Liều lượng hóa chất và kích cỡ hạt DC Beads

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kết quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng phương pháp tắc mạch hóa chất sử dụng hạt vi cầu DC Beads (Trang 119 - 121)

Doxorubicin là hóa chất chống ung thư được sử dụng rộng rãi nhất trong tắc mạch hóa chất điều trị UTTBG, dùng đơn thuần hoặc có thể kết hợp thêm với một số hóa chất khác (như mitomycin C, cisplatin…). Đối với tắc mạch hóa chất truyền thống, liều doxorubicin thông thường được sử dụng từ 20 đến 60mg tùy theo diện tích da cơ thể và kích thước u, trung bình 40mg. Đã có một số báo cáo sử dụng liều cao doxorubicin (100mg) đối với các trường hợp UTTBG kích thước lớn (>10cm) cho đáp ứng tốt mà không có biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên đa số các tác giả khuyến cáo không nên dùng liều trên 60mg/lần can thiệp vì nguy cơ độc tính gan và toàn thân do hóa chất. Các nghiên cứu điều trị tắc mạch hóa chất truyền thống cho UTTBG ở trong nước cũng sử dụng doxorubicin với liều trung bình 30- 40mg [13],[18],[21],[22],[24].

Trong khi đó nhờ tính chất đặc hiệu của hạt vi cầu DC Beads là có khả năng lưu giữ hóa chất lâu hơn trong khối u và hạn chế sự khuếch tán hóa chất ra tuần hoàn hệ thống, đối với tắc mạch vi cầu có thể cho phép sử dụng liều hóa chất cao hơn cho một lần can thiệp nhằm làm tăng hiệu quả độc tế bào mà không e ngại sự khuếch tán quá nhiều hóa chất ra tuần hoàn hệ thống. Điều này đã được chứng minh bằng các nghiên cứu lâm sàng so sánh dược động học của các BN UTTBG được điều trị tắc vi cầu so với tắc mạch hóa chất truyền thống. Sau can thiệp nồng độ đỉnh huyết thanh và diện tích dưới đường cong AUC của doxorubicin ở các BN được điều trị tắc mạch vi cầu thấp hơn có ý nghĩa so với các BN được điều trị bằng tắc mạch hóa chất truyền thống. Trong nghiên cứu PRECISION V, liều doxorubicin được sử dụng là 150mg (cao gấp khoảng 3 lần so với liều doxorubicin thông thường trong tắc mạch hóa chất truyền thống) tuy nhiên không gặp biến cố toàn thân nặng nào do hóa chất gây ra [70]. Nghiên cứu của chúng tôi sử dụng liều tải tối đa 75mg doxorubicin cho 1

lọ (2ml) hạt vi cầu DC Beads cho một lần can thiệp và phần lớn số trường hợp (78,3%) chúng tôi sử dụng liều 50-75mg doxorubicin cho 1 lần can thiệp. Tuy nhiên liều lượng hóa chất được sử dụng còn phụ thuộc vào kích thước u gan, mức độ tăng sinh mạch và chức năng gan. Thực tế có nhiều trường hợp u gan kích thước nhỏ, tăng sinh mạch ít hoặc vừa phải chúng tôi không sử dụng hết 1 lọ DC Beads tải 75mg doxorubicin (8,3% số lần dùng liều doxorubicin < 50mg). Những trường hợp u gan kích thước lớn, tăng sinh mạch nhiều thường cần đến 2 lọ DC Beads (150mg doxorubicin), tuy nhiên do giá thành của 1 lọ DC Beads khá đắt và ở giai đoạn đầu của nghiên cứu chưa được bảo hiểm y tế chi trả nên chỉ một số ít BN được chỉ định 2 lọ DC Beads. Vì vậy chỉ có 6 lần (3,1%) số lần can thiệp chúng tôi sử dụng liều doxorubicin 100-150mg tải với 4ml hạt vi cầu. Trong phạm vi đề tài nghiên cứu này chúng tôi chưa phân tích được khả năng đáp ứng u gan liên quan đến liều doxorubin như thế nào.

Về kích cỡ hạt DC Beads, hiện nay có 4 loại với các kích cỡ hạt khác nhau đã có mặt trên thị trường Việt Nam (loại 70-150µm (M1), loại 100-300µm, loại 300-500µm và loại 500-700µm) trong đó phổ biến là 3 loại sau. Các kích cỡ hạt khác nhau có một số đặc điểm khác nhau về thời gian gắn kết và giải phóng hóa chất (các hạt lớn cần thời gian tải hóa chất lâu hơn và giải phóng hóa chất cũng chậm hơn so với các hạt kích cỡ nhỏ). Các hạt DC Beads kích cỡ nhỏ cũng di chuyển được xa hơn vào giường mao mạch khối u và gây tắc mạch sâu sắc hơn. Cho đến nay chưa có một hướng dẫn đồng thuận đề cập sử dụng loại kích cỡ hạt nào là tối ưu nhất, mặc dù một số nghiên cứu cho thấy các hạt kích cỡ nhỏ 100-300µm gây hoại tử khối u tốt hơn và ít biến chứng hơn so với các loại hạt kích cỡ lớn 300-500, 500-700µm [93],[118]. Ngoài ra, sử dụng loại kích cỡ hạt DC Beads còn cần phải căn cứ vào kích thước và đặc điểm tăng sinh mạch của khối u, sự hiện diện của shunt động-tĩnh mạch. Một số tác giả chủ

trương sử dụng kết hợp các loại kích cỡ hạt khác nhau với loại nhỏ bơm vào trước theo sau bằng các loại hạt có kích cỡ lớn hơn. Tuy nhiên cũng chưa có bằng chứng lâm sàng ủng hộ cách thức sử dụng này. Trong nghiên cứu của chúng tôi, chủ yếu sử dụng 2 loại hạt kích cỡ nhỏ (100- 300µm) và vừa (300-550µm) (81,4%- bảng 3.13). Cũng có 14,1% số lần can thiệp chúng tôi sử dụng kết hợp 2 loại kích cỡ hạt và 7,5% số lần chúng tôi tắc bổ sung bằng sponge do 1 lọ DC Beads không đủ tắc ĐM gan. Kết quả bước đầu cho thấy tỷ lệ đáp ứng khối u sau lần can thiệp đầu cao hơn ở các trường hợp được sử dụng loại hạt DC Beads kích cỡ nhỏ hơn (bảng 3.24). Tuy nhiên sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê và sự so sánh còn bị ảnh hưởng bởi một yếu tố chủ quan trong thực tế là các hạt kích cỡ nhỏ thường được áp dụng cho các khối u kích thước nhỏ hơn. Vấn đề này cũng cần được nghiên cứu sâu hơn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kết quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng phương pháp tắc mạch hóa chất sử dụng hạt vi cầu DC Beads (Trang 119 - 121)