Hành vi vi phạm pháp luật môi trường được hiểu là hành vi không tuân theo các qui định của pháp luật môi trường, gây ô nhiễm môi trường dẫn đến thiệt hại về môi trường tự nhiên là sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường từ đó gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của cá nhân và thiệt hại về tài sản của cá nhân, tổ chức. Ví dụ, các hành vi vi phạm quy định về cấm xả nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn ra môi trường, xâm phạm các quyền của công dân được pháp luật bảo vệ như quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản. Hành vi vi phạm pháp luật môi trường được coi là căn cứ quan trọng để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Hành vi vi phạm pháp luật môi trường được thực hiện phổ biến dưới một số hình thức sau đây:
- Khai thác, kinh doanh động, thực vật quý, hiếm gây cạn kiệt và nguy cơ tuyệt chủng động, thực vật rừng quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ (vi phạm các qui định về bảo vệ động thực vật quý, hiếm; các qui định về bảo vệ đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên);
- Chặt, phá rừng, đốt rừng, khai thác rừng trái phép làm giảm diện tích rừng, trữ lượng rừng (vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng);
- Làm suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước (vi phạm các quy định về bảo vệ trữ lượng, chất lượng nước);
- Làm ô nhiễm môi trường đất...;
- Gây ô nhiễm môi trường do có hành vi vi phạm các qui định về hoạt động có liên quan đến chất phóng xạ, hóa chất nguy hiểm; các qui định về vận chuyển, thải và xử lí chất thải, rác thải, khí thải; qui định về tiếng ồn, độ rung...
Những hành vi vi phạm pháp luật môi trường như nêu trên dẫn đến hậu quả là môi trường tự nhiên bị suy giảm chức năng, tính hữu ích và từ đó gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.