Hiệu quả lâm sàng và biến chứng sau can thiệp

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kết quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng phương pháp tắc mạch hóa chất sử dụng hạt vi cầu DC Beads (Trang 50 - 55)

Hiệu quả lâm sàng của phương pháp tắc mạch vi cầu DC Beads trong điều trị UTTBG đã được báo cáo trong các nghiên cứu lâm sàng có so sánh và không có so sánh với tắc mạch hóa chất truyền thống. Nghiên cứu trên người đầu tiên của Varela và cộng sự trên 27 bệnh nhân UTTBG trên nền gan xơ, cho thấy tỷ lệ đáp ứng khối u là 75%; tỷ lệ sống thêm sau 1, 2 năm lần lượt là 92,5% và 88,9% [142]. Trong nghiên cứu của Grosso M và cộng sự, tỷ lệ đáp ứng khối u hoàn toàn sau 1 tháng là 48%; tỷ lệ đáp ứng một phần 36% và 16% trường hợp bệnh ổn định. Sau 6 tháng tỷ lệ đáp ứng hoàn toàn khối u là 51,6%; đáp ứng một phần là 25,8% và 22,5% trường hợp bệnh tiến triển [52]. Nghiên cứu của Malagari trên 71 bệnh nhân cũng cho kết quả khả quan với hóa tắc mạch vi cầu: tỷ lệ đáp ứng khối u là 66,2% trong đó tỷ lệ đáp ứng hoàn toàn là 15,5%. Thời gian sống thêm sau 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 30 tháng lần lượt là 97,05%; 94,1%; 91,1% và 88,5%. Hàm lượng AFP giảm thấp hơn có ý nghĩa sau 1 tháng can thiệp. Các biến chứng nặng liên quan đến điều trị gặp ở 4,2% trường hợp (viêm túi mật: 1, áp xe gan: 1 và tràn dịch màng phổi 1 trường hợp). Các chỉ số men gan và bilirubin chỉ tăng thoáng qua trong quá trình theo dõi [90]. Một báo cáo khác gần đây của Malagari tổng kết 237 BN được điều trị tắc mạch vi cầu cho thấy đây là một phương pháp an toàn, với tỷ lệ tử vong trong 30

ngày đầu là 1,26%; hội chứng sau tắc mạch gặp chủ yếu ở mức độ nhẹ (86,5%); biến chứng nặng độ 4 (suy gan không hồi phục, viêm túi mật hoại tử) là 5,48% và độ 5 là 1,26% [93]. Nhiều nghiên cứu không đối chứng khác của các tác giả ở các khu vực khác nhau trên thế giới, sử dụng các loại hoá chất khác nhau (Epirubicin, Cisplatin…) cũng cho kết quả tốt về tỷ lệ đáp ứng khối u cũng như tỷ lệ tác dụng phụ dưới 4% [62],[106].

Với cơ chế tác dụng tiêu diệt khối u nổi trội hơn so với tắc mạch hóa chất truyền thống, nhiều thử nghiệm lâm sàng có đối chứng đã được tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả lâm sàng thực tế của tắc mạch vi cầu trong điều trị UTTBG. Hầu hết các kết quả nghiên cứu đều cho thấy tắc mạch vi cầu cho tỷ lệ đáp ứng khối u tốt hơn, trong khi độc tính gan và toàn thân thấp hơn so với tắc mạch hóa chất truyền thống. Kết quả của nghiên cứu ngẫu nhiên đa trung tâm ở 4 nước châu Âu (PRECISION V) trên 212 bệnh nhân UTTBG không còn chỉ định phẫu thuật cho thấy, tỷ lệ đáp ứng khối u (đáp ứng hoàn toàn và đáp ứng một phần) cao hơn ở nhóm điều trị tắc mạch DC Beads so với nhóm điều trị tắc mạch hóa chất truyền thống (27% so với 22%; 52% so với 44%). Sự khác biệt có ý nghĩa khi so sánh dưới nhóm ở các bệnh nhân xơ gan Child B hoặc nhóm bệnh nhân có ECOG =1. Tỷ lệ độc tính gan thấp hơn có ý nghĩa và độc tính toàn thân do Doxorubicin cũng thấp hơn có ý nghĩa ở nhóm điều trị bằng DC Beads [70]. Nghiên cứu của Malagari và cộng sự trên 87 bệnh nhân cho kết quả: tỷ lệ đáp ứng hoàn toàn khối u sau 6 tháng điều trị ở nhóm DEB TACE là 26,8% so với chỉ có 14% ở nhóm được điều trị bằng tắc mạch đơn thuần (p < 0,001); tỷ lệ tái phát tại chỗ sau 12 tháng ở 2 nhóm lần lượt là 46,3% và 41,9% (p); thời gian tiến triển bệnh lâu hơn ở nhóm điều trị tắc mạch DC Beads (42,4±9,5 tuần so với 36,2±9,0 tuần) [94]. Nghiên cứu Song MJ và cộng sự (2011) ở Hàn Quốc trên 40 bệnh nhân UTTBG cũng cho thấy: tỷ lệ đáp ứng khối u ở nhóm điều trị tắc mạch DC Beads là 85% cao hơn có ý nghĩa so với nhóm điều trị bằng

tắc mạch hóa chất truyền thống (30%, p=0,001), trong khi đó độc tính trên gan của hai phương pháp khác nhau không có ý nghĩa (p > 0,05) [130].Một số nghiên cứu gần đây có kiểm chứng bằng kết quả giải phẫu bệnh ở các BN UTTBG được điều trị bằng tắc mạch hóa chất trước ghép gan cũng cho kết quả tương tự. Nghiên cứu của Nicolini và CS năm 2013 (ở Ý) đánh giá kết quả giải phẫu bệnh 63 khối u trên 38 BN UTTBG được ghép gan, trước đó đã được điều trị bằng tắc mạch vi cầu (22 BN, 38 khối u) hoặc tắc mạch hóa chất truyền thống (16 BN, 25 khối u). Số lượng và kích thước khối u trung bình của 2 nhóm trước điều trị là tương đồng. Kết quả cho thấy tỷ lệ đạt hoại tử khối u > 90% ở nhóm tắc mạch vi cầu là 44,7% so với 32% ở nhóm tắc mạch hóa chất truyền thống (mặc dù sự khác biệt chưa có ý nghĩa, p=0,2834). Đáp ứng xơ hóa và phản ứng viêm quanh khối u đều cao hơn có ý nghĩa ở nhóm được điều trị tắc mạch vi cầu (p < 0,0001) [107]. Nghiên cứu của Frenette và CS (2014, Mỹ) cũng đánh giá kết quả giải phẫu bệnh khối u gan của 111 BN UTTBG được điều trị tắc mạch hóa chất truyền thống (76 BN) hoặc tắc mạch vi cầu (35 BN) sau đó được ghép gan, cho thấy xu hướng đạt hoại tử hoàn toàn khối u cao hơn ở nhóm được điều trị bằng phương pháp sau (50,9% so với 57,1%; p=0,23) [49].

Mặc dù đạt được hiệu quả kiểm soát khối u tốt hơn, nhưng sự vượt trội về hiệu quả sống thêm lâu dài của tắc mạch vi cầu so với tắc mạch hóa chất truyền thống vẫn đang còn tranh cãi. Nhiều thử nghiệm lâm sàng có đối chứng đã và đang được tiến hành. Dhanasekaran và CS (2010) nghiên cứu trên 71 BN cho thấy thời gian sống thêm trung bình ở nhóm bệnh nhân được điều trị tắc mạch DC Beads là 610 ngày cao hơn có ý nghĩa so với thời gian sống thêm của nhóm bệnh nhân được điều trị bằng tắc mạch hóa chất truyền thống (284 ngày, p =0,03). Phân tích dưới nhóm đối với các bệnh nhân giai đoạn Okuda 1, thời gian sống thêm trung bình của 2 nhóm là 501 ngày và 354 ngày (p=0,02), đối với các bệnh nhân xơ gan Child A, B thì chỉ số này

là 641 ngày và 323 ngày (p=0,002). Ở các bệnh nhân có thang điểm CLIP ≤3, chỉ số này là 469 ngày và 373 ngày (p=0,03). Tỷ lệ tác dụng phụ nặng giữa 2 nhóm là tương đương [46]. Nghiên cứu của Wiggermann ở Đức trên 44 BN UTTBG trên nền gan xơ (22 BN điều trị tắc mạch vi cầu, 22 BN được điều trị tắc mạch hóa chất truyền thống, 2 nhóm tương đồng về lâm sàng trước điều trị) cũng cho kết quả tương tự: thời gian sống thêm trung bình ở nhóm được điều trị tắc mạch vi cầu là 651 ± 76 ngày, cao hơn có ý nghĩa so với nhóm được điều trị tắc mạch truyền thống là 414± 43 ngày (p=0,01) [145]. Một số nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự. Phân tích tổng hợp của Huang K (2014) trên 7 nghiên cứu với 700 BN cho thấy tắc mạch vi cầu cho đáp ứng khối u tốt hơn (OR=1,92, CI95%[1,3-2,77], p=0,0004), tỷ lệ sống thêm 1 năm, 2 năm cũng cao hơn có ý nghĩa (p=0,007 và p = 0,0003) [56].

Trong khi đó một số nghiên cứu khác lại chưa thấy có sự khác biệt về hiệu quả sống thêm lâu dài giữa 2 phương pháp điều trị. Ferrer Puchol và CS đánh giá 72 BN UTTBG không còn chỉ định phẫu thuật được điều trị bằng tắc mạch hóa chất truyền thống (25 BN) hoặc tắc mạch vi cầu (47 BN) thấy rằng hiệu quả kiểm soát khối u tốt hơn và ít tác dụng phụ hơn ở nhóm tắc mạch vi cầu, nhưng không có sự khác biệt về hiệu quả sống thêm lâu dài [119]. Golfieri và CS ở Ý tiến hành thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng trên 177 BN (89 BN được điều trị tắc mạch vi cầu và 88 BN được điều trị tắc mạch hóa chất truyền thống) thấy không có sự khác biệt về thời gian tiến triển bệnh cũng như tỷ lệ sống thêm sau 1 năm, 2 năm (86,2%/83,5%; 56,8%/55,4%, p =0,949) [50].

Tuy hiệu quả vượt trội về sống thêm lâu dài của tắc mạch vi cầu so với tắc mạch hóa chất truyền thống vẫn chưa hoàn toàn được khẳng định, nhưng hầu hết các nghiên cứu đã cho thấy ưu điểm về độ an toàn của phương pháp này. Các nghiên cứu cũng chỉ ra thậm chí với liều hóa chất

cao hơn (150mg), tần suất và mức độ các biến chứng của tắc mạch vi cầu thấp hơn so với tắc mạch hóa chất truyền thống, đặc biệt các biến cố toàn thân (ức chế tủy xương, độc tính tim mạch, rụng tóc…) gặp với tỷ lệ rất thấp. Độc tính trên gan cũng thấp hơn so với tắc mạch hóa chất truyền thống [114],[121],[130],[144].

Ở nước ta, chỉ có một số cơ sở y tế lớn mới bắt đầu triển khai ứng dụng phương pháp này trong điều trị UTTBG. Các kết quả bước đầu cho thấy đây là một phương pháp an toàn và cho tỷ lệ đáp ứng khối u cao. Tuy nhiên cần có các nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn, thời gian nghiên cứu dài hơn để có thể đánh giá hiệu quả thực tế cũng như độ an toàn của phương pháp này đối với các BN UTTBG ở nước ta hiện nay.

Chương II

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kết quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng phương pháp tắc mạch hóa chất sử dụng hạt vi cầu DC Beads (Trang 50 - 55)