Phát huy dân chủ, tôn trọng cá tính sáng tạo, đề cao trách nhiệm xã hội của sinh viên các trường nghệ thuật

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thẩm mỹ cho sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn hà nội (Trang 92 - 96)

nhiệm xã hội của sinh viên các trường nghệ thuật

Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một nền văn hóa thể hiện tinh thần dân chủ; Tinh thần dân chủ là đặc trưng của nền văn hóa tiên tiến. Dân chủ là nguồn sữa nuôi dưỡng văn hóa, càng dân chủ càng có điều

kiện cho văn hóa phát triển. Văn hóa càng phát triển thì con người lại càng có khả năng tác động vào chính văn hóa. Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là xây dựng một đời sống tinh thần cao đẹp, phong phú và đa dạng có nội dung nhân đạo, dân chủ và tiến bộ.

Mục tiêu phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 được xác định trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt nam đến năm 2020 có nêu rõ:

Giải phóng mạnh mẽ năng lực và tiềm năng sáng tạo của mọi người, phát huy cao độ tính sáng tạo của trí thức, văn nghệ sỹ; đào tạo tài năng văn hóa, nghệ thuật; tạo cơ chế, chính sách và cơ sở vật chất để có nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao xứng tầm với dân tộc và thời đại [26, tr.401].

Đảng ta luôn chủ trương coi nghệ sỹ là chiến sỹ trên mặt trận văn nghệ phục vụ cho sự nghiệp đổi mới đất nước. Nhưng để cho nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng hiện nay và để cho người nghệ sỹ - chiến sỹ thực hiện được hoài bão của mình thì phải phát huy mọi nguồn lực và mọi khả năng sáng tạo của hoạt động nghệ thuật. Sáng tạo nghệ thuật luôn đi liền với tự do sáng tác. Tự do sáng tác, trước hết là tự do sáng tạo của nghệ sỹ, của nhà phê bình lý luận và của cả công chúng thưởng thức tác phẩm nghệ thuật. Đó là cảm hứng tìm tòi, khám phá cái mới của nhà nghệ sỹ; là sự cảm nhận những cảm xúc thẩm mỹ chân thực khi nhận định, đánh giá nghệ thuật của nhà lý luận phê bình nghệ thuật; là sự lựa chọn tiếp nhận thưởng thức của công chúng đối với tác phẩm nghệ thuật. Cho nên, phát huy dân chủ, tự do thực sự cho nghệ thuật, tôn trọng cá tính sáng tạo, thực chất là vấn đề tự do thực sự cho nghệ thuật, xét cả phương diện bên trong và bên ngoài nghệ thuật. Tự do vốn là điều kiện khởi điểm của sáng tạo. Nghệ thuật truyền thống từng bị ràng buộc bởi hệ thống các quy phạm xã hội, những khuôn mẫu kinh nghiệm và những chuẩn mực bất biến về giá trị.

Khi yêu cầu về phát huy dân chủ và tôn trọng cá tính sáng tạo được đặt ra thì sự đa dạng trong suy nghĩ và sự tìm kiếm về tư tưởng trong nghệ thuật như là một nhu cầu khách quan của sự phát triển nghệ thuật. Hiện nay yêu cầu về tự do sáng tạo gắn liền với việc khẳng định vai trò cá nhân - tức là cá nhân được giải phóng, những sự giải phóng này đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao của nhà nghệ sỹ về tự do, đồng thời trình độ thẩm mỹ của công chúng ngày càng cao khiến cho việc cảm thụ, đánh giá những tác phẩm nghệ thuật hiện nay không thể theo quan niệm và phương pháp cũ. Tuy nhiên, kết quả sáng tạo không chỉ phụ thuộc vào cơ chế dân chủ và tự do sáng tạo, mà phần đặc biệt quan trọng, quyết định chất lượng tác phẩm là năng lực sáng tạo của nghệ sỹ. Cho nên vấn đề đáp ứng yêu cầu dân chủ hóa, tăng cường nguồn lực, phương tiện cho sáng tạo, phải gắn liền với vấn đề phát hiện năng khiếu, đào tạo bồi dưỡng nhân tài. Sáng tạo nghệ thuật với tư cách là một phương thức diễn đạt cá nhân không chỉ là đặc thù của sáng tạo nghệ thuật, mà còn là tính đặc thù của phong cách sáng tạo của cá nhân người nghệ sỹ. Bởi vậy, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trước hết phải phát hiện năng khiếu cá nhân và năng khiếu đó phải được chăm sóc, đào tạo. Việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, ngoài những kiến thức cần thiết còn phải đặc biệt quan tâm, trân trọng năng lực tìm tòi, khám phá của người nghệ sỹ thông qua cá tính và thiên hướng nghệ thuật của họ. Một vấn đề cũng rất quan trọng là việc sử dụng tài năng nhân tài trogn lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Trong mọi trường hợp, giáo dục và đào tạo mới chỉ là một khâu, một mắt xích trong toàn bộ sự chuẩn bị cho hoạt động và phát triển của các tài năng. Vì vậy, việc tạo nguồn nhân lực cho tài năng cần có sự kết hợp và sự thống nhất giữa gia đình, nhà trường và xã hội, giữa việc đào tạo và việc sử dụng tài năng. Nhà trường có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tài năng, nhưng nếu xã hội không dùng đến hoặc dùng không đúng hoặc chưa phát huy hết khả năng vốn có của nhân tài cũng dẫn đến sự mai một các tài năng. Bởi vậy, việc phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng

nhân tài là một hệ thống nhất quan, cần phải có chính sách đúng đắn và có kế hoạch quản lý cụ thể của Nhà nước.

Như vậy, xã hội và nhà trường nghệ thuật cần quan tâm đến việc phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng tài năng nghệ thuật, điều đó cũng đòi hỏi bản thân người nghệ sỹ, và nhất là nhóm sinh viên nghệ thuật đang ngồi trên ghế nhà trường phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm xã hội của mình trong công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Sức mạnh của văn hóa dân tộc, tương lai của văn hóa dân tộc phụ thuộc rất lớn vào thế hệ trẻ, vào lực lượng thanh niên, sinh viên của đất nước. Sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên nghệ thuật nói riêng là những trí thức tương lai của đất nước, họ chính là những người đóng vai trò chủ chốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thế kỷ XXI là thế kỷ của văn minh trí tuệ, của sự phát triển kinh tế kỹ thuật, nên rất cần những con người trẻ tuổi, có trình độ và năng lực sáng tạo cao, có khả năng tiếp nhận cái mới rất nhanh và biết biến đổi linh hoạt, thích nghi kịp thời đối với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại, đại diện cho một thế hệ tiên tiến mới.

Tuổi trẻ là nền tảng một đời người. Với sinh viên nghệ thuật, những người ngồi trên ghế giảng đường là quãng thời gian vô cùng quan trọng trong quá trình lâu dài tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp sáng tác nghệ thuật và bản lĩnh chính trị.

Vì vậy, hoạt động giáo dục tư tưởng, đạo đức cho sinh viên trong các nhà trường nghệ thuật, trước hết phải được bắt đầu từ việc hình thành ý thức thẩm mỹ đúng đắn, tiên tiến để mỗi sinh viên có khả năng tốt nhất khi cảm thụ, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ, làm cho sự sáng tạo theo quy luật của cái đẹp trở thành nhu cầu và tác động tới mọi mặt của đời sống sinh viên, giáo dục tình cảm, thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ đúng đắn, lành mạnh để phát triển toàn diện nhân cách. Đó là lý tưởng thẩm mỹ của nghệ thuật tiến bộ, dân chủ và nhân văn, bằng hoạt động nghệ thuật của mình hướng tới cải tạo hiện thực

khách quan, xây dựng một chế độ xã hội tốt đẹp với một nền văn hoá nhân bản, một chế độ xã hội mới tốt đẹp. Đó là một thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh kết hợp được tình cảm và lí trí, cá nhân và xã hội, hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thẩm mỹ cho sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn hà nội (Trang 92 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)