Nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và học tập trong nhà trường

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thẩm mỹ cho sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn hà nội (Trang 67 - 70)

trong nhà trường

2.3.2.1. Vấn đề về nội dung, chương trình đào tạo

Tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội cùng với phát triển đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất thì chương trình đào tạo là một trong những nhân tố được Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường quan tâm và ngày càng có sự đổi mới cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Trong kết quả điều tra của luận văn (câu hỏi số 3 –Phụ lục) có 72% sinh viên hài lòng với chương trình đào tạo của nhà trường, nhưng chỉ có 10% sinh viên tỏ ra rất hài lòng, và 12% không hài lòng. Như vây, trên thực tế, mặc dù có sự đổi mới trong chương trình đào tạo song chương trình đó vẫn chưa được cập nhật, có nhiều môn mà kiến thức không còn phù hợp với yêu cầu mới, hoặc có một số bộ môn rất cần thiết cho sự phát triển năng lực thẩm mỹ cho sinh viên nghệ thuật thì chỉ được giảng dạy với một số tiết rất khiêm tốn (Chẳng hạn như trong chương trình ở các trường nghệ thuật lại không có bộ môn Nghệ thuật học, môn Mỹ học rất cần cho sinh viên nghệ thuật chỉ được giảng trong 45 tiết).

Trong câu hỏi số 4 “Theo anh (chị) chương trình đào tạo cần bổ sung những nội dung gì ”, chúng tôi thu được kết quả như sau:

- Các lý thuyết cơ bản: 0% - Các lý thuyết nghề nghiệp: 10% - Các kỹ năng nghề nghiệp: 72% - Các kiến thức về xã hội: 13% - Các kiến thức về kinh tế: 5%

Kết quả trên cho thấy nhóm những bộ môn thuộc về khoa học cơ bản như các môn Mác-Lênin, môn văn học, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng… đã có một số lượng học trình đơn vị kiến thức cần thiết trong chương trình đào tạo. Tuy nhiên các môn học học liên quan đến kỹ năng nghề nghiệp thì sinh viên ít được giảng dạy. Đây là một thực tế tồn tại ở tất cả các trường đại học Việt Nam, không chỉ riêng nhóm các trường nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội. Hiện nay, chương trình giáo dục đại học tại Việt Nam vẫn còn kém hiệu quả. Nguyên nhân do Bộ khống chế quá chặt về chương trình khung và yêu cầu các trường phải tuân thủ một cách cứng nhắc. Trao đổi về vấn đề này, thầy Nguyễn Đình Thi, thầy phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo trường Sân khấu - Điện ảnh cho biết: “Kiến thức chuyên ngành sinh viên

được học quá ít. Ví dụ, một chương trình cử nhân, bao gồm 125-130 tín chỉ tất cả các môn, trong đó có khoảng 80-90 tín chỉ là môn chung. Các môn chung của ngành cũng khoảng 20 tín chỉ nữa. Cho nên những kiến thức sẽ học để sau này sinh viên đi làm thực tế chỉ còn khoảng 20 tín chỉ nữa, tương đương với 4-5 môn”.

Yêu cầu cần phải tăng cường các môn học về các kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên nói chung, sinh viên nghệ thuật nói riêng là yêu cầu rất chính đáng, bởi vì sinh viên nghệ thuật học để chuẩn bị một nghề cho tương lai, rất cần phải học và nắm bắt các kiến thức để chuẩn bị cho cuộc sống sau khi ra trường, đối diện và giải quyết các vấn đề mà thực tế sẽ đặt ra, tìm cách xây dựng một cuộc sống thực sự xứng đáng với mong muốn của mình.

2.3.2.2. Về phương pháp giảng dạy

Nội dung giáo dục nghệ thuật ngày nay mang tính hiện đại và phát triển, phương pháp giáo dục coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu, tạo điều kiện cho sinh viên nghệ thuật phát triển tư duy sáng tạo và tạo tiền đề để sinh viên có khả năng tự học, tự sáng tạo suốt đời. Từ những yêu cầu trên nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghệ thuật đã tập trung các nguồn lực vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đạt mục đích giáo dục cao nhất là đào tạo những nghệ sỹ tương lai của đất nước có tài năng.

Đặc biệt, việc chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên để phù hợp với học lực, tâm lý của sinh viên nghệ thuật là rất quan trọng. Tinh thần của đổi mới phương pháp giảng dạy là phải để sinh viên tự tìm tòi, sáng tạo, giảng viên là người mở đường cho các em, giải quyết những thắc mắc khi sinh viên chưa hiểu, chưa nắm rõ. Giảng viên thực hiện đúng phương pháp mới thì mặt chuyên môn phải chắc, phải có bản lĩnh nghề nghiệp và phải biết chọn từng đối tượng mà áp dụng. Sinh viên nghệ thuật được tổ chức làm việc theo nhóm, giảng viên theo sát bên cạnh định hướng thì phương pháp dạy

học, cách dạy học mới sẽ khuyến khích sinh viên hứng thú trong quá trình học tập và sáng tạo nghệ thuật.

Để đạt được hiệu quả cao trong giảng dạy các bộ môn nghệ thuật , giảng viên cần tạo cho sinh viên tinh thần tự do để thể hiện bản thân, thể hiện tài năng của mình, để họ tự khẳng định mình như những cá nhân độc lập và độc đáo. Có thể nói, người thầy đóng vai trò là người tổ chức, người tham vấn, hướng dẫn sinh viên nắm bắt vấn đề, còn sinh viên giữ vai trò là người hợp tác để cùng nắm kiến thức. Nếu người giảng viên biết thổi vào tâm hồn sinh viên luồng gió tự học và người học được đào tạo một cách chính quy, có hệ thống ở nhà trường thì sẽ phát huy tối đa tiềm năng trí tuệ, khả năng sáng tạo của bản thân.

Tuy nhiên, sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy cũng vẫn chưa đồng bộ ở các bộ môn. Đối với các môn khoa học cơ bản, giảng viên vẫn sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống là thuyết trình. Giảng viên lý giải rằng phương pháp này khiến sinh viên nghệ thuật không hứng thú nhưng họ phải truyền đạt hết nội dung giáo trình theo số tiết mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Phương pháp dạy và học hiện nay chủ yếu chạy theo chương trình, đối phó với các kỳ thi.

Sự đổi mới về phương pháp giảng dạy ở một số bộ môn trong các trường nghệ thuật hiện nay chỉ mang tính hình thức. Thiết bị giảng dạy như: máy chiếu, video… chỉ là phương tiện hỗ trợ để nâng cao chất lượng giảng dạy, quan trọng hơn cả là việc giảng viên phải hình thành được ở sinh viên nghệ thuật tư duy sáng tạo, tinh thần trách nhiệm thể hiện qua việc học tập trong nhà trường và tham gia hoạt động nghệ thuật ngoài xã hội.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thẩm mỹ cho sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn hà nội (Trang 67 - 70)