Nhu cầu thẩm mỹ của sinh viên nghệ thuật ngày càng phức tạp

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thẩm mỹ cho sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn hà nội (Trang 85 - 87)

Trước những tác động của kinh tế thị trường, văn hóa dân tộc phải đối mặt với nguy cơ bị hòa tan trước nhiều làn sóng văn hóa khác nhau trên thế giới bằng nhiều con đường khác nhau, có những con đường nằm trong tầm quản lý, những cũng có những kênh thông tin nằm ngoài tầm kiểm soát. Vì thế, nhiều làn sóng văn hóa có thể tràn vào Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội một cách dễ dàng. Ngày nay, với cơ chế mở, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, các thế lực phản động lại càng có cơ hội để tìm mọi cách tấn công. Ngoài ra, những tư tưởng cá nhân cực đoan, lối sống thực dụng, gấp gáp, kích động bạo lực, tuyệt đối hóa dồng tiền… được ẩn trong những văn hóa phẩm độc hại đã trở thành mối lo của toàn xã hội. Trong môi trường văn hóa của xã hội, đã xuất hiện không ít những hiện tượng phản giá trị trong lĩnh vực nghệ thuật. Xu hướng “thương mại hóa” trên thị trường văn hóa, nghệ thuật làm xuất hiện những tác phẩm độc hại, kích động tình dục và bạo lực, cổ vũ lối sống ăn chơi sa đọa, cùng với việc du nhập ồ ạt các văn hóa phẩm đồi trụy đã đầu độc bầu không khí văn hóa lành mạnh và giàu tính nhân văn ở nước ta. Đây chính là mặt trái của lĩnh vực “hàng hóa” văn hóa, nghệ thuật như sản xuất các loại “phim mỳ ăn liền”, “nhạc thị trường”, “văn học sex”, “tranh, ảnh nuy”… sử dụng lối tiếp thị của kỹ nghệ bán hàng tân kỳ. “Nghệ thuật thị trường” lan rộng một cách mạnh mẽ. Nó chính là sản phẩm của xã hội với nền kinh tế thị trường khi có một bộ phận công chúng chưa được chuẩn bị để có thể trở thành công chúng nghệ thuật đích thực. Chính những nhu cầu thẩm mỹ của bộ phận công chúng này đã vô tình tạo dựng nên một giới sáng tác và biểu diễn riêng cho mình “thấp kém” về trình độ năng lực thẩm mỹ. Họ đã trở thành những người đáp ứng những thị hiếu tầm thường, những nhu cầu giải trí phản thẩm mỹ . Đây là một nguy cơ thật sự khi giới trẻ lớn lên trong môi trường phản nghệ thuật như thế. Trong Chỉ thị số 46 - CT/TW của ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành ngày 27 tháng 7 năm

2010 về việc “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” đã đánh giá thực trạng về văn hóa như sau: Những năm gần đây ở nước ta, văn hóa có bước phát triển về nhiều mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tinh thần lành mạnh, đa dạng của nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hợp tác văn hóa với nước ngoài ngày càng được mở rộng, nhiều sản phẩm văn hóa có giá trị của thế giới được tiếp thu, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa của nhân dân. Tuy vậy, thời gian qua, sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Lối sống thực dụng, vụ lợi, ích kỷ, thích hưởng lạc, sa đọa; cái xấu, cái ác, phi nhân tính có dấu hiệu tăng lên rõ rệt. Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng, nhất là đối với tầng lớp thanh niên, sinh viên của xã hội.

Sự biến đổi trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật do sự tác động của nền kinh tế thị trường ngày càng trở nên phức tạp. Tuy vậy, trong những năm tới, xu hướng biến đổi tích cực, phù hợp với nhu cầu khách quan của thời đại, của thực tiễn đổi mới vẫn là xu hướng chủ đạo, chi phối sự biến đổi của các chuẩn mực đánh giá thẩm mỹ trong hiện thực đời sống văn hóa nghệ thuật. Đó là xu hướng vươn tới những tiêu chí nhân văn, dân chủ, vì sự phát triển toàn diện và phong phú của con người, vươn tới sự phát triển hài hòa, bền vững trong mọi lĩnh vực cuộc sống mà cao nhất là cái đẹp trong sự hài hòa giữa con người và xã hội, tự nhiên.

Trong những năm tới, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu thưởng thức, sáng tạo, sản xuất các giá trị văn hóa nghệ thuật của giới trẻ nói chung và sinh viên nghệ thuật nói riêng ngày càng được gia tăng. Sự biến đổi

của những chuẩn mực đánh giá thẩm mỹ trong xã hội với những xu hướng nêu trên làm cho nhu cầu thẩm mỹ của sinh viên nghệ thuật ngày càng đa dạng, linh hoạt và không kém phần phức tạp hơn.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thẩm mỹ cho sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn hà nội (Trang 85 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)