nhận thức những khuynh hướng thời

trang đang diễn ra trên địa bàn Hà Nội. Có rât nhiều kênh thông tin về thời trang tác động đến sinh viên nghệ thuật: được học trên nhà trường, xem các buổi biểu diễn thời trang, sách báo, tạp chí, internet, thậm chí tư vấn của các bạn, các nhà may… Những nguồn thông tin đó giúp cho sinh viên nghệ thuật có được những nhận thức đúng đắn về thẩm mỹ thời trang, giúp các em hình thành “gu” thẩm mỹ đứng đắn, lành mạnh, phù hợp với thời đại, tuổi trẻ và môi trường sinh hoạt.

Tuy nhiên, do chưa có quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo về trang phục của sinh viên Đại học, nên sinh viên nghệ thuật có thể mặc thoải mái những gì mình thích, những mốt thời trang mới nhất được nhiều sinh viên chưng diện khi lên giảng đường. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp một nữ sinh ăn mặc quá mát mẻ: áo sát nách, cổ trễ sâu, quần soóc, váy quá ngắn… trên các giảng đường. Một số sinh viên còn biến giảng đường thành sàn biểu diễn thời trang, thích gì mặc nấy, không quan tâm đến cái nhìn của người khác. Dường như bất cứ một trang phục nào cũng được mặc đến lớp để thể hiện phong cách ăn mặc, cá tính của mình. Do mơ hồ về thị hiếu thẩm mỹ, a dua, chạy theo số động, số sinh viên này luôn tỏ ra sành nghệ thuật, luôn tỏ ra mốt không chỉ trong thưởng thức mà còn trong cả việc săn lùng, mua sắm tác phẩm nghệ thuật nhưng thực chất chỉ lắp lại cách đánh giá của người khác, thưởng thức hời hợt, rập khuôn, không có bản sắc riêng. Loại thị hiếu này xuất hiện ở một số sinh viên con nhà giàu hoặc những sinh viên đua đòi, được cưng chiều hơn giáo dục. Họ có độ chênh lệnh khá lớn giữa vốn văn hóa cần thiết và sự giàu có về tiền của. Lối sống tiêu thụ nghệ thuật của họ vừa làm méo mó nhân cách cá nhân, vừa làm ảnh hưởng xấu đến lối sống của xã hội. Một bộ phận sinh viên hiện nay chạy theo xu hướng “hàng hiệu” với nhãn mác của các hãng thời trang nổi tiếng như quần áo của Gucci, Versace… Sự nhanh nhạy, khả năng phản ứng mau lẹ trở những cái mới lạ - đó là một trong những dặc tính nổi trội của tuổi trẻ. Nhưng việc coi các kiểu trang phục lạ

mắt, lập dị, chạy theo hàng hiệu như trên được coi là mốt thì quả là một vấn đề cần quan tâm trong thị hiếu thẩm mỹ của sinh viên nghệ thuật hiện nay. Rõ ràng đây là sự nhanh nhẹn, phản ứng mau lẹ nhưng là sự nhanh nhạy với cái giả, cái xấu, cái phản thẩm mỹ. Sự lây lan nhanh chóng của những mốt nói trên trong bộ phận sinh viên chứng tỏ thị hiếu thẩm mỹ của sinh viên nghệ thuật hiện nay còn khá non yếu dẫn đến nhu cầu thẩm mỹ còn lệch lạc, lai căng, làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thẩm mỹ cho sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn hà nội (Trang 54 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)