Đánh giá giai đoạn trước điều trị

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kết quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng phương pháp tắc mạch hóa chất sử dụng hạt vi cầu DC Beads (Trang 113 - 115)

Trong UTTBG, ngoài đặc điểm u gan thì chức năng gan cũng là yếu tố quan trọng dự báo tiên lượng cũng như lựa chọn chỉ định điều trị. Do vậy hệ thống phân loại TNM áp dụng trong đánh giá giai đoạn các ung thư rắn nói chung ít được sử dụng. Hiện nay có nhiều hệ thống phân chia giai đoạn khác được đề xuất áp dụng cho UTTBG. Tuy nhiên mỗi một hệ thống phân loại đều có những ưu điểm cũng như hạn chế nhất định, chưa có một hệ thống phân loại nào được coi là toàn diện và cũng chưa có đồng thuận quốc tế về sử dụng hệ thống phân loại nào để đánh giá giai đoạn bệnh trong thực hành lâm sàng cũng như sử dụng trong các nghiên cứu về điều trị UTTBG trên toàn thế giới; mặc dù Hội Gan Mật Hoa Kỳ (AASLD) và Hội gan mật Châu Âu (EASL) gợi ý hệ thống phân chia giai đoạn theo Barcelona có thể là phù hợp nhất [3],[12],[132]. Trong nghiên cứu này chúng tôi sử dụng hệ thống phân loại Okuda (Okuda staging system) hệ

thống cho điểm của Italia –CLIP (Cancer of the Liver Italian Program) và hệ thống phân chia giai đoạn theo Barcelona (Barcelona Clinic Liver Cancer để đánh giá giai đoạn bệnh của các BN trước điều trị. Kết quả từ

bảng 3.7 cho thấy phần lớn số BN trong nghiên cứu của chúng tôi ở giai

đoạn Okuda I (78,1%), điểm CLIP từ 0-2 (94,3%) và giai đoạn BCLC B (78,1%). Có 12 BN (11,4%) UTTBG ở giai đoạn sớm (BCLC A) nhưng là các BN không phù hợp với chỉ định phẫu thuật (xơ gan tăng áp lực TMC, tuổi cao có bệnh kết hợp, u gan ở vị trí rốn gan gần mạch máu lớn) hoặc từ chối phẫu thuật (2 trường hợp). Có 11 trường hợp (10,5%) UTTBG giai đoạn tiến triển (BCLC C) là các trường hợp có huyết khối tĩnh mạch cửa. Các BN trong nghiên cứu của Lê Văn Trường có giai đoạn bệnh muộn hơn so với các BN trong nghiên cứu của chúng tôi (70% ở giai đoạn Okuda II, 36% có điểm CLIP 3-4) [24]. Trong nghiên cứu PRECISION V, tỷ lệ BN UTTBG xét theo giai đoạn Okuda II là 15% và xét theo giai đoạn BCLC A là 25,8%, BCLC B là 74,2% và không có trường hợp nào ở giai đoạn BCLC C. Mặc dù kích thước u gan trung bình trong nghiên cứu này lớn hơn so với trong nghiên cứu của chúng tôi (8,9cm) tuy nhiên nghiên cứu này không bao gồm các BN có huyết khối nhánh tĩnh mạch cửa [70]. Trong nghiên cứu của Malagari và cộng sự đánh giá kết quả sống thêm lâu dài ở 137 BN UTTBG được điều trị bằng tắc mạch vi cầu, tỷ lệ giai đoạn Okuda II là 46,8% tuy nhiên tỷ lệ BN có u gan đa ổ và tỷ lệ BN có u gan kích thước trên 5cm thấp hơn trong nghiên cứu của chúng tôi (36,4% và 52%) [91]. Sự khác biệt về giai đoạn bệnh do lựa chọn đầu vào các BN nghiên cứu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự khác biệt về các kết quả điều trị trong các nghiên cứu về tắc mạch hóa chất truyền thống cũng như tắc mạch vi cầu. Vấn đề này chúng tôi cũng sẽ bàn luận chi tiết hơn ở phần sau.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kết quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng phương pháp tắc mạch hóa chất sử dụng hạt vi cầu DC Beads (Trang 113 - 115)