Đặc điểm về lý tưởng thẩm mỹ

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thẩm mỹ cho sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn hà nội (Trang 60 - 64)

Lý tưởng thẩm mỹ thể hiện sinh động bằng những mẫu mực của đời sống hoặc bằng hình tượng nhân vật, hình tượng trong cuộc sống nghệ thuật. Vì vậy, tính chất tình cảm, cảm tính, khả năng tác động toàn vẹn và trực tiếp của các hình tượng nghệ thuật là những đặc điểm nổi bật để hình thành lý tưởng thẩm mỹ của sinh viên nghệ thuật. Mặt khác, lý tưởng thẩm mỹ là biểu hiện cao nhất của ý thức thẩm mỹ. Sự hình thành lý tưởng thẩm mỹ ở mỗi cá nhân không chỉ tác động đến yếu tố cấu thành ý thức thẩm mỹ mà còn tác động đến toàn bộ các nhu cầu, thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ nói chung.

Lứa tuổi sinh viên được đánh dấu bằng những khát vọng hiểu biết, những hoài bão lớn lao cùng với sự phát triển sâu sắc của tư duy trừu tượng và tư duy trực quan - hình tượng. Đây là lứa tuổi mà cả thế giới quan và nhân sinh quan đang hoàn thiện, lứa tuổi có lý trí, có tính cảm phong phú, đang đi tìm lý tưởng. Môi trường văn hóa thẩm mỹ sẽ hướng lứa tuổi sinh viên vào những định hướng giá trị, mang lại hệ thống niềm tin, trọn vẹn và hoàn chỉnh của thế giới quan. Lứa tuổi sinh viên đang ở tuổi nhậy cảm, có những ấn tượng lâu bền, tư tưởng phong phú, xúc cảm sôi nổi có thể tiếp thu ngay được với nghệ thuật. Nhiều người đã thấy rõ các tác phẩm nghệ thuật nội dung tốt có tác dụng nâng cao sự giác ngộ lý tưởng, củng cố niềm tin vào cuộc sống, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, hướng dẫn dư luận đấu tranh chống cái xấu, ca ngợi, ủng hộ cái đẹp. Được sinh hoạt và học tập trong môi trường văn hóa

nghệ thuật là một trong những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình hình thành và phát triển lý tưởng thẩm mỹ của sinh viên nghệ thuật. Bởi các sản phẩm nghệ thuật mà họ được tiếp nhận phong phú, được giáo dục những kiến thức nền tảng, vững chắc về nghệ thuật, trực tiếp sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật đã tác động đến tư tưởng, tình cảm của sinh viên bằng hệ thống giá trị của nó, đặc biệt là các giá trị nghệ thuật, cái cao cả, cái đẹp trong đời sống. Nghệ thuật lại là một lĩnh vực hoạt động cơ bản của lý tưởng thẩm mỹ, nên khi tiếp nhận nghệ thuật sinh viên cũng tiếp nhận cả lý tưởng thẩm mỹ thể hiện trong chính hình tượng nghệ thuật. Được sinh hoạt trong môi trường giáo dục nghệ thuật, tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật lành mạnh, sinh viên nghệ thuật hình thành những phẩm chất của lý tưởng thẩm mỹ cần thiết cho một người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật trong tương lai.

Trong câu hỏi số 16 sinh viên cho rằng những phẩm chất cần có của một sinh viên nghệ thuật như sau:

- Sống có lý tưởng, hoài bão: 30% - Có văn hóa, đạo đức: 45% - Có lối sống lành mạnh, trong sáng: 30% - Có năng lực trí tuệ: 60% - Có cách ứng xử nhân văn: 28%

Rất nhiều phiếu điều tra sinh viên lựa chọn tất cả các phẩm chất cần có trên. Trong khi trò chuyện, phỏng vấn sinh viên về sự lựa chọn câu hỏi này sinh viên N.T.H khoa Múa trường đại học Sân khấu Điện ảnh trả lời: “Theo em, nếu nói lý tưởng là những điều cao đẹp mà con người đặt ra và luôn khát khao vươn tới, để hoàn thiện chính bản thân và làm đẹp cho cuộc sống thì em cho rằng sinh viên ngày nay sống có lý tưởng, khát vọng và hoài bão cao đẹp... ”. Cũng với cái nhìn lạc quan đó, sinh viên N.H.H, năm thứ nhất khoa Sáng tác lý luận phê bình trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, phần lớn bạn trẻ đều ấp ủ cho mình những khát vọng và hoài bão trở thành người có ích

cho xã hội, được làm công việc yêu thích của mình, được trở thành người sáng tác có vị thế trên diễn đàn văn học nghệ thuật. Tuy nhiên các sinh viên đó cũng thừa nhận, bên cạnh những sinh viên sống có lý tưởng, xác định được mục tiêu học tập và vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn, vẫn có một bộ phận không nhỏ sinh viên sống không có lý tưởng. Trong môi trường nghệ thuật xã hội đầy cám dỗ về giá trị nghệ thuật thấp kém, thực dụng, một số sinh viên nghệ thuật lao vào lối sống hưởng thụ, sa đọa… Trong sáng tác nghệ thuật không ít sinh viên nghệ thuật tỏ rõ tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, cuốn theo cơ chế thị trường, đua đòi, sùng bái giá trị nghệ thuật ngoại lai, cho rằng như thế mới là hợp mốt thời đại mới.

Trong luận văn, để tìm hiểu sinh viên mong muốn học tập trong các trường nghệ thuật nhằm mục đích gì, qua đó có thể thấy rõ hình ảnh tương lai của sinh viên nghệ thuật mà họ mong muốn đạt tới, chúng tôi thu được kết quả như sau (câu hỏi số 14 - Phụ lục):

- Học tập để sau này tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mà mình theo đuổi: 58%

- Học tập chỉ để có một tấm bằng đại học: 17%

- Học tập để có vốn tri thức về văn học nghệ thuật: 15%

- Học tập để đáp ứng niềm say mê của bản thân về một lĩnh vực nghệ thuật: 70%

- Học tập theo định hướng của gia đình hoặc những mối quan hệ khác: 10% Kết quả trên cho thấy: Sinh viên nghệ thuật khi lựa chọn học tập trong môi trường nghệ thuật phần lớn để đáp ứng niềm say mê của bản thân về lĩnh vực nghệ thuật (chiếm 70%). Điều đó hoàn toàn chính xác, để thi vào được các trường nghệ thuật, sinh viên phải trải qua các môn thi năng khiếu phù hợp với chuyên ngành nghệ thuật mà họ đăng ký. Các môn thi này đòi hỏi họ phải có đặc điểm tư chất phù hợp, và có niềm say mê thực sự đối với lĩnh vực nghệ thuật đó. Tuy nhiên không phải sinh viên nghệ thuật nào cũng cho rằng học

xong sẽ tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đó (chỉ có 58% sinh viên lựa chọn). Trên thực tế, không phải sinh viên nghệ thuật ra trường làm đúng nghề nghiệp chuyên môn mà mình được đào tạo. Có rất nhiều lý do trong đó quan trọng nhất là sinh viên nhận thấy để có thể tham gia được vào hoạt động nghệ thuật ngoài xã hội ngoài kiến thức, cần có rất nhiều kinh nghiệm, nhiều mối quan hệ mà không phải sinh viên nào cũng có được.

Nhận định này cũng được khẳng định ở kết quả điều tra câu số 19 về dự định của sinh viên khi tốt nghiệp ra trường:

- Tham gia vào các đoàn nghệ thuật của Nhà nước: 15% - Tham gia vào các đoàn nghệ thuật tư nhân: 20% - Tham gia giảng dạy trong trường: 10% - Làm nghề tự do: 55%.

Kết quả trên đây cho thấy sinh viên nghệ thuật đi học để có thể tìm nghề nghiệp tương lai chắc chắn cho cuộc sống của mình. Họ cũng không mơ hồ trước thời cuộc. Trong giai đoạn hiện nay, cuộc sống ngày càng hiện đại, do nhu cầu thẩm mỹ, văn hóa nghệ thuật rất cao của thủ đô Hà Nội, đã có rất nhiều hình thức tồn tại của các tổ chức nghệ thuật từ nhà nước, tư nhân đến các dịch vụ phục vụ cho hoạt động nghệ thuật của xã hội. Hơn lúc nào hết, các ngành nghệ thuật càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Các hãng phim tư nhân, các công ty ca nhạc, công ty quảng cáo ra đời với tốc độ nhanh chóng. Hàng loạt các cuộc thi nghệ thuật từ âm nhạc, điện ảnh, và vô số các cuộc thi khác diễn ra liên tục hàng năm tạo ra không ít cơ hội cho sinh viên nghệ thuật. Sinh viên nghệ thuật sau khi tốt nghiệp xong rất cần có việc là để mưu sinh nên họ xác định sẽ làm nghề tự do là nhiều nhất (55%). Đi làm để họ tích lũy về kinh tế, về kinh nghiệm sống, về tri thức nghề nghiệp để họ tiếp tục hoạt động nghệ thuật. Đó là ước muốn chính đáng của phần lớn sinh viên trong các trường nghệ thuật ở địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, có một bộ phận sinh viên theo học trong nhà trường không phải vì lý tưởng nghệ thuật, vì hoài bão, hay để thỏa mãn sự say mê của bản thân mà đơn thuần là đi học do sự định hướng

của gia đình (10%). Số sinh viên này có mục đích học tập trong trường nghệ thuật để lấy một tấm bằng đại học (17%)( Câu hỏi số 14 – Phụ lục).

Trong câu hỏi số 20 điều tra về việc sinh viên có muốn đi du học nghệ thuật ở nước ngoài không, con số tỏ ý rất muốn đi chiếm đến 85%, không muốn đi 10%, và còn 5% không có ý kiến gì.

Trong quá trình hội nhập toàn cầu, giáo dục đã vượt ra khỏi các biên giới, các ngôn ngữ và các nền văn hóa. Đối với các nước phát triển trên thế giới, kể cả châu Âu và châu Á, đều mở rộng chương trình du học cho sinh viên nước ngoài. Ở Việt nam, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, sinh viên nghệ thuật có thể tiếp cận với rất nhiều thông tin về du học nghệ thuật. Các chương trình đào tạo trên thị trường quốc tế không ngừng được tăng cường và ngày càng trở nên hiệu quả và dễ tiếp nhận hơn. Hợp tác quốc tế trong đào tạo nghệ thuật là điều bắt buộc trong thời đại ngày nay, vì tính chất mở và tính quốc tế là nguyên lý đào tạo nghệ thuật, khi nghệ thuật hòa nhập với xã hội và quốc tế. Đối với sinh viên đang theo học trong các trường nghệ thuật, chính việc được học tập và mở rộng kiến thức về nghệ thuật đã hình thành trong các em nhu cầu muốn được đi học chính những nôi văn hóa nghệ thuật lớn trên thế giới để mở mang kiến thức (Sinh viên nghệ thuật cho rằng phẩm chất cần phải có ở người nghệ sỹ chính là năng lực trí tuệ, lựa chọn này chiếm đến 60% trong kết quả điều tra câu số 16), phát triển những tư chất nghệ thuật sẵn có. Nhu cầu đi du học nghệ thuật thể hiện khát vọng chân chính, lý tưởng, hoài bão to lớn muốn trở thành người nghệ sỹ có tài phục vụ cho nhân loại và đất nước của sinh viên nghệ thuật.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thẩm mỹ cho sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn hà nội (Trang 60 - 64)