Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Nâng cao thu nhập từ hoạt động trồng mía nguyên liệu cho các nông hộ tại thị xã ninh hòa, tỉnh khánh hòa (Trang 46 - 48)

 Đất đai – Thổ nhưỡng

Trên địa bàn Ninh Hòa hiện có các nhóm đất sau: nhóm đất mặn phân bố chủ yếu ở phía Đông Thị xã Ninh Hòa, những vùng đất tiếp giáp biển. Nhóm đất phù sa: Phân bố trải đều ven các sông suối trên địa bàn. Đất phù sa rất thích hợp cho cây mía sinh trưởng và phát triển. Nhóm đất xám: thường hình thành ở các vùng có địa hình đồi dốc thoai thoải, thời tiết khô hạn, thường bị xói mòn và rửa trôi các hạt sét, keo và chất dinh dưỡng. Nên tầng đất mặt nghèo chất dinh dưỡng số lượng vi sinh vật trong đất rất ít, hoạt động yếu. Loại đất này thương phù hợp với nhóm cây trồng: ngô, khoai, sắn, mía (hiện nay cây mía ở Thị xã Ninh Hòa chủ yếu được trồng trên loại đất này). Nhóm đất đỏ vàng và đất mùn đỏ vàng: phân bố chủ yếu trên núi cao, với hàm lượng sắt và nhôm trong đất khá cao. Nhóm đất dốc tụ, đất xói mòn trơ sỏi đá và đất khác. (Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, 2008).

Cây mía thích hợp nhất là được trồng trên địa hình vàn cao, bằng phẳng, có điều kiện tưới tiêu tốt. Dạng đất địa hình, đồi thoải chỉ thích hợp ở mức thứ hai do khó khăn trong khâu làm đất, vận chuyển và tưới tiêu. Do điều kiện tự nhiên, Ninh Hòa như một thung lũng, 3 mặt là núi, 1 mặt là biển, địa hình chủ yếu là đồi thoải, nên cây mía chủ yếu trồng trên địa hình đồi thoải.

 Thời tiết khí hậu

Theo phân vùng khí hậu tỉnh Khánh Hòa, Thị xã Ninh Hòa nằm trong tiểu vùng khí hậu II3 – thuộc vùng đồng bằng ven biển, mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương. Một năm chia làm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô.

Mùa mưa: bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12, trong thời gian này chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, khí hậu hơi lạnh mưa nhiều. Lượng mưa chiếm 80% tổng lượng mưa cả năm. Lượng mưa trung bình năm: 1.350mm.

Mùa khô: kéo dài từ tháng 1 đến tháng 8 hàng năm, lượng mưa chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng mưa cả năm, nắng hạn gay gắt, gây khô hạn và ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng.

Nhiệt độ trung bình năm là 26,60C. Nhiệt độ cao nhất: 39,40C. Nhiệt độ thấp nhất: 14,60C. Tổng tích ôn khoảng 9.5000C. Độ ẩm không khí trung bình khoảng 80%.

Lượng mưa:

+ Lượng mưa trung bình năm: 1350 mm + Lượng mưa cao nhất: 1.600 – 1.800 mm. + Lượng mưa thấp nhất: 1.000 – 1.200 mm.

Chế độ nắng, gió: thời gian chiếu nắng trung bình khoảng 6,2 giờ/ngày, tính bình quân cả năm đạt 2.482 giờ nắng/năm.

Cây mía là loại cây nhiệt đới đòi hỏi độ ẩm, lượng mưa, thời gian chiếu sáng khá cao. Cây mía sinh trưởng tốt nhất ở mức nhiệt 260C. Cây mía là loài cây ưa sáng, đòi hỏi cao về thời gian chiếu sáng, vì đây là yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng và chữ đường khi thu hoạch. Cây mía đòi hỏi trên 2000 giờ chiếu sáng. Là loại cây thân ống, ưa nước nhưng lại sợ úng, khi đang phát triển thì cần mưa từ 100 - 170mm/tháng nhưng khi mía chín, trước khi thu hoạch phải khô ráo tối thiểu 2 tháng để mía kết tinh đường. Cho nên những nước khô hạn thì trồng mía tốt hơn những nơi mưa nhiều, phân bố rải rác quanh năm. Gió bão làm cây đổ dẫn đến làm giảm năng suất, giảm phẩm chất của cây nhưng trời phú cho vùng đất Khánh Hòa không bị bão mà thường chỉ chịu ảnh hưởng nên cây mía không bị ngã đổ trong mùa mưa bão. Điều kiện tự nhiên của vùng đất này phù hợp để trồng và phát triển cây mía nguyên liệu. (Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, 2008).

 Hệ thống sông ngòi và nguồn nước mặt

Ninh Hòa có hệ thống sông chính là hệ thống sông Cái, chia thành 2 nhánh lớn là nhánh sông Cái ở phía Nam và nhánh sông Đá Bàn ở phía Bắc.

Sông Cái có nguồn gốc từ dãy núi Chư Hơ Mu ở độ cao 2.051 m, chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam và đổ ra đầm Nha Phu. Sông có tổng chiều dài là 49 km, với diện tích lưu vực khoảng 964 km2.

Sông Cái Ninh Hòa có các phụ lưu sau: Suối Bông, Suối Trầu, Suối Lốt. Về sự phân phối dòng chảy theo các tháng trong năm cũng có sự biến động tương đối lớn, thời kỳ từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm lượng nước điều tiết từ mặt đệm của lưu vực, lượng dòng chảy trong thời kỳ này chỉ chiếm 2-6% tổng lượng chảy cả năm. Thời kỳ từ tháng 5 đến tháng 6 thường có lũ tiểu mãn, do đó dòng chảy đã tăng lên. Thời kỳ từ tháng 7 đến tháng 8 do ít mưa nên dòng chảy suy giảm. Thời kỳ từ tháng 9 đến tháng 11 mưa lớn và tập trung nên dòng chảy trong sông tăng vọt và đạt giá trị lớn nhất trong năm.

Nhìn chung hệ thống sông suối tương đối dày, phân bổ không đồng đều, ngắn và dốc, mưa bão tập trung nên thường xuyên gây ngập lụt vào mùa mưa bão. Vùng núi cao mật độ lưới sông dày khoảng 1km/km2, vùng đồng bằng ven biển có mật độ lưới sông mỏng hơn, khoảng 0,6km/ km2. Do đặc điểm địa hình chia cắt nên sông ngòi thường ngắn và dốc. Lưu lượng nước giữa mùa khô và mùa mưa chênh lệch rất lớn. Mùa mưa tốc độ dòng chảy bề mặt lớn và thường gây lũ lụt vào những tháng trong mùa mưa, mùa khô sông suối khô cạn, gây hạn hán. Hiện nay, trong vùng đã xây dựng một số công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nhiệp. Các công trình có thể khai thác vào sản xuất mía là: hệ thống kênh mương hồ Đá Bàn, hệ thống kênh mương hồ thủy điện Ea Krongru…(Sở NN & PTNT tỉnh Khánh Hòa, 2008).

Ninh Hòa là vùng trồng mía nguyên liệu tập trung của tỉnh Khánh Hòa, nhưng chủ yếu lại phụ thuộc vào nước mưa, sự thất thường của thời tiết và tình trạng hạn hán kéo dài như hiện nay khiến cho các đập trữ nước của Thị xã cũng rơi vào tình trạng cạn nước. Nguồn nước tích trữ ưu tiên cho sinh hoạt của người dân, nhiều vùng nông nghiệp buộc phải ngừng sản xuất vì thiếu nước.

Một phần của tài liệu Nâng cao thu nhập từ hoạt động trồng mía nguyên liệu cho các nông hộ tại thị xã ninh hòa, tỉnh khánh hòa (Trang 46 - 48)