Triệu chứng lâm sàng và một số xét nghiệm cận lâm sàng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kết quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng phương pháp tắc mạch hóa chất sử dụng hạt vi cầu DC Beads (Trang 107 - 108)

UTTBG thường tiến triển thầm lặng, khi có biểu hiện triệu chứng thường khối u đã có kích thước lớn hoặc suy giảm chức năng gan kèm theo. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy 81,9% số trường hợp đã có triệu chứng lâm sàng khi nhập viện lần đầu. Trong đó đau hạ sườn phải là triệu chứng cơ năng tương đối đặc hiệu và thường gặp nhất của bệnh lý này, gặp với tỷ lệ cao (79%). Các triệu chứng cơ năng khác cũng khá thường gặp như mệt mỏi (63,8%) và sút cân (51,4%). Gan to là triệu chứng thực thể thường gặp nhất, khám phát hiện ở 47,6% số BN. Các trường hợp được phát hiện bệnh tình cờ, không có triệu chứng lâm sàng chỉ gặp với tỷ lệ thấp (18,1%). Kết quả này cũng tương tự với kết quả của các nghiên cứu khác trong nước, phản ánh một thực tế về công tác khám sàng lọc phát hiện sớm UTTBG ở nước ta còn hạn chế. Bùi Diệu (2012) khảo sát thực trạng giai đoạn bệnh ung thư của 51.625 BN đến khám và điều trị tại 5 bệnh viện ung bướu khu vực phía bắc và miền trung Việt Nam, thấy rằng UTTBG là loại có giai đoạn bệnh muộn nhất so với các loại ung thư khác (87,7% BN ở giai đoạn muộn) [4]. Như vậy, rất cần thiết phải có một chương trình khám sàng lọc cho các đối tượng có nguy cơ cao nhằm tăng tỷ lệ phát hiện BN ở giai đoạn sớm để có thể phù hợp với các chỉ định điều trị triệt căn.

Chỉ số tổng trạng là một trong các yếu tố quan trọng để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp bên cạnh đặc điểm u gan và chức năng gan. Theo các khuyến cáo đồng thuận quốc tế về điều trị UTTBG, chỉ định điều trị tắc mạch hóa chất được áp dụng cho các BN có chỉ số tổng trạng còn khá (ECOG 0-2). Vì vậy lựa chọn đầu vào nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ

gồm các BN có chỉ số tổng trạng ECOG 0-2 điểm, trong đó 98,1% có chỉ số ECOG 0-1. Một số báo cáo cho thấy tắc mạch vi cầu thể hiện ưu điểm về hiệu quả điều trị và độ an toàn tốt hơn so với tắc mạch hóa chất truyền thống khi áp dụng cho các BN có chỉ số tổng trạng ECOG 1-2 [70]. Tuy nhiên, do tỷ lệ BN có chỉ số ECOG 2 điểm rất thấp (1,9%) và nghiên cứu này không thiết kế nhóm đối chứng cho nên chúng tôi không đi sâu vào phân tích đặc điểm này.

Phần lớn các BN trong nghiên cứu có các chỉ số xét nghiệm máu ngoại vi trong giới hạn bình thường. Các chỉ số transaminase tăng nhẹ trước điều trị. Xét nghiệm transaminase phản ánh tình trạng hủy hoại tế bào gan, qua đó phản ánh bệnh gan mạn tính tiềm tàng ở các BN trong nhóm điều trị mà nguyên nhân có thể dễ lý giải nhất ở đây là tình trạng nhiễm vi rút viêm gan B. Giá trị trung bình của các chỉ số xét nghiệm albumin, prothrombin và bilirubin trong giới hạn bình thường, kết hợp với bảng lâm sàng rất ít gặp cổ trướng và không có hội chứng não gan phản ánh tình trạng chức năng gan còn tốt của nhóm BN nghiên cứu. Kết quả phân loại chức năng gan theo Child Pugh từ biểu đồ 3.4 cũng cho thấy hơn 90% số BN ở giai đoạn Child A, chỉ có 5,7% BN xơ gan giai đoạn Child B. Chúng tôi không đưa vào nghiên cứu các BN có chức năng gan kém Child C vì đây là các trường hợp chống chỉ định với điều trị tắc mạch hóa chất theo các hướng dẫn đồng thuận quốc tế [48],[59],[111].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kết quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng phương pháp tắc mạch hóa chất sử dụng hạt vi cầu DC Beads (Trang 107 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)