* Đáp ứng lâm sàng: đánh giá 1-3 tháng sau điều trị hóa tắc mạch lần 1, chủ yếu dựa vào triệu chứng chủ quan của người bệnh, chia 3 nhóm:
- Tốt: cải thiện các triệu chứng lâm sàng so với trước điều trị, cảm
giác chủ quan dễ chịu hơn, ăn ngủ tốt hơn, tăng cân, giảm hoặc hết đau tức vùng gan.
- Như cũ: Không thay đổi triệu chứng lâm sàng và thể trạng chung so với trước điều trị.
- Kém đi: Các triệu chứng lâm sàng mới xuất hiện hoặc nặng hơn so với trước can thiệp.
* Thay đổi hàm lượng AFP sau điều trị: giảm, không đổi, tăng so với trước điều trị. Đánh giá đáp ứng AFP huyết thanh ở các BN có tăng AFP trước điều trị (được coi là có đáp ứng nếu AFP huyết thanh về bình thường hoặc giảm ít nhất 50% giá trị so với trước điều trị) [122],[130].
* Tỷ lệ đáp ứng khối u tại các thời điểm 1-3 tháng và 4-6 tháng sau can thiệp lần đầu: được đánh giá dựa trên cơ sở phân tích đặc điểm hình ảnh u gan trên phim chụp CLVT 3 thì:
+ Đánh giá sự thay đổi khối u theo chỉ tiêu đánh giá đáp ứng khối u rắn cải tiến (Modified Response Evaluation Criteria in Solid Tumors- mRECIST) của Hội Gan Mật Hoa Kỳ (AASLD) [12],[74].
- Đáp ứng hoàn toàn (Complete Response-CR): Mất hoàn toàn các dấu hiệu tăng sinh mạch của tất cả các tổn thương mục tiêu.
- Đáp ứng một phần (Partial Response-PR): Giảm ít nhất 30% tổng đường kính của các tổn thương mà còn tăng sinh mạch so với trước điều trị.
- Bệnh tiến triển (Progressive Disease-PD): Tăng ít nhất 20% tổng đường kính của các tổn thương tăng sinh mạch, so với trước điều trị.
- Bệnh ổn định (Stable Disease-SD): Không đáp ứng các tiêu chuẩn trên (không đáp ứng cũng không tiến triển).
- Các trường hợp đạt đáp ứng hoàn toàn hoặc một phần được coi là các trường hợp có đáp ứng u gan (tumour response). Các trường hợp đạt
đáp ứng hoàn toàn, đáp ứng một phần hoặc u gan ổn định được gọi là các trường hợp đạt được kiểm soát bệnh (disease control).
* Đánh giá tái phát tại các thời điểm thống kê [74]: đối với các trường hợp đạt được đáp ứng hoàn toàn sau can thiệp:
+ Tái phát tại chỗ (local recurrence): là sự xuất hiện khối u gan mới tại vị trí (hoặc cách vị trí dưới 2cm) khối u gan cũ đã được đánh giá hoại tử hoàn toàn sau điều trị.
+ Tái phát khối mới (new nodal recurrence): là sự xuất hiện khối u mới ở khác thuỳ, khác hạ phân thuỳ của khối u gan cũ hoặc cùng hạ phân thuỳ nhưng cách xa hơn 2cm so với vị trí khối u gan cũ.
* Đánh giá di căn ngoài gan tại các thời điểm thống kê:
+ Di căn hạch rốn gan: dựa trên hình ảnh CLVT theo các chỉ tiêu đề xuất chẩn đoán hạch di căn từ UTTBG của Katyal và cộng sự được các tác giả khác trên thế giới đồng thuận (trục ngắn của hạch ít nhất 20mm, ngấm thuốc cản quang mạnh sau tiêm, kích thước hạch tăng lên so với phim chụp lần trước) [12],[27],[64].
+ Di căn phổi: dựa trên phim chụp tim phổi quy ước hoặc CLVT lồng ngực.
+ Di căn xương: lâm sàng có đau xương, cùng với kết luận của chụp xạ hình xương.
+ Di căn ở các vị trí khác (phúc mạch, thành bụng, não...) + Di căn nhiều vị trí.
* Đánh giá tỷ lệ sống thêm tại các thời điểm 1 năm, 2 năm và 3 năm. Thời gian sống thêm trung bình.
+ Thời gian sống thêm không tiến triển bệnh (progression-free survival) (được tính bằng tháng): là khoảng thời gian tính từ khi bắt đầu điều trị đến thời điểm xác định khối u tiến triển, tái phát hoặc di căn. Các trường hợp huyết khối tĩnh mạch mới cũng được xác định là bệnh tiến triển.
+ Thời gian sống thêm toàn bộ (overall survival) (được tính bằng tháng): là khoảng thời gian tính từ khi bắt đầu điều trị đến thời điểm kết thúc nghiên cứu (nếu bệnh nhân còn sống) hoặc đến khi bệnh nhân tử vong (nếu tử vong trước khi kết thúc nghiên cứu).
+ Phân tích thời gian sống thêm không tiến triển và thời gian sống thêm toàn bộ của các dưới nhóm theo các yếu tố tiên lượng và giai đoạn bệnh, tình trạng đáp ứng sớm u gan và AFP huyết thanh.
* Đánh giá tỷ lệ tử vong và nguyên nhân tử vong:
Các trường hợp tử vong sớm trong tháng đầu tiên sau điều trị được tính vào tỷ lệ tử vong và biến chứng của kỹ thuật. Các trường hợp tử vong khác được đưa vào phân tích sống còn. Nhận định nguyên nhân tử vong.