Trước đây, hầu như trên địa bàn Thị xã Ninh Hòa khâu làm đất đều cày bằng sức kéo của trâu, sau đó tiến dần lên cày bằng máy cày, hiện nay tiến bộ hơn, sử dụng dàn cày. Thời gian cày nhanh, cày đủ độ sâu và đúng kỹ thuật canh tác. Đến nay, trừ khâu làm đất đã được cơ giới hóa và bán cơ giới hóa, các công đoạn từ khâu trồng, đặt hom, chăm sóc đều thực hiện thủ công và nước tưới dựa vào nước mưa nên không chỉ làm tăng cao chi phí trong sản xuất mà cả chữ đường và năng suất mía cũng thấp. Hiện
nay, ở Ninh Hòa đã có máy trồng hom, nhưng do mía chủ yếu trồng ở địa hình đồi núi, gồ ghề, hiệu quả từ việc trồng mía bằng máy không đạt hiệu quả cao bằng việc trồng bằng tay nên đa phần nông hộ đều phải thuê lao động trong khâu này. Khâu thu hoạch mía nguyên liệu hoàn toàn thủ công, từ khâu thu hoạch, bốc xếp đến vận chuyển. Thêm nữa, mía là giống cây trồng có sinh khối lớn nên các công đoạn trong khâu thu hoạch, bốc xếp, vận chuyển thường tốn rất nhiều nhân công. Cùng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, lực lượng lao động đang chuyển dần sang lĩnh vực công nghiệp nên lực lượng lao động trong nông nghiệp giảm xuống, và lĩnh vực nông nghiệp sản xuất mía cũng đang cũng cùng chung thực trạng. Việc sử dụng máy móc thay thế cho sức lao động của con người là một bước tiến của loài người, các nước có nền nông nghiệp sản xuất mía đường lớn trên thế giới, cơ giới hóa hầu như được áp dụng vào toàn bộ quy trình sản xuất. Thực tế tại địa phương cho thấy, đa phần đất trồng mía là đất sở hữu của nông hộ, diện tích của từng nông hộ nhỏ lẻ, tính manh mún nên khó sử dụng máy móc một cách hiệu quả. Muốn sử dụng máy móc hiệu quả phải tập trung trên một diện tích lớn, từ thời điểm trồng đến lúc thu hoạch phải đồng loạt. Có như vậy máy mới chạy được hết công suất, tiết kiệm nhiên liệu và trên hết tiết kiệm tiền thuê nhân công, từ đó mới giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho nông hộ trồng mía nguyên liệu