Mô hình kinh tế lượng về các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ

Một phần của tài liệu Nâng cao thu nhập từ hoạt động trồng mía nguyên liệu cho các nông hộ tại thị xã ninh hòa, tỉnh khánh hòa (Trang 58 - 60)

trồng mía nguyên liệu

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng mô hình kinh tế lượng hồi qui đa biến để xác định những yếu tố tác động đến thu nhập từ hoạt động trồng mía nguyên liệu của các nông hộ tại Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Từ mô hình này sẽ phục vụ cho việc gợi ý các chính sách để nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng mía. Các

biến cụ thể đưa vào những mô hình kinh tế lượng này được diễn giải cụ thể dưới đây.

Mô hình hồi quy đa biến được xác định có các dạng như sau:

Ln_Thunhap = β0 + β1Ln_Tuoi + β2Gioitinh + β3Hocvan + β4Kinhnghiem + β5Ln_Laodong + β6_Vayvon + β7_ Taphuan + β8Ln_Chiphi + β9Ln_Nangsuat + β10_ Chuduong + β11Ln_ Giaban + u

Trong đó:

Thunhap: là biến phụ thuộc, thể hiện lợi nhuận từ hoạt động trồng mía nguyên liệu tính cho 1 đơn vị diện tích (triệu đồng/ha).

Tuoi: là biến đại diện cho tuổi của chủ hộ. Theo những kết của nghiên cứu trước và điều tra thực tế cho thấy, tuổi của chủ hộ càng cao, càng tích lũy nhiều về kiến thức và phương thức canh tác trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy kỳ vọng rằng tuổi chủ hộ tác động thuận chiều đến thu nhập từ hoạt động trồng mía nguyên liệu, dấu hệ số hồi quy (+).

Gioitinh: là biến giả, thể hiện giới tính của chủ hộ. Nhận giá trị 0 nếu chủ hộ là nữ giới, giá trị 1 nếu chủ hộ là nam giới. Theo lý thuyết và kết quả của các nghiên cứu trước, làm nông cần có sức khỏe nên chủ hộ là nam giới sẽ làm tốt hơn nữ giới trong hoạt động trồng mía nguyên liệu. Vì vậy, kỳ vọng chủ hộ là nam thì thu nhập cao hơn so với chủ hộ là nữ giới, dấu hệ số hồi quy (+).

Hocvan: là biến thể hiện trình độ học vấn của chủ hộ, nhận giá trị 0 nếu chủ hộ không biết chữ, nhận giá trị 1 nếu chủ hộ học cấp 1, nhận giá trị 2 nếu chủ hộ học cấp 2, nhận giá trị 3 nếu chủ hộ học cấp 3, nhận giá trị 4 nếu chủ hộ học trung cấp nghề, nhận giá trị 5 nếu chủ hộ học cao đẳng và nhận giá trị 6 nếu chủ hộ học đại học. Theo những kết của nghiên cứu trước và điều tra thực tế cho thấy trình độ học vấn của chủ hộ càng cao, khả năng tiếp thu nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Biến số trình độ học vấn được kỳ vọng có quan hệ cùng chiều với thu nhập của nông hộ, dấu hệ số hồi quy (+).

Kinhnghiem: là biến thể hiện số năm kinh nghiệm trồng mía nguyên liệu của chủ hộ. Theo những kết của nghiên cứu trước và điều tra thực tế cho thấy, các nông hộ có nhiều năm trồng mía nguyên liệu thì sẽ có nhiều kinh nghiệm thực tế hơn. Biến số kinh nghiệm được kỳ vọng có quan hệ đồng biến với thu nhập nông hộ trồng mía nguyên liệu, dấu hệ số hồi quy (+).

Laodong: là biến thể hiện số lao động trực tiếp tham gia vào hoạt động trồng mía của nông hộ. Điều tra thực tế cho thấy, mía là loại cây có sinh khối lớn, chặt mía hoàn toàn thủ công, các nông hộ có nhiều lao động trực tiếp trồng mía thì ít phải thuê lao động ngoài. Biến số này tác động thuận chiều với thu nhập. Kỳ vọng dấu hệ số hồi quy (+).

Vayvon: là biến giả, thể hiện tình trạng nông hộ có hoặc là không vay vốn để hỗ trợ hoạt động trồng mía nguyên liệu. Nhận giá trị 1 nếu chủ hộ có vay vốn để đầu tư cho hoạt động trồng mía nguyên liệu, nhận giá trị 0 cho trường hợp còn lại. Theo những kết quả của nghiên cứu trước và điều tra thực tế cho thấy: khi được vay vốn, nông hộ có điều kiện tăng cường đầu tư, chăm sóc, đầu tư hệ thống tưới tiêu nên vay vốn tác động thuận chiều với thu nhập. Kỳ vọng dấu hệ số hồi quy (+).

Taphuan: là biến giả, nhận giá trị 1 nếu hộ có tham gia tập huấn kỹ thuật trồng mía và nhận giá trị 0 cho những trường hợp còn lại. Theo những kết quả của nghiên cứu trước và điều tra thực tế cho thấy, các nông hộ áp dụng kiến thức được tập huấn vào sản xuất sẽ thu hoạch được năng suất cao hơn các nông hộ không tham gia tập huấn. Biến số tập huấn có quan hệ đồng biến với thu nhập nông hộ trồng mía nguyên liệu. Kỳ vọng biến này mang dấu dương (+).

Chiphi: là biến thể hiện tổng chi phí sản xuất mía nguyên liệu tính cho 1 đơn vị diện tích (triệu đồng/ha). Chi phí bao gồm các khoản mục: chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền lãi vay, làm đất, công trồng, công chăm sóc, chi phí thu hoạch và chi phí khác. Trong lý thuyết kinh tế, chi phí bỏ ra càng nhiều thì thu nhập thường có xu hướng giảm xuống, chi phí và thu nhập có quan hệ nghịch chiều, kỳ vọng dấu hệ số hồi quy (-).

Nangsuat: là biến thể hiện năng suất tính cho 1 đơn vị diện tích (tấn/ha), kỳ vọng biến này mang dấu dương (+). Theo những kết của nghiên cứu trước, cùng với lý thuyết kinh tế cho rằng biến số năng suất có quan hệ đồng biến với thu nhập nông hộ trồng mía nguyên liệu.

Chuduong: chữ đường được hiểu là hàm lượng % đường có trong cây mía. Hàm lượng đường/ 01 tấn mía nguyên liệu là căn cứ để nhà máy đường thanh toán tiền mía

cho nông hộ. Chữ đường càng cao thì bán càng được nhiều tiền. Do vậy, trong nghiên cứu kỳ vọng rằng biến số này có quan hệ thuận chiều với thu nhập nông hộ. Thông tin về chữ đường được thu thập trực tiếp từ các nông hộ trong mẫu điều tra.

Giaban: là biến số thể hiện giá trị của nông sản (triệu đồng/tấn), kỳ vọng mang dấu dương (+). Trong lý thuyết kinh tế, khi giá bán nông sản càng cao thì thu nhập của nông hộ càng tăng lên và ngược lại. Theo những kết quả của nghiên cứu trước cho thấy giá bán nông sản đồng biến với thu nhập nông hộ. Vì vậy trong nghiên cứu, biến số này được kỳ vọng tác động dương đến thu nhập của nông hộ trồng mía nguyên liệu.

u: là sai số ngẫu nhiên của hàm hồi qui tổng thể khi các giả định truyền thống của hàm hồi qui tổng thể được thoả mãn.

Một phần của tài liệu Nâng cao thu nhập từ hoạt động trồng mía nguyên liệu cho các nông hộ tại thị xã ninh hòa, tỉnh khánh hòa (Trang 58 - 60)