Giảm chi phí đầu tư chăm sóc

Một phần của tài liệu Nâng cao thu nhập từ hoạt động trồng mía nguyên liệu cho các nông hộ tại thị xã ninh hòa, tỉnh khánh hòa (Trang 102 - 103)

Kết quả hồi quy cho thấy, chi phí tác động rất lớn đến thu nhập từ trồng mía của nông hộ. Chỉ cần chi phí giảm 1% thì thu nhập từ trồng mía tăng lên 7,992%. Để đầu tư trồng mía cần rất nhiều chi phí, qua điều tra thực tế, trung bình chi phí vụ tơ dao động từ 50 – 60 triệu đồng/ha, vụ gốc 1 và vụ gốc 2 chi phí dao động từ 30 – 40 triệu đồng/ha. Những giải pháp nghiên cứu đưa ra mang tính thực tiễn rất cao và có thể áp dụng ngay vào niên vụ sản xuất mía 2015 - 2016:

Thứ nhất, giải pháp giảm chi phí trong đầu tư hom mía giống: chi phí hom giống chỉ phát sinh trong vụ tơ, theo kết quả điều tra, chi phí hom mía giống chiếm 18% so với tổng chi phí của vụ tơ. Mía là loại cây rễ chùm nên hút chất dinh dưỡng ở tầng đất mặt. Trong khi mía nguyên liệu ở Ninh Hòa chủ yếu trồng trên địa hình đồi dốc, sườn đồi, sườn núi nên qua mùa mưa, đất bị rửa trôi rất nhanh nên mía nguyên liệu thường lưu gốc được đến 3 vụ (3 năm). Để lưu gốc được lâu, bà con nông dân ngay ban đầu phải làm tốt khâu chuẩn bị đất, bổ sung chất dinh dưỡng cho đất. Hom mía trồng xuống đất càng sâu thì bộ rễ càng bám sâu vào đất, có như vậy mía mới lưu gốc được lâu. Khi xuống giống vụ mới tốn rất nhiều khoảng chi phí như chi phí mua hom giống, làm đất, phá gốc mía cũ, cải tạo đất, thuê nhân công xuống hom.... Vì vậy, nông hộ nên chọn mía giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa

phương để thời gian lưu gốc được lâu hơn.

Thứ hai, giải pháp giảm chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Qua điều tra cho thấy, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chiếm tỷ trọng lớn nhất (47%) trong tổng chi phí. Để giảm bớt các khoản chi phí này, các chuyên gia khuyên bà con nông dân nên đốt lá mía, ngọn mía, sau đó cày vùi vào đất. Việc làm này có 2 tác dụng, thứ nhất là tiêu diệt các mầm bệnh từ vụ trước và thứ hai là bổ sung phân hữu cơ, tăng độ

phì nhiêu cho đất. Nên học tập mô hình sử dụng máy cày đất ngầm trong lúc bón phân do ông Huỳnh Văn Giáo (Ninh Hòa – Khánh Hòa), là nông dân trồng mía nguyên liệu giỏi, đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, đại diện tỉnh Khánh Hòa được nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014”. Bằng kinh nghiệm trồng mía nguyên liệu của mình, ông tự tìm tòi ra cách bón phân hiệu quả và sáng tạo ra máy cày đất ngầm vừa phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, vừa tiết kiệm chi phí. Thực tế hiện nay do tập quán canh tác phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa nên nông hộ bón phân theo cách thức chờ mưa xuống, rải phân trên gốc mía, chờ nước mưa hòa tan, thấm vào mặt đất. Với cách thức này, phân bón bị bốc hơi và rửa trôi rất nhanh. Theo kinh nghiệm của ông Giáo, ông bón vào giữa gốc, sau đó dùng máy cày đất ngầm vùi phân bón xuống đất, tránh tình trạng bốc hơi và rửa trôi phân. Với hình thức bón phân cũ, người nông dân phải bón phân từ 3 - 4 lần/vụ. Với cách bón phân của ông Giáo, 1 vụ ông chỉ bón có 2 lần do hiệu quả từ các lần phân bón kéo

dài, tránh tình trạng thất thoát, tiết kiệm chi phí rất nhiều.

Thứ ba, giải pháp giảm chi phí lao động. Qua kết quả điều tra cho thấy, trong 292 mẫu khảo sát có 185 mẫu (chiếm 63%) chỉ có 1 lao động trực tiếp tham gia trồng mía. Trong giai đoạn phát triển của cây mía, có giai đoạn cần rất nhiều công lao động nhưng cũng có giai đoạn hầu như không cần đến sự chăm sóc của con người. Vì đa phần nông hộ chỉ có 1 lao động tham gia trực tiếp nên lao động chủ yếu là lao động thuê. Chi phí lao động bao gồm các khoản: công trồng, công chăm sóc và công thu hoạch. Qua mẫu điều tra, chi phí lao động chiếm tỷ lệ 34% trong tổng chi phí, trong đó công thu hoạch là nhiều nhất, chiếm 18% trong chi phí thuê lao động. Hiện nay hình thức thu hoạch ở Ninh Hòa hoàn toàn thủ công, thuê nhân công ra ruộng mía chặt từng cây, 10-12 cây bó thành một bó, trả tiền cho từng bó. Trong khi mía là một loại cây sinh khối lớn, để thu hoạch hết ruộng mía phải trả một chi phí rất lớn. Nên ứng dụng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào khâu này bằng cách sử dụng các máy thu hoạch

mía hiện có bán trên thị trường để giảm tiền thuê nhân công.

Một phần của tài liệu Nâng cao thu nhập từ hoạt động trồng mía nguyên liệu cho các nông hộ tại thị xã ninh hòa, tỉnh khánh hòa (Trang 102 - 103)