Giai đoạn trƣớc năm

Một phần của tài liệu Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường theo pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 33 - 35)

Trước khi Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 được ban hành, pháp luật nước ta hầu như chưa có quy định về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường. Hiến pháp năm 1980 chỉ quy định chung về bảo hộ tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm của công dân; đồng thời xác định mọi hành động xâm phạm quyền lợi chính đáng của công dân phải được kịp thời sửa chữa và xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường (Điều 70 và Điều 73 Hiến pháp 1980).

Hiến pháp năm 1992 khẳng định nguyên tắc "Mọi hoạt động xâm phạm lợi ích Nhà nước và lợi ích hợp pháp của công dân đều bị xử lý theo pháp luật" (Điều 12). Điều 74 Hiến pháp 1992 quy định "Mọi hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự".

Trên cơ sở nguyên tắc chung của Hiến pháp năm 1992 về bảo hộ quyền lợi của tổ chức, cá nhân và về trách nhiệm dân sự của người có hành vi gây thiệt hại, Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 là văn bản pháp lý đầu tiên ghi nhận rõ ràng về vấn đề bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường. Thuật ngữ "bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường" cũng chỉ được biết đến từ khi Nhà nước ta ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 1993. Tại Điều 7 của Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 quy định: "Tổ chức, cá nhân gây tổn hại môi trường do hoạt động của mình phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật" [13].

Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân do làm ô nhiễm môi trường được quy định cụ thể hơn tại Điều 30 của Luật này:

Tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong các hoạt động khác mà làm suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, gây sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định của Ủy ban nhân dân địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, có trách nhiêm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật [13].

Điều 49 quy định những người bị thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe được bồi thường theo quy định của pháp luật và Điều 52 của Luật Bảo vệ môi trường 1993 đã khẳng định: "Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định tại Điều 50 và Điều 51 của Luật này, còn phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật" [13].

Qua các quy định trên, có thể thấy rằng, các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 về bồi thường thiệt hại chỉ mới nêu chung chung "bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật" mà trên thực tế, pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Do đó, tính khả thi của các điều luật này trên thực tế là không cao.

Ở cấp độ văn bản dưới luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ngay từ năm 1995 đã có hai thông tư liên quan đến trách nhiệm khắc phục các sự cố gây ô nhiễm suy thoái môi trường, có các quy định liên quan đến bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường. Đó là:

- Thông tư số 2370-TT/Mtg ngày 22/12/1995 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn tạm thời về khắc phục sự cố chảy xăng dầu có xác định những khoản chi phí được tính để đòi bồi thường thiệt hại về môi trường. - Thông tư số 2262/TT-MTg ngày 29-12-1995 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn về khắc phục sự cố tràn dầu. Trong thông tư quy định rõ những công việc cần làm khi sự cố tràn dầu xảy ra như công tác báo cáo, nội dung công việc cần làm ngay để giảm tối đa ảnh hưởng của sự cố, công tác tổ chức thực hiện và công tác phòng ngừa. Và đặc biệt, trong

thông tư còn đề cập tới nguyên tắc bồi thường thiệt hại về môi trường và hướng dẫn nội dung cơ bản của thủ tục và hồ sơ pháp lý đòi bồi thường.

Có thể cho rằng, pháp luật về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường bắt đầu được hình thành và phát triển khi Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 được ban hành. Những quy định của Luật Bảo vệ môi trường đã bước đầu tạo cơ sở pháp lý cho việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra. Tuy nhiên, những quy định này vẫn mới chỉ dừng lại ở mức quy định chung, về nguyên tắc, về trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại khi có hành vi vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường mà chưa có những quy định cụ thể về các yếu tố pháp lý có liên quan để làm căn cứ giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường.

Một phần của tài liệu Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường theo pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 33 - 35)