Mức độ can thiệp tắc mạch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kết quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng phương pháp tắc mạch hóa chất sử dụng hạt vi cầu DC Beads (Trang 116 - 119)

Mức độ can thiệp tắc mạch phụ thuộc vào đặc điểm nguồn mạch cấp máu khối u gan, chức năng gan và sự lưu thông của tĩnh mạch cửa. Kỹ thuật tắc mạch không chọn lọc (tắc ĐM gan phải hoặc ĐM gan trái) bộc lộ nhiều nhược điểm như tăng nguy cơ biến chứng sau can thiệp (đặc biệt là suy gan) trong khi giảm khả năng hoại tử khối u. Do vậy xu hướng của các nhà can thiệp hiện nay là thực hiện các kỹ thuật chọn lọc, siêu chọn lọc nhằm làm tăng khả năng hoại tử khối u trong khi giảm được nguy cơ biến chứng teo gan, suy gan sau can thiệp, đặc biệt ở các trường hợp UTTBG trên nền chức năng gan kém. Tuy nhiên, một thực tế ở nước ta khác với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước phương Tây là phần lớn các trường hợp UTTBG có kích thước lớn trên nền chức năng gan còn khá. Các trường hợp UTTBG này thường có nhiều nguồn ĐM nuôi khối u, nếu thực hiện các kỹ thuật siêu chọn lọc có thể không kiểm soát hết được nguồn cấp máu khối u. Vì vậy các trường hợp này thường được thực hiện kỹ thuật tắc mạch thùy hoặc phân thùy. Nhận định này được thể hiện trong nghiên cứu của Lê Văn Trường với các BN UTTBG kích thước trung bình trên 10cm chỉ có 7,9% số lần can thiệp ở mức hạ phân thùy và 19,7% mức phân thùy [24]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, để tăng tối đa lượng hạt vi cầu tải hoác chất vào khối u đồng thời hạn chế

thấp nhất lượng hạt vi cầu vào các nhánh ĐM nuôi nhu mô gan lành, chúng tôi cố gắng thực hiện các kỹ thuật chọn lọc hoặc siêu chọn lọc. Mặt khác, do hạt vi cầu kích thước rất nhỏ nên nếu không thực hiện tắc mạch chọn lọc thì rất khó tắc được hoàn toàn được ĐM nuôi khối u. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy gần 60% số lần can thiệp ở mức hạ phân thùy hoặc phân thùy. Tắc ĐM gan thùy phải hoặc thùy trái (hoàn toàn hoặc không hoàn toàn) chỉ ở 27,8% số lần can thiệp. Có 15,6% số lần can thiệp tắc ĐM bàng hệ ngoài gan nuôi khối u. Theo hướng dẫn đồng thuận về thực hiện kỹ thuật tắc mạch vi cầu tải hóa chất do các bác sỹ lâm sàng ở nhiều nước châu Âu nhóm họp và đề xuất trong hội nghị về ung thư can thiệp châu Âu diễn ra ở Florence- Ý (2011), kỹ thuật tắc mạch chọn lọc và siêu chọn lọc nên được cố gắng thực hiện, sử dụng tối ưu hóa các hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh (như kỹ thuật tái tạo 3D). Trong trường hợp thực hiện kỹ thuật tắc ĐM thùy, đầu ống thông nhỏ cũng nên được đặt càng xa càng tốt và phải vượt qua được nguyên ủy các nhánh ĐM túi mật và ĐM vành vị (hoặc tắc dự phòng các nhánh ĐM này bằng lò xo kim loại (coils)). Nếu sử dụng hết hạt vi cầu mà không tắc được hoàn toàn các nhánh ĐM nuôi u thì có thể sử dụng 2 cách: hoặc để can thiệp thì 2 hoặc tắc bổ sung bằng hạt vi cầu không tải hóa chất hoặc sử dụng vật liệu tắc mạch khác [73]. Trong nghiên cứu của chúng tôi không có trường hợp nào cần tắc dự phòng ĐM túi mật và ĐM vị tá tràng bằng coils và chúng tôi cũng không gặp biến chứng viêm túi mật hay loét dạ dày tá tràng sau can thiệp. Có 15 trường hợp u gan phải kích thước lớn trên nền chức năng gan tốt (Child A) khi thực hiện kỹ thuật tắc ĐM thùy phải chúng tôi sử dụng thêm sponge để tắc bổ sung sau khi bơm hết hạt vi cầu. Tuy nhiên trong số này gặp một trường hợp suy gan cấp sau can thiệp (BN Phạm Văn S. 47T BANC số 33), chúng tôi sẽ bàn luận thêm ở phần sau.

Trong 198 lần can thiệp, chúng tôi có 31 lần (15,6%) tắc THBH ngoài gan cấp máu khối u (có hoặc không kèm theo tắc các nhánh ĐM trong gan). Phần lớn số trường hợp này xảy ra ở các lần can thiệp nhắc lại. Kết quả này cho thấy khả năng sinh mạch rất mạnh mẽ của UTTBG, đặc biệt các UTTBG kích thước lớn. THBH cũng chính là nguyên nhân làm cho khối u tái phát hoặc tiến triển. Thực tế chúng tôi gặp 39/198 lần can thiệp có THBH ngoài gan nuôi khối u (19,7%) tuy nhiên có 8 lần không thể can thiệp tắc mạch do nhánh THBH này quá nhỏ không luồn ống thông nhỏ chọn lọc vào được. Trong số các trường hợp gặp THBH ngoài gan, thường gặp nhất là ĐM hoành dưới (30/39 trường hợp). Các nguồn THBH khác ít gặp hơn là từ ĐM vị tá tràng, ĐM mạc treo tràng trên, ĐM thượng thận phải. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự như kết quả nghiên cứu của các tác giả khác trong và ngoài nước về điều trị tắc mạch hóa chất truyền thống. Trong nghiên cứu của Lê Văn Trường, gặp 13,8% có THBH ngoài gan, trong đó nhiều nhất cũng là ĐM hoành dưới (57,1%), ĐM liên sườn (21,4%), ĐM mạc treo tràng trên (10,7%), ĐM thượng thận phải và ĐM vị tá tràng (10,8%) [24]. Nghiên cứu của Nguyễn Tiến Thịnh điều trị 247 lần hóa tắc mạch đơn thuần cho 103 BN UTTBG kích thước trên 3cm cũng cho kết quả tương tự: 38 lần gặp THBH ngoài gan (15,4%) trong đó nhiều nhất là ĐM hoành dưới phải (19 lần), các nguồn THBH khác gặp với tỷ lệ ít hơn [21]. Nghiên cứu của Jin Wook Chung và CS. cũng thấy tần suất THBH ngoài gan cao nhất là ĐM hoành dưới (41%) tiếp theo ĐM mạc nối, ĐM mạc treo tràng, ĐM vú trong và các THBH ngoài gan này có thể hình thành ngay từ khi chưa có can thiệp gì ở các trường hợp u lớn xâm lấn vào các tổ chức lân cận [42]. Các nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự [66]. Trong nghiên cứu của chúng tôi cũng gặp 3/105 trường hợp có THBH ngoài gan ngay từ lần can thiệp đầu tiên.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kết quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng phương pháp tắc mạch hóa chất sử dụng hạt vi cầu DC Beads (Trang 116 - 119)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)