Tăng cường bảo tồn và phát huy các giá trị thẩm mỹ tốt đẹp của nghệ thuật dân tộc

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thẩm mỹ cho sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn hà nội (Trang 88 - 91)

của nghệ thuật dân tộc

Nhận thức được vai trò và vị trí quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển, đồng thời thể hiện quan điểm nhất quan của Đảng ta trong Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngày 16/7/1998, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương (khóa VIII) đã ra nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Mục tiêu phát triển nền văn hóa Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã được xác định trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020

mà Chính phủ đã phê duyệt có nêu rõ:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, vừa phát huy mạnh mẽ tính đa dạng, bản sắc độc đáo của văn hóa các dân tộc anh em, vừa kiên trì ủng hộ và nâng cao tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt nam, tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới, đi đôi với việc mở rộng và chủ động trong giao lưu quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc, bắt kịp sự phát triển của thời đại [26, tr.401].

Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, (bổ sung và phát triển năm 2010), Đảng ta đã đề ra phương hướng xây dựng nền văn hóa mới. Trong đó, Đảng ta đã khẳng định:

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc

tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sấu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao. Phát triển, nâng cao chất lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật; khẳng định và biểu dương các giá trị chân, thiện, mỹ, phê phán những cái lỗi thời, thấp kém, đấu tranh chống những biểu hiện phản văn hóa [17, tr.75].

Tính chất tiên tiến của nền văn hóa Việt Nam không tách rời mà luôn luôn gắn bó hữu cơ với bản sắc dân tộc. Yêu nước và tiến bộ, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thực sự đã chứa đựng trong lòng nó nội dung cốt yếu những giá trị bản sắc dân tộc. Một nền văn hóa "đậm đà bản sắc dân tộc" là nền văn hóa bắt rễ sâu trong đời sống dân tộc, kết tinh những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc được vun đắp qua trường kỳ lịch sử, tạo thành diện mạo tinh thần, bản lĩnh, sức sống, sức sáng tạo, cốt cách riêng rất Việt Nam. Bản sắc văn hóa dân tộc bao gồm cả nội dung và hình thức. Cùng với những giá trị tinh thần, bản sắc dân tộc của văn hóa còn được đặc trưng bởi các phương thức biểu hiện đa dạng và độc đáo. Đó là tiếng nói của dân tộc, là tâm lý, phong tục tập quán, phương thức ứng xử, cách cảm, cách nghĩ biểu hiện tâm hồn, đạo lý, trí tuệ Việt Nam, biểu hiện tính thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.

Giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là chăm lo sự trường tồn và phát triển sức sống của dân tộc, là xuất phát từ tầm cao mới của lịch sử mà tiếp nối khơi nguồn cho sức sáng tạo, sức đột khởi mới của những giá trị tinh thần của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Giữ gìn phát huy bản

sắc văn hóa dân tộc do đó không thể tách khỏi mối quan hệ với quốc tế và thời đại. Đây là một xu thế khách quan bởi ngày nay không thể có một quốc gia, dù lớn dù nhỏ nào lại có thể tồn tại và phát triển nếu đứng ngoài lề của dòng thác khu vực hóa và toàn cầu hóa. Xu thế này đang tạo điều kiện cho các quốc gia, dân tộc xích lại gần nhau, hiểu biết nhau, bổ sung cho nhau, làm phong phú và hỗ trợ lẫn nhau, cùng phát huy rực rỡ yếu tố bản sắc, cùng hội nhập tạo nên sức mạnh chung của tiềm năng văn hóa nhân loại và thời đại. Theo đà phát triển của xã hội và tư duy con người cùng với sự giao lưu văn hoá, các ngành nghệ thuật của chúng ta cũng phát triển phong phú và mang đậm bản sắc dân tộc. Về văn học, thể loại truyền thống là thơ ca mà tiêu biểu là thể thơ lục bát... Nhiều tác giả cổ điển Việt Nam bằng tài năng nghệ thuật vô song đã sáng tạo nên những tác tác phẩm thi ca bất hủ. Cũng với tinh thần ấy, trong lĩnh vực sân khấu là sự ra đời và phát triển của thể loại tuồng, chèo, cải lương và đặc biệt là nghệ thuật rối nước vô cùng độc đáo. Nghệ thuật múa với đặc trưng là ngôn ngữ hình dáng chuyển động trong không gian và âm nhạc đã thể hiện rất rõ bản sắc dân tộc theo từng vùng miền. Bản sắc dân tộc trong kiến trúc Việt Nam thể hiện rõ nét trong di sản kiến trúc qua các thời đại bao gồm làng cổ, đô thị cổ, kiến trúc đền chùa, lăng tẩm… Về mỹ thuật bản sắc dân tộc sâu đậm được thể hiện đậm nét trong tranh Đông Hồ và các tác phẩm nổi tiếng của các daanh họa Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân...

Trước bối cảnh toàn cầu hoá và giao lưu hội nhập quốc tế hiện nay, vấn đề giữ gìn và phát huy bản lĩnh dân tộc, bản sắc văn hoá Việt Nam càng đặt ra hết sức cấp thiết. Thế hệ trẻ Việt Nam phải là những người đại diện xứng đáng cho đất nước, cho nhân dân, đại diện cho những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình để tham gia giao lưu hội nhập, đặc biệt là nhóm sinh viên đang học tập và tham gia hoạt động văn hóa trong các trường nghệ thuật. Trong hoạt động giáo dục nhằm nâng cao trình độ năng lực thẩm mỹ của sinh viên các

trường nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội cần phải chú trọng tới việc bảo tồn và và phát huy các giá trị thẩm mỹ tốt đẹp của nghệ thuật dân tộc.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thẩm mỹ cho sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn hà nội (Trang 88 - 91)