Đội ngũ giáo viên

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thẩm mỹ cho sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn hà nội (Trang 72 - 74)

Cùng với số lượng học sinh, đội ngũ cán bộ, giảng viên của các nhà trường nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội những năm qua cũng không ngừng phát triển về số lượng cũng như chất lượng. 100% số cán bộ, giáo viên có trình độ đại học và trên đại học. Đội ngũ cán bộ, giảng viên vững về chuyên môn, tâm huyết với nghề, hết lòng vì sinh viên.

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, đi đôi với việc hiện đại hóa chương trình, giáo trình cũng như phương tiện đào tạo, cần có đội ngũ giảng viên vừa có trình độ chuyên môn vững vàng, vừa nắm vững phương pháp giảng dạy tích cực, giúp cho sinh viên hào hứng, chủ động sáng tạo trong học tập và sáng tạo. Tuy nhiên, để có được đội ngũ giảng viên cơ hữu trong các nhà trường đáp ứng đầy đủ công việc đào tạo là công việc rất lâu dài và rất phức tạp.

Trong câu hỏi số 19 về dự định của sinh viên sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp ra trường chỉ có 10% sinh viên muốn ở lại trường để tham gia giảng dạy tại trường. Giảng dạy nghệ thuật là công việc rất đặc thù, đòi hỏi giảng viên ngoài kiến thức lý thuyết vững vàng phải có sự khẳng định mình trong

lĩnh vực nghệ thuật chuyên ngành (Chẳng hạn, để dạy được môn Biên kịch điện ảnh, giảng viên ít nhất phải có kịch bản phim nhựa đã được dựng thành phim, để dạy được môn kỹ thuật biểu diễn sân khấu, giảng viên đó phải có những vai diễn chính trong những vở sân khấu chính kịch…). Chỉ có kiến thức và năng lực sư phạm là là chưa đủ, các giảng viên nghệ thuật phải có trải nghiệm thực tế chính vấn đề đó. Khi có được vị thế rồi, giảng viên mới có thể dạy được sinh viên một nghề nghiệp nhất định, cho nên đào tạo được giảng viên dạy trong các trường nghệ thuật là khó khăn, lâu dài.

Khắc phục tình trạng này, đã từ lâu các trường nghệ thuật tiến hành biện pháp mới giảng viên thỉnh giảng là các nghệ sỹ có tên tuổi, kinh nghiệm trong các lĩnh vực nghệ thuật tham gia giảng dậy trong nhà trường.

Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng sẽ đưa lại cho sinh viên nghệ thuật lượng tri thức phong phú hơn, đa dạng hơn, chuyên sâu hơn và cởi mở hơn. Sinh viên nghệ thuật rất cần và mong chờ phẩm chất nghệ sỹ, phẩm chất chuyên gia trong từng lĩnh vực mà họ theo đuổi, xới gợi nên các vấn đề, truyền cho họ sự đam mê nghệ thuật. Đến từ một nơi khác, có phần vô tư và khách quan hơn, giảng viên thỉnh giảng tránh được những thành kiến nào đó ảnh hưởng đến tâm lý của sinh viên khi tiếp thu kiến thức. Giảng viên thỉnh giảng đưa đến một không khí học thuật sôi nổi đồng thời có những ảnh hưởng nhất định tới các giảng viên cơ hữu và thể chế học thuật của nhà trường. Giảng viên cơ hữu của trường này lại có cơ hội để trở thành chuyên gia, giảng viên thỉnh giảng tại một trường nghệ thuật khác.

Mời giảng viên thỉnh giảng trong các bộ môn nghệ thuật chuyên ngành đối với sinh viên còn có lợi thế mà giảng viên cơ hữu ít có thể có được. Đó là mối quan hệ của họ trong các hoạt động nghệ thuật ngoài xã hội. Ngoài giờ dậy lý thuyết trên nhà trường, giảng viên thỉnh giảng còn tạo cơ hội cho sinh viên tham gia trực tiếp vào các hoạt động nghệ thuật ngoài xã hội (Sinh viên điện ảnh thì tham gia làm phim do thầy là biên kịch, đạo diễn, hoặc quay

phim; sinh viên thiết kế mỹ thuật theo thầy thiết kế sân khấu, hoặc bộ phim…). Chính hoạt động thực tiễn này đã giúp cho sinh viên nghệ thuật có cơ hội kết hợp lý thuyết với thực hành, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp trong chính môi trường thực tiễn.

Tuy nhiên, mời giảng viên thỉnh giảng như vậy chỉ là biện pháp tình thế, bởi vì nếu phụ thuộc vào việc đó thì hoạt động giáo dục đào tạo sẽ có nhiều bất cấp. Chẳng hạn, giảng viên thỉnh giảng không dành được thời gian giảng dạy đúng niên học của nhà trường. Nhà trường không chủ động được kế hoạch, chương trình đào tạo.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực thẩm mỹ cho sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn hà nội (Trang 72 - 74)