Theo TS. Vũ Thu Hạnh thì trên thế giới hiện có hai quan niệm khác nhau về thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra [6]. Quan niệm thứ nhất cho rằng, thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra chỉ là các thiệt hại đối với môi trường tự nhiên như thiệt hại đối với hệ động vật, thực vật, đất, nước, không khí… mà không bao gồm thiệt hại về người và tài sản. Quan niệm thứ hai cho rằng, thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra không chỉ bao gồm các thiệt hại liên quan đến chất lượng môi trường nói chung mà còn bao gồm cả thiệt hại về
sức khỏe của con người, tài sản của cá nhân do ô nhiễm môi trường gây nên. Cụ thể:
a) Theo quan niệm thứ nhất, thì thiệt hại về môi trường chỉ là những
thiệt hại đối với môi trường tự nhiên. Cụ thể hơn là thiệt hại do những thay đổi bất lợi về tài nguyên thiên nhiên (suy giảm, tuyệt chủng...) hoặc cản trở đáng kể đến dịch vụ về tài nguyên thiên nhiên mà có thể xảy ra một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, bao gồm, thiệt hại đối với những loài và môi trường sống tự nhiên cần được bảo vệ; thiệt hại về tài nguyên nước, tức là bất kì thiệt hại nào ảnh hưởng bất lợi đáng kể đến hiện trạng sinh thái, hóa học và/hoặc định lượng, và/hoặc tiềm năng sinh thái của nước; thiệt hại về đất, tức là bất kì sự ô nhiễm đất nào gây ra nguy cơ đáng kể cho sức khỏe con người hoặc con người bị ảnh hưởng bất lợi do kết quả của việc đưa trực tiếp hoặc gián tiếp các chất, sản phẩm hóa chất, các sinh vật hoặc vi sinh vật vào trong đất; thiệt hại đối với hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái ven bờ; không khí, đất, nước do thải các chất độc hại do thải hóa chất và vật chất khác và tràn dầu; nước biển, hệ động vật và thực vật biển (Canada); thiệt hại về môi trường cũng có thể là tình trạng gây ra đối với những chức năng vốn có của môi trường tự nhiên do săn bắt quá mức động vật hoang dã hoặc thu hoạch quá mức cây cỏ hoang dại, phá hủy nơi sinh sống của chúng, làm xáo động trật tự của hệ sinh thái và làm tổn hại đến cảnh quan thiên nhiên (Hàn Quốc). Điển hình cho nhóm quan niệm này là Cộng đồng chung Châu ÂU - EC, Canada, Hàn Quốc [6].
b) Các nước theo quan niệm thứ hai cho rằng, thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra bao gồm các thiệt hại liên quan đến chất lượng môi trường nói chung và cả thiệt hại về sức khỏe của con người, thiệt hại về tài sản của cá nhân, pháp nhân do ô nhiễm môi trường gây nên. Những nước theo quan niệm này điển hình là Cộng hòa Liên bang Nga, Nhật Bản, Australia [5].
- Cộng hòa liên bang Nga quan niệm thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra bao gồm: thiệt hại về sức khỏe của con người là hậu quả trực tiếp hoặc
gián tiếp do ô nhiễm môi trường; thiệt hại về môi trường là sự giảm sút năng suất của nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn vốn tự nhiên; thiệt hại về chất lượng môi trường là làm giảm hoặc làm ngừng khả năng sinh sản, năng suất của quá trình tự nhiên và tái tạo mới chất lượng môi trường.
- Nhật bản cũng cho rằng thiệt hại do ô nhiễm môi trường gồm nhiều loại như: i) Thiệt hại đối với sức khỏe và tính mạng của con người; ii) Thiệt hại về tài sản; iii) Thiệt hại đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái; iv) Thiệt hại do mất hoặc giảm giá trị cảnh quan.
- Tại Australia, ngoài những thiệt hại trên, các loại lợi ích về văn hóa, lợi ích về tình cảm, trí tuệ, lợi ích thẩm mỹ, giải trí (gọi chung là lợi ích phi vật chất) cũng được coi là một loại thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra.
Theo quan niệm thứ hai nêu trên, thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra không chỉ là những thiệt hại đối với môi trường tự nhiên mà còn bao gồm cả thiệt hại đối với sức khỏe con người và tài sản của cá nhân, tổ chức.
Như vậy, trên thế giới thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra hiện đang được hiểu theo hai hướng: thứ nhất, chỉ là những thiệt hại đối với môi trường tự nhiên; và thứ hai, thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra bao gồm thiệt hại đối với môi trường tự nhiên và những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản, lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân do ô nhiễm môi trường gây ra.