1.2.1.1. Khái niệm về sinh viên nghệ thuật
Sinh viên nghệ thuật là những sinh viên đang học tập và rèn luyện một lĩnh vực hoạt động nghệ thuật dưới mái trường đại học, cao đẳng hay trung cấp nghệ thuật. Là sinh viên của các trường có chức năng đào tạo cán bộ nghệ thuật trên các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh và truyền hình, nhiếp ảnh, sư phạm nghệ thuật, cán bộ trong lĩnh vực văn hóa nên sinh viên của các trường nghệ thuật cũng có nhiều đặc điểm khác với sinh viên các trường đại học khác.
Thứ nhất: Do đặc thù của các chuyên ngành nghệ thuật nên sinh viên trong các trường nghệ thuật bao gồm nhiều lứa tuổi khác nhau. Hệ trung cấp nghệ thuật tuyển sinh các đối tượng còn nhỏ, từ học sinh phổ thông cơ sở đến trung học. Các em khi vào trường vừa tham gia học tập chuyên ngành nghệ thuật vừa tham gia học chương trình phổ thông theo quy định của bộ Giáo dục và Đào tạo (các trường Múa, Xiếc). Đối với các trường cao đẳng và đại học thì tuyển sinh chủ yếu từ học sinh đã tốt nghiệp phổ thông trung học. Các em này có độ tuổi giống như sinh viên ở các trường đại học khác. Đối với thí sinh dự tuyển các ngành diễn viên, độ tuổi được giới hạn từ 17 đến 23. Có một bộ phận không nhỏ sinh viên nghệ thuật có các độ tuổi lớn hơn so với độ tuổi sinh viên. Đó là những sinh viên đã có bằng trung cấp, cao đẳng nghệ thuật, sau một thời gian công tác tại một cơ quan nghệ thuật, vì nhu cầu mở rộng kiến thức nên học tiếp lên bậc đại học.
Thứ hai: Ngoài các hệ đào tạo chính quy tập trung ở bậc đại học và cao học, các trường nghệ thuật còn có sinh viên hệ đại học tại chức. Phần lớn sinh viên tại chức là các cán bộ trong các nhà hát, đoàn nghệ thuật, các đài truyền hình, hãng phim, các cơ quan văn hóa theo học các chuyên ngành đạo diễn, lý luận, quay phim, văn hóa, thư viện, bảo tàng… do yêu cầu của cơ quan. Số thí sinh tự do theo học hệ tại chức rất ít. Do đó sinh viên tại chức là những người đã làm công tác nghệ thuật, có những người đã được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ nhân dân cũng đang theo học.
1.2.1.2. Đặc điểm về hoạt động nhận thức của sinh viên nghệ thuật
Sinh viên nghệ thuật là tầng lớp thanh niên ưu tú, tri thức xã hội và hiểu biết về nghệ thuật tương đối cao. Khả năng tư duy lôgíc, tư duy lý luận của sinh viên nghệ thuật phát triển mạnh, họ có thể nhận thức được những vấn đề lý luận xã hội, nghệ thuật phức tạp; có thể đi sâu vào các khoa học cơ bản cũng như những ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực nghệ thuật mới
nhất. Với óc tưởng tượng và tư duy sáng tạo, sinh viên luôn khao khát tìm hiểu cái mới trong nghệ thuật và có năng lực nhạy cảm tiếp thu cái mới.
Phương thức hoạt động cơ bản của sinh viên nghệ thuật là học tập lý thuyết và thực hành sự điều khiển của giáo viên và các nghệ sỹ, nhằm chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng, kỹ xảo có liên quan đến chuyên ngành nghệ thuật tương lai của mình. Hệ thống tri thức mà sinh viên nghệ thuật tiếp nhận ở nhà trường bao gồm: tri thức cơ bản, tri thức cơ sở của chuyên ngành, tri thức chuyên ngành, cùng với hệ thống kỹ năng, kỹ xảo tương ứng về một lĩnh vực nghệ thuật nhất định nào đó.
Tuy nhiên, do đặc trưng của các ngành khác nhau nên nhận thức của sinh viên rất khác nhau. Đối với sinh viên theo học các chuyên ngành diễn viên, do đặc thù biểu diễn nên sinh viên được tuyển chọn rất kỹ càng về hình thể và khả năng diễn xuất. Đối với sinh viên các chuyên ngành sáng tác kịch bản, văn học hoặc lý luận, phê bình văn học thì cần có trình độ hiểu biết về tri thức xã hội và rất nhạy cảm với các vấn đề nghệ thuật. Đối với khối sinh viên sư phạm nghệ thuật, ngoài khả năng nhận thức và sáng tác nghệ thuật, họ còn có khả năng sư phạm, truyền đạt kiến thức nghệ thuật cho nhiều đối tượng khác nhau. Do đó mặt bằng chung về nhận thức, trình độ văn hoá xã hội của sinh viên rất khác nhau.
1.2.1.3. Đặc điểm về đời sống tình cảm của sinh viên nghệ thuật
Tuổi sinh viên là thời kỳ phát triển tích cực nhất của các loại tình cảm như: tình cảm trí tuệ, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ. Những tình cảm này được biểu hiện phong phú trong các hoạt động của họ mang tính chất hệ thống và bền vững.
Sinh viên nghệ thuật có đời sống tình cảm phong phú, sôi nổi, yêu vẻ đẹp thể hiện ở hành vi, đạo đức, hoạt động nghệ thuật. Cá biệt có người đã xây dựng cho mình triết lý về cái đẹp theo lý tưởng thẩm mỹ khá ổn định. Họ rất tự tin vào bản thân, tự trọng và mong muốn hoàn thiện mình. Bên cạnh
tính nhạy cảm, sôi nổi, sinh viên nghệ thuật còn có đặc điểm là nhiều ham muốn, tham vọng, bồng bột, tình cảm vẫn còn ít nhiều cảm tính, chưa thật sâu sắc. Trong nhiều trường hợp, sinh viên vẫn còn dừng lại ở những hiện tượng bề ngoài. Suy nghĩ và hành động của họ vẫn còn dễ bị kích động bởi những điều nhỏ nhặt. Trong điều kiện hội nhập toàn cầu về kinh tế - văn hóa, có một số bộ phận sinh viên chạy theo thị hiếu nghệ thuật tầm thường, lối sống thực dụng của phương Tây, quay lưng lại với những giá trị văn hóa truyền thống, đạo đức tinh thần mà bấy lâu nay dân tộc ta trân trọng, vun đắp.
Sinh viên nghệ thuật rất giàu cảm xúc nghệ thuật, nhìn nhận sự kiện xã hội theo lăng kính cảm xúc của mình. Họ rất say mê hoạt động và thích sáng tạo, có nhiều ước vọng về tương lai và rất yêu đời. Tuy nhiên, họ thường quan tâm đến bản thân và nhân cách của mình. Nhưng do chưa tự đánh giá đúng bản thân nên họ có khuynh hướng đề cao mình quá mức đối với chung quanh, muốn nổi bật trước mắt mọi người.
Sinh viên nghệ thuật là đội ngũ dự bị của tầng lớp trí thức - văn nghệ sỹ. Trở thành sinh viên cũng là lúc người thanh niên bước những bước đầu tiên vào tầng lớp tri thức, vì vậy họ ít nhiều mang những phẩm chất của trí thức. Với tuổi trẻ dồi dào sức lực, sôi nổi nhiệt tình, có trình độ nhận thức khá cao, họ trở thành đội ngũ dự bị cho tầng lớp văn nghệ sỹ trong xã hội, đó là những con người sáng tạo và truyền bá nghệ thuật tới những nhóm người khác trong xã hội.