Đặc điểm về tình cảm thẩm mỹ

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thẩm mỹ cho sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn hà nội (Trang 50 - 54)

Nhu cầu thẩm mỹ và tình cảm thẩm mỹ gắn bó hữu cơ với nhau. Với tính cách là những tình cảm đặc thù của con người, tình cảm thẩm mỹ của sinh viên nghệ thuật nảy sinh khi họ tiếp xúc trực tiếp với các khách thể đặc biệt- các tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm đẹp của tự nhiên, lao động. Những tình cảm đó kích thích tính tích cực về mặt xã hội của sinh viên, điều tiết hành vi của họ và tác động đến sự hình thành những lý tưởng chính trị - xã hội, thẩm mỹ, đạo đức… của cá nhân. Tình cảm thẩm mỹ bắt đầu từ những cảm xúc thẩm mỹ, những rung động thẩm mỹ trước cái đẹp, cái thẩm mỹ về hình thức bên ngoài và phát triển dần dần đến sự thụ cảm và nhận thức cái đẹp, cái thẩm mỹ về nội dung, về bản chất của hiện thực thẩm mỹ khách quan.

Cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh là khả năng rung cảm của sinh viên nghệ thuật trước những hiện tượng thẩm mỹ tích cực. Bản thân sự rung cảm này là sự xáo động tâm lý, là niềm vui, nỗi buồn, sự xúc động được khơi dậy bởi các hiện tượng thẩm mỹ như cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài trong cuộc sống và nghệ thuật. Cảm xúc thẩm mỹ được hình thành sẽ giúp cho sinh viên nghệ

thuật khám phá ra vẻ đẹp của thế giới, phát hiện ra những hình tượng nghệ thuật biểu hiện đúng chiều hướng tất yếu của đời sống. Và khi sinh viên nghệ thuật biết yêu cái đẹp cũng có nghĩa là biết yêu cái thiện, tôn trọng lẽ phải, căm ghét cái xấu, cái ác, sự bất công…

Kết quả điều tra trong câu hỏi thứ 2 (Bảng phụ lục), lý do sinh viên lựa chọn theo học trường nghệ thuật được sắp xếp theo thứ tự sau:

- Do bản thân mong muốn: 80% - Do bạn bè khuyên: 60% - Do bố mẹ gợi ý: 45% - Do ngẫu nhiên: 20%

Kết quả trên được khẳng định ở câu hỏi số 14 về mục đích học tập trong trường nghệ thuật: 70% sinh viên khẳng định học tập là để đáp ứng niềm say mê của bản thân về một lĩnh vực nghệ thuật. Sinh viên nghệ thuật khi lựa chọn thi và học tập trong các trường nghệ thuật phần lớn là để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của mình về một lĩnh vực nghệ thuật mà mình yêu thích. Kết quả trên thể hiện tình cảm đặc biệt của sinh viên đối với lĩnh vực nghệ thuật mà mình đã lựa chọn theo học trong nhà trường. Những tình cảm như vậy đã được hình thành ở sinh viên từ trước khi các em vào học nhà trường bởi vì ngay từ khi còn nhỏ trong gia đình, học các cấp học phổ thông, các em đã được tiếp xúc và giáo dục với rất nhiều tác phẩm nghệ thuật. Người nghệ sĩ cảm xúc trước các cảnh đời, các thân phận con người, các hiện tượng của cuộc sống, từ đó mà sáng tạo nên những tác phẩm, những hình tượng nghệ thuật. Thậm chí những đối tượng ngoại giới là đối tượng tự nhiên vô tri, vô giác nhưng thông qua cảm xúc và tái tạo của người nghệ sĩ cũng trở nên sinh động, có tình cảm, tâm hồn. Nghệ thuật không phải là lập luận, lý giải, thuyết lý, mà là giãi bày tình cảm, tâm tư. Các tác phẩm nghệ thuật là sự đối tượng hoá, là kết tinh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng người nghệ sĩ. Khi sinh viên nghệ thuật thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, họ là người giải mã cảm

xúc được người nghệ sỹ thể hiện trong tác phẩm. Tác phẩm nghệ thuật góp phần phát triển tình cảm, mối quan tâm giữa con người và con người, đồng thời góp phần hình thành nên tình cảm đặc biệt của sinh viên đối với các lĩnh vực nghệ thuật. Nghệ thuật làm lây lan sang con người nhiều cảm xúc và nghệ thuật được xây dựng trên cơ sở sự lây lan này. Tônxtôi nói:

Sự hoạt động của nghệ thuật chính là dựa trên cái khả năng những người này bị lây cảm xúc của những người khác... Những cảm xúc hết sức đa dạng, rất mạnh mẽ và yếu ớt, rất có ý nghĩa và rất nhỏ nhặt, rất xấu xa và rất tốt đẹp, chỉ cần chúng lây lan sang được độc giả, khán giả, thính giả sẽ làm nên đối tượng của nghệ thuật [93, tr.453]. Trong cuốn Tâm lý văn nghệ, nhà tâm lý học nghệ thuật Trung Quốc Chu Quang Tiềm viết:

Nghệ thuật cũng giống như ngôn từ, chỉ là công cụ truyền đạt. Ngôn ngữ dùng để truyền đạt tư tưởng, trong khi đó nghệ thuật dùng để truyền đạt tình cảm [80, tr.172].

Là ngôn ngữ tình cảm, nghệ thuật được sử dụng để chuyển tải nội dung và tạo ra khoái cảm thẩm mỹ cho người xem. Các thủ pháp nghệ thuật được dùng tác phẩm nghệ thuật như phương tiện, cách thức để chuyển tải nội dung đến sinh viên người thưởng thức, làm cho họ đón nhận nó một cách thích thú vì khả năng tác động của nghệ thuật vào tình cảm của họ. Đặc biệt là đối với giới trẻ, với đặc điểm sôi nổi, xúc cảm nhanh chóng nảy sinh, họ có nhu cầu hưởng thụ những giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao nhất. Nhu cầu đó được hình thành trên cơ sở những cảm xúc đặc biệt, vô tư, trong sáng của họ khi tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật đã thúc đẩy họ tham gia vào hoạt động thưởng thức những giá trị nghệ thuật mà họ yêu thích. Cảm thụ tác phẩm nghệ thuật là quá trình diễn ra một cách tự nhiên khi sinh viên nghệ thuật có nhu cầu tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật. Từ bên trong, sinh viên đưa mình vào tác phẩm nghệ thuật, họ nhập nó vào cảm xúc này hay cảm xúc khác đang dần dần hình

thành trong tâm hồn họ. Đến một thời điểm nào đó trong quá trình tiếp xúc này, với những xúc cảm có trong tác phẩm cùng xúc cảm của chủ thể gặp được nhau và tạo ra những khoái cảm thẩm mỹ, làm cho sinh viên nghệ thuật cảm nhận sâu sắc nhất, tinh tế nhất nội dung của tác phẩm nghệ thuật. Quá trình cảm thụ tác phẩm nghệ thuật là một quá trình diễn biến, phát triển nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ, trong đó quan trọng nhất là hình thành tình cảm thẩm mỹ của sinh viên nghệ thuật đối với tác phẩm nghệ thuật, từ đó hình thành khả năng sáng tạo nghệ thuật và khả năng tham gia hoạt động nghệ thuật.

Kết quả điều tra ở câu hỏi số 12 sinh viên tự đánh giá năng lực của mình, chúng tôi thu được kết quả như sau:

- Năng lực cảm thụ cái đẹp: trung bình 10%, khá 20% và tốt 70% - Năng lực sáng tạo cái đẹp: Trung bình 15%; khá 25% và tốt 60% - Năng lực tham gia hoạt động nghệ thuật: Trung bình 12%; khá 30% và tốt 58%.

Sinh viên nghệ thuật tự đánh giá mình cao nhất ở năng lực cảm thụ cái đẹp (mức độ khá, tốt chiếm 90%). Khả năng đó được hình thành do việc sinh viên được tiếp xúc nhiều với tác phẩm nghệ thuật, được học tập cái hay, cái đẹp trong những tác phẩm đó, sinh viên rất biết đánh giá tác phẩm nào là có giá trị nghệ thuật đích thực. Chính do có những cảm xúc, rung động thẩm mỹ vô tư, lành mạnh với các tác phẩm nghệ thuật nên họ cũng dành thời gian đáng kể để thưởng thức nghệ thuật. Nhận định này do kết quả điều tra ở câu hỏi số 8: Mức độ thường xuyên là 70%, thỉnh thoảng là 20% và đôi khi là 15%.

Hơn nữa, ngoài việc tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật trong nhà trường, sinh viên nghệ thuật còn được tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật do nhà trường và các đoàn thể xã hội tổ chức. Họ tự đánh giá năng lực tham gia hoạt động nghệ thuật mức độ khá và tốt là 88%. Sự đánh giá này cũng được thể hiện trong câu hỏi số 9 về việc sinh viên nghệ thuật có thường xuyên tham gia

biểu diễn và sáng tác nghệ thuật: Mức độ thường xuyên là 30%, thỉnh thoảng là 55% và đôi khi là 15%.

Với sự say mê đặc biệt của mình, sinh viên nghệ thuật không chỉ dừng lại ở mức độ cảm thụ tác phẩm mà còn muốn sáng tạo ra các tác phẩm đó. Đây là động cơ chính thúc đẩy các em lựa chọn việc học tập ở trường nghệ thuật.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thẩm mỹ cho sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn hà nội (Trang 50 - 54)