Qua khảo sát 292 mẫu, có 237 mẫu có đi vay vốn (chiếm 81%), điều này cho thấy nhu cầu về vốn để đầu tư trồng mía của các nông hộ rất cao. Vốn rất quan trọng đối với tất cả các ngành sản xuất, trong đó nông nghiệp trồng mía cũng không ngoại lệ. Khi có vốn thì người nông dân mới dám đầu tư hệ thống tưới tiêu, tăng cường chăm sóc. Hiện nay có rất nhiều nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp như: Nhà máy đường, ngân hàng Nông nghiệp, ngân hàng Chính sách, Quỹ hỗ trợ Nông dân của Hội Nông dân....nhưng thực tế, lựa chọn nơi vay vốn nhiều nhất của các nông hộ khảo sát là tại Nhà máy đường bởi vì đầu ra của cây mía cũng là bán cho nhà máy đường, ngoài ra nhà máy đường sẽ ưu tiên thu hoạch những ruộng mía của nông hộ nhận vay vốn, bởi nhà máy cần hoàn vốn sớm.
Cho vay theo chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ mía đường là cũng là một biện pháp hỗ trợ vốn vay cho người nông dân trồng mía. Chuỗi cho vay này gồm 4 nhà: nhà nông – nhà máy – nhà khoa học – nhà băng. Trong đó, người nông dân trồng mía phải ký hợp đồng đầu tư, mua mía với mức ứng trước cao nhất là 20 triệu đồng/ha (diện tích tối thiểu để được đầu tư ứng trước là 10 ha) bao gồm vật tư nông nghiệp và tiền mặt, đồng thời, người nhận đầu tư phải cam kết bán cho công ty tối thiểu 50 tấn mía/ha. Công ty cổ phần đường Ninh Hòa là đầu mối, phối hợp với các hộ dân trồng mía xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích khoảng 300 ha, bao tiêu từ khâu quy hoạch lại đồng ruộng, cơ giới hóa, cung cấp trực tiếp phân bón, mía giống, thuốc bảo vệ thực vật....đến khâu tiêu thụ. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo ngân hàng Vietcombank chi nhánh Nha Trang ký hợp đồng nguyên tắc về việc cho vay thí điểm. Việc đưa người nông dân trồng mía tại Thị xã Ninh Hòa nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung vào chuỗi giá trị, bước đầu mang lại phương thức sản xuất mới, liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, giúp người nông dân trồng mía có vốn để đầu tư sản xuất, dần bỏ thói quen sản xuất manh mún. Giá trị do người nông dân trồng mía tạo ra được đi theo chuỗi giá trị sản phẩm tạo sự ổn định chắc chắn. Người nông dân sẽ yên tâm với cây mía, thu nhập từ hoạt động trồng mía không những được nâng cao mà còn mang tính bền vững, lâu dài. Tuy nhiên, để hình thức cho vay theo chuỗi được được tiến hành đúng kế hoạch và hiệu quả cần phải có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan thì tiến độ giải ngân mới theo đúng kế hoạch. Ngoài ra trong 4 mối liên này, mối liên kết giữa người nông dân
trồng mía với nhà máy còn lỏng lẻo vì thực tế, nhiều người nông dân trồng mía vẫn chưa quen với việc ký kết hợp đồng và chịu trách nhiệm với cam kết của mình vì vẫn còn mang tâm lý làm ăn tự phát, manh mún. Và lợi dụng sự kém hiểu biết của người nông dân, nhà máy tính toán để cái lợi thuộc về mình nhiều hơn dẫn đến sự xung đột trong lợi ích, rất dễ bẻ gãy mối liên kết này. Cần có một đơn vị chuyên trách giám sát, làm đầu mối theo dõi, đồng phối hợp với các ban ngành liên quan trong việc triển khai chương trình. Tăng cường công tác tuyên truyền để những thông tin của chương trình đến đông đảo người dân trồng mía để dần thay đổi nhận thức về lối làm ăn tự phát, manh mún nhỏ lẻ, tiến tới nền nông nghiệp với trình độ sản xuất cao, hiện đại và chuyên nghiệp hơn.